Chứng cuồng công việc ở Mỹ ngày càng trầm trọng

Bất chấp hậu quả của làm việc quá sức, nhiều người lao động xứ cờ hoa tự hào về sự cống hiến không ngơi nghỉ cho công việc.

Theo The New York Times, nghiên cứu gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cho thấy làm việc 55 giờ/tuần trở lên là “mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe”.

Theo ước tính, thời gian làm việc kéo dài đã dẫn đến 745.000 ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2016, tăng 29% so với năm 2000. Các trường hợp này tập trung nhiều nhất ở Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á, đặc biệt là ở những người 60-79 tuổi đã phải làm việc quá sức sau tuổi 45.

Tại Mỹ, trung bình mỗi người làm việc 40 giờ/tuần. Tuy vậy, nhiều người tự hào vì đã dành thời gian cho công việc hơn mức WHO cảnh báo nguy hiểm.

Trong thời kỳ đại dịch, khi ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng mờ nhạt và tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, nhiều nhân viên Mỹ phải làm thêm giờ. Một cuộc khảo sát cho thấy phần lớn đã cắt ngắn, hoãn lại hoặc hủy bỏ các kỳ nghỉ trong thời gian này.

 Nhiều người Mỹ đang đối mặt với tình trạng quá tải công việc. Ảnh: New York Post.

Nhiều người Mỹ đang đối mặt với tình trạng quá tải công việc. Ảnh: New York Post.

Tự hào vì không được nghỉ

Những hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng làm việc quá sức đã gióng lên trong nhiều năm trên khắp thế giới.

Sự mệt mỏi đã được xác định là yếu tố dẫn đến các thảm họa công nghiệp như vụ nổ nhà máy lọc dầu BP ở Texas (Mỹ) năm 2005 và sự cố hạt nhân ở đảo Three Mile (Mỹ) năm 1979.

Ở Nhật Bản, tình trạng này phổ biến đến mức thuật ngữ “karoshi” - “chết vì làm việc quá sức” được coi là nguyên nhân tử vong hợp pháp.

Vậy, giải pháp phải chăng là giảm giờ làm xuống và sống cuộc đời chất lượng hơn?

Ở thời trước, đó dường như là tương lai tất yếu. Khi sự thịnh vượng gia tăng và máy móc thay thế sức lao động chân tay, con người đã kỳ vọng có thể dành nhiều thời gian cho sở thích cá nhân và cuộc sống gia đình.

Năm 1930, nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes cho rằng các quốc gia công nghiệp phát triển sẽ giúp con người làm ít việc và có những kỳ nghỉ dài hơn. Ông dự đoán rằng trong thế kỷ 21, mỗi người sẽ chỉ làm việc 3 giờ/ngày, tức 15 giờ/tuần.

Điều này không hề đúng với nước Mỹ, khi sự cuồng công việc đã trở thành một đặc trưng của xứ cờ hoa.

 Mỹ tự hào là quốc gia duy nhất không có kỳ nghỉ phép bắt buộc cho người lao động. Ảnh: Getty.

Mỹ tự hào là quốc gia duy nhất không có kỳ nghỉ phép bắt buộc cho người lao động. Ảnh: Getty.

Trong khi châu Âu đã áp đặt các biện pháp cho người lao động nghỉ ngơi và bảo vệ sức khỏe qua việc yêu cầu ít nhất 20 ngày nghỉ có lương mỗi năm, Mỹ vẫn tự hào là "quốc gia duy nhất không có kỳ nghỉ".

Trong một nghiên cứu năm 2019 về 21 nước phát triển của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Mỹ là quốc gia duy nhất mà người lao động không có kỳ nghỉ được trả lương. Chỉ có 16 tiểu bang và Đặc khu Columbia cho phép nghỉ ốm hưởng nguyên lương.

Ngay cả những người Mỹ được hưởng chế độ trên cũng hạn chế nghỉ. Một nghiên cứu cho thấy hơn một nửa không sử dụng tất cả thời gian được nghỉ phép của họ.

Người giàu cũng tham công tiếc việc

Nhiều người Mỹ làm việc thêm giờ để kiếm kế sinh nhai. Dù xã hội hiện đại đã trở nên thịnh vượng hơn, vẫn có những người không được hưởng dù chỉ một phần nhỏ của sự giàu sang đó.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn là người Mỹ giàu có không noi gương tổ tiên họ ở những thế kỷ trước. Trên thực tế, những người giàu có với trình độ học vấn cao làm việc nhiều hơn so với những thập kỷ trước. Trong đó, 10% người giàu nhất phải chịu khối lượng công việc khổng lồ.

Giới thượng lưu ở các thời đại trước đây phô trương sự giàu sang bằng cách ăn diện đẹp đẽ và tận hưởng thú vui xa hoa. Ngày nay, người giàu ở Mỹ thể hiện bản thân qua sự bận rộn với công việc.

Một lý do có thể là họ thích làm việc, ít nhất là loại công việc thường thấy ở những người giàu. Trong lịch sử loài người, ít có ai cho rằng nên làm việc nhiều hơn mức cần thiết. Triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle từng phát biểu: "Lý do chúng ta lao động là để được giải trí". Tuy vậy, những người Mỹ giàu có dường như đã quyết định rằng chỉ nên giải trí có chừng mực.

Derek Thompson, cây viết của tờ The Atlantic, mô tả sự cuồng công việc này như một tôn giáo mới, trong đó “quan niệm của người Mỹ về công việc đã chuyển từ nghề sang sự nghiệp và giờ là sứ mệnh. Việc làm trước đây mang tính thiết yếu, dần chuyển sang địa vị xã hội và vươn lên tầm ý nghĩa cuộc đời".

 Nhiều người Mỹ làm việc với niềm tin rằng công việc là sứ mệnh cuộc đời. Ảnh: Getty.

Nhiều người Mỹ làm việc với niềm tin rằng công việc là sứ mệnh cuộc đời. Ảnh: Getty.

Những người Mỹ giàu có cũng được thúc đẩy bởi thực tế rằng phần thưởng cho sự chăm chỉ lớn hơn bao giờ hết. Trong xã hội trọng dụng những người có năng lực, hậu quả của sự tụt hậu cũng vậy. Mọi người làm việc ngoài giờ bởi những nhu cầu thiết yếu luôn có nguy cơ mất đi: khả năng có được bảo hiểm y tế, mua nhà, cho con cái học trường tốt.

Ở những quốc gia giàu có khác, người lao động không chỉ có nhiều kỳ nghỉ hơn. Họ còn có thể tận hưởng thời gian giải trí một cách trọn vẹn, bởi không có gì phải đánh đổi nếu họ không làm thêm giờ.

Bởi vậy, đặt ranh giới giữa công việc và nghỉ ngơi không chỉ là đặc quyền mà còn là vấn đề sống còn. Người lao động Mỹ cần có thời gian nghỉ ngơi thay vì liên tục lo lắng kiếm sống. Những người giàu hơn, dù tận hưởng những lợi ích của sự chăm chỉ, cũng nên xem xét cái giá phải trả khi làm việc quá sức.

Mai Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chung-cuong-cong-viec-o-my-ngay-cang-tram-trong-post1222751.html