Chùng chình di dời các điểm thu mua phế liệu trong nội ô Bình Phước
Là địa điểm tập kết lượng lớn vật liệu dễ cháy, dễ bắt lửa như bao bì, túi ni lông, bìa các tông, nhựa..., các cơ sở thu mua phế liệu không khác gì những quả bom nổ chậm nằm trong lòng khu dân cư.
Thế nhưng, những điểm thu mua này vẫn đang hoạt động, dù trước đó UBND thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đã có chủ trương kiên quyết di dời các cơ sở này ra ngoài khu dân cư.
Có mặt tại một điểm thu mua phế liệu nằm trong khu dân cư ngay mặt đường Lê Duẩn, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, chúng tôi không khó để nhận ra nơi mua bán phế liệu của cơ sở này cũng vừa là nhà ở của chủ cơ sở. Bên trong căn nhà, những vật liệu dễ bắt lửa nằm ngổn ngang, không thấy bất kì phương tiện phòng cháy chữa cháy nào.
Có nhà gần cơ sở thu mua phế liệu này, ông Nguyễn Văn Dương và một số người dân sống xung quanh đường Lê Duẩn không khỏi lo lắng cho sự an toàn của mình và những người xung quanh.
Theo ông Dương, việc cơ sở hoạt động thu mua phế liệu nằm ngay giữa trung tâm, nơi dân cư đông đúc là mất mỹ quan cũng như ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Với quy mô hoạt động của cơ sở thu mua phế liệu như hiện nay, nếu xảy ra cháy nổ thì hậu quả khôn lường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn các cơ sở thu mua phế liệu đang hoạt động hiện nay trên địa bàn nội ô thành phố Đồng Xoài đều là của tư nhân, kinh doanh nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong các khu dân cư và hoạt động tự phát. Phế liệu được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau, đủ chủng loại. Hơn nữa, các cơ sở thu mua phế liệu thường kết hợp với nhà ở, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Vì vậy, dù chủ cơ sở có ý thức phòng cháy chữa cháy thì nguy cơ cháy nổ vẫn luôn rình rập.
Ông Võ Minh Hiệp, chủ cơ sở thu mua phế liệu đối diện gần sát trụ sở UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, nếu xảy ra cháy thì không phải riêng người dân xung quanh mà ngay cả người trực tiếp buôn bán phế liệu như gia đình ông Hiệp cũng sợ.
Cũng theo ông Hiệp, mặc dù biết là nguy hiểm và mất mỹ quan đô thị, nhưng cuộc sống của cả gia đình ông đều dựa vào nghề thu mua phế liệu. Vì vậy, nếu muốn chuyển đổi nghề khác cũng phải mất thời gian dài hoặc có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Khi chính quyền có chủ trương di dời các cơ sở thu mua phế liệu ra khỏi khu đô thị, chúng tôi nhất trí ngay. Tuy nhiên, để người buôn bán phế liệu di dời và có cuộc sống ổn định, chính quyền cũng cần có kế hoạch hỗ trợ trong thời gian đầu để sớm ổn định cuộc sống, ông Hiệp kiến nghị.
Không thể phủ nhận truyền thống lâu đời của ngành thu mua phế liệu và vai trò của nó trong việc thu gom, phân loại lượng lớn rác thải, giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Song những hệ lụy của hoạt động kinh doanh tự phát này trong khu dân cư vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề trên đòi hỏi cơ quan chức năng phải có giải pháp quyết liệt hơn.
Theo báo cáo, hiện trên địa bàn thành phố Đồng Xoài có 28 cơ sở đang hoạt động thu mua phế liệu, trong đó 15 cơ sở có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Trước đó, vào tháng 3/2019, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại kho phế liệu ở ấp 2, xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài. Vụ cháy đã làm thiệt hại lượng lớn tài sản của chủ cơ sở và một số hộ xung quanh. Vụ cháy này không phải là vụ cháy kho phế liệu đầu tiên trong khu dân cư ở thành phố Đồng Xoài.
Điều đáng nói là đầu năm 2018, trong khi vừa nhận chức Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài, ông Lê Trường Sơn (nay là Bí thư Thành ủy Đồng Xoài) trong một cuộc họp đã khẳng định rằng sẽ kiên quyết di dời các cơ sở thu mua phế liệu này ra khỏi khu dân cư. Thế nhưng đã hơn 1 năm nay, điều khẳng định đó cũng chưa được thực hiện.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với UBND thành phố Đồng Xoài, thậm chí gửi công văn trực tiếp để tìm câu trả lời. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều lần hứa hẹn, cáo bận, UBND thành phố Đồng Xoài vẫn chưa có câu trả lời chính thức.