Chứng chỉ ngoại ngữ là quan trọng nhưng cần tránh học tủ
Nhiều năm nay, chứng chỉ ngoại ngữ được xã hội quan tâm hơn bởi ngoài việc sử dụng trong hồ sơ du học, xin học bổng, đi làm thì có rất nhiều học sinh cấp THPT đăng ký, tham gia dự thi để phục vụ mục tiêu xét tuyển ĐH.
Trong 20 phương thức xét tuyển ĐH áp dụng trong mùa tuyển sinh 2022, phương thức xét tuyển kết hợp bằng chứng chỉ ngoại ngữ không chỉ được thí sinh mà còn rất nhiều trường ĐH, học viện sử dụng. So tương quan thì chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được thí sinh ưu tiên chọn lựa hơn bởi độ bao phủ của chứng chỉ ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Giám đốc trung tâm WINKI ENGLISH Trần Thu Giang, các chứng chỉ ngoại ngữ như: IETLS, TOEIC, TOEFL… đều có giá trị trong việc đánh giá năng lực sử dụng ngoại ngữ của người sở hữu chứng chỉ ở cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, do vậy đòi hỏi người học phải có một lượng kiến thức chuyên sâu, toàn diện ở nhiều lĩnh vực. Việc học và thi chứng chỉ ngoại ngữ sẽ giúp thí sinh trở thành công dân toàn cầu, tự tin trong việc giao tiếp và sử dụng tiếng Anh.
Tuy nhiên, lợi dụng việc thí sinh và phụ huynh chuộng thi các chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó có IELTS, các trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm. Bên cạnh các trung tâm uy tín, học thật, thi thật thì không ít trung tâm dạy tủ, học tủ, luyện thi theo kiểu "luyện gà", chỉ chăm chăm vào giải đề hay học thuộc lòng nhằm có điểm số cao khiến chứng chỉ ngoại ngữ bị đánh giá sai so với giá trị vốn có của nó.
Đồng tình quan điểm trên, TS Trần Tín Nghị - Trưởng khoa Ngoại ngữ, trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh nêu thực trạng: Hiện nay, có nhiều người dù đạt điểm số cao trong các bài thi IELTS, TOEIC, TOEFL hay chứng chỉ theo Khung năng lực 6 bậc (VSTEP) vẫn có thể gặp nhiều khó khăn về ngoại ngữ trong công tác chuyên môn hoặc hay trong môi trường học tập nghiên cứu.
Việc quá chú trọng vào một bài thi có thể làm cho người học chỉ tập trung vào kỹ năng làm bài hơn là phát triển ngoại ngữ một cách tự nhiên. Bởi vậy thí sinh cần đặc biệt lưu ý, học và thi chứng chỉ tiếng Anh không chỉ để làm đẹp hồ sơ mà quan trọng sau này sử dụng vốn tiếng Anh đó như thế nào.
Các chứng chỉ ngoại ngữ của quốc tế hay Việt Nam cũng đều là công cụ đánh giá năng lực ngoại ngữ của người học theo bộ tiêu chuẩn của chứng chỉ đó. Các kỳ thi này dù kiểm tra đầy đủ cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết hay chỉ kiểm tra một số kỹ năng thì vẫn nên chỉ coi là một căn cứ để đánh giá năng lực của thí sinh chứ không nên thần thánh hóa chứng chỉ, bởi điều đó sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường và không thực chất…, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm.
Ngoài việc chú trọng kiến thức và khả năng sử dụng ngoại ngữ một cách chủ động, tự tin của người học, người thi chứng chỉ, các chuyên gia còn lưu ý thí sinh về thời điểm thi. Nhiều cha mẹ có con đang học cấp 2, thậm chí cấp 1 đã đi luyện để thi chứng chỉ ngoại ngữ. Việc thi chứng chỉ ngoại ngữ sớm không mang lại nhiều ý nghĩa vì học tiếng Anh là cả quá trình tích lũy.
Vậy nên, thay vì thi sớm, thí sinh nên đầu tư thời gian vào học tiếng Anh bài bản, hệ thống để thành thục 4 kỹ năng. Hơn nữa, hầu hết các chứng chỉ ngoại ngữ chỉ có giá trị trong 2 năm. Việc thi sớm, chẳng những không đạt trình độ theo mong muốn mà còn khiến thí sinh mệt mỏi, áp lực, phụ huynh tốn kém tiền bạc. Thí sinh và phụ huynh nên đặt cho mình lộ trình và tính toán thời gian học - ôn - thi - nhận chứng chỉ một cách hợp lý để chứng chỉ có giá trị sử dụng tốt hơn.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-chi-ngoai-ngu-la-quan-trong-nhung-can-tranh-hoc-tu.html