Chứng khoán ít biến động, giá vàng tăng lên mức cao nhất trong hơn một tuần
Chứng khoán Mỹ khép phiên giao dịch ngày 23/4 gần như đi ngang giữa lúc giá dầu tiếp tục đà hồi phục, trong khi Mỹ công bố số liệu gây thất vọng về thực trạng thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones khép phiên giảm điểm so với lúc đầu phiên xuống còn 23.515,26 điểm, giảm 0,2% so với phiên trước đó. Chỉ số S&P 500 giảm 0,1% xuống đóng phiên ở mức 2.797,8 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite Index đi ngang ở mức 8.494,75 điểm.
Bộ Lao động Mỹ ngày 23/4 cho biết khoảng 4,4 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước, mức kỷ lục trong lịch sử, nâng tổng số đơn thất nghiệp lên tới 26 triệu trong 5 tuần qua. Mặc dù 43 tiểu bang cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Bang California tiếp tục chứng kiến con số cao nhất với 530.000 đơn, giảm 19%, trong khi số đơn ở New York và Missouri cũng giảm 50% so với tuần trước đó.
Tuy nhiên, tại một số ít các bang, tỷ lệ này lại tăng mạnh. Số đơn ở bang West Virginia và Connecticut nhiều hơn gấp ba lần. Tỷ lệ này cũng tăng 180% ở bang Florida khi có hơn 500.000 đơn.
Trong khi đó, cùng ngày, giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong hơn một tuần qua, giữa lúc các nhà đầu tư kỳ vọng Mỹ sẽ đưa ra thêm các biện pháp kích thích khi lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã gây tổn thất cho nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như thị trường lao động của nước này.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.726,94 USD/ounce vào lúc 0 giờ 36 phút (ngày 24/4 theo giờ Việt Nam). Trước đó trong cùng phiên, giá kim loại quý này đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 14/4 là 1.738,58 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,4% lên 1.745,40 USD/ounce.
Ông David Meger, trưởng bộ phận giao dịch kim loại ở High Ridge Futures, cho rằng giá vàng nhận được sự hỗ trợ từ các biện pháp kích thích liên tiếp của ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Đặc biệt, Hạ viện Mỹ ngày 23/4 đã thông qua một dự luật kích thích bổ sung trị giá 484 tỷ USD, nâng tổng chi phí hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ ứng phó với tác động từ đại dịch lên gần 3.000 tỷ USD.
Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, tại cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến tối 23/4, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý xây dựng một Quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 trị giá hơn 1.000 tỷ euro.