Chứng khoán phái sinh đang nâng cao dần 'vị thế'?

Trong bối cảnh thanh khoản thị trường cơ sở gần như mất hút, thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục thu hút dòng tiền mạnh mẽ. Điều này cho thấy chứng khoán phái sinh không còn là kênh đầu tư lạ lẫm, thay vào đó trở thành lựa chọn của số đông khi thị trường cơ sở không còn 'hấp dẫn' như trước.

Chẳng hạn, trong phiên giao dịch 13/10, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (VN30F1M) tháng 10 đạt xấp xỉ 500.000 hợp đồng, tương ứng giá trị vượt hơn 50.000 tỷ đồng (~2,2 tỷ USD). Đây là mức thanh khoản cao thứ 2 trong lịch sử chỉ xếp sau mức kỷ lục từng ghi nhận vào phiên ngày 21/6.

Thanh khoản “suýt” phá vỡ kỷ lục

Có thể thấy, giao dịch phái sinh đã liên tục tăng mạnh từ giữa tháng 9, thời điểm thị trường cơ sở bắt đầu biến động không thuận lợi.

Trong giai đoạn chứng khoán cơ sở gặp khó, dòng tiền dường như đang tìm đến phái sinh để tìm kiếm khả năng sinh lời cũng như phòng ngừa rủi ro. (Ảnh: Int)

Trong giai đoạn chứng khoán cơ sở gặp khó, dòng tiền dường như đang tìm đến phái sinh để tìm kiếm khả năng sinh lời cũng như phòng ngừa rủi ro. (Ảnh: Int)

Theo số liệu từ HNX, khối lượng giao dịch bình quân VN30F1M trong tháng 9 đạt 253.723 hợp đồng/phiên, tăng 29,5% so với tháng trước. Giá trị giao dịch bình quân cũng tăng 24,5% lên đạt 31.143 tỷ đồng. Khối lượng mở (OI) hợp đồng tương lai VN30 tăng 17,13% so với tháng trước, đạt 49.476 hợp đồng tại phiên giao dịch cuối tháng 9/2022. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh cũng không ngừng tăng lên và vượt hơn 1,1 triệu tài khoản vào cuối tháng 9.

Nhìn chung, trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) cơ sở diễn biến ngày càng khó lường và dòng tiền ngày càng “mất hút”, giới phân tích cho rằng, một phần đã rút khỏi thị trường quay về sản xuất kinh doanh, cũng như các kênh đầu tư khác như bảo hiểm, gửi tiết kiệm ngân hàng. Đồng thời, không loại trừ khả năng một phần dòng tiền từ cơ sở đã chuyển sang phái sinh để tìm kiếm khả năng sinh lời hoặc phòng ngừa rủi ro trong giai đoạn khó khăn.

Cụ thể, nhiều nhà đầu tư đã bán cổ phiếu cơ sở trong nhịp giảm điểm vừa qua của thị trường. Và khi thị trường bật hồi trở lại, nhà đầu tư mất vị thế khiến việc mua mới gặp nhiều rủi ro, vì vậy họ đã tìm đến TTCK phái sinh để giao dịch ngắn hạn, chờ đợi cơ hội điểm mua mới hấp dẫn ở TTCK cơ sở.

Bên cạnh đó, một số khác lại sử dụng chứng khoán phái sinh để phòng hộ cho danh mục chứng khoán cơ sở, giúp nhà đầu tư bảo vệ danh mục đầu tư liên quan đến biến động giá của tài sản. Thông thường nhà đầu tư nắm giữ nhiều hàng cơ sở thường chọn vị thế "Short" để phòng hộ danh mục và ngược lại.

Hơn nữa, tỷ lệ đòn bẩy cao cũng là một yếu tố thúc đẩy giao dịch phái sinh sôi động hơn trong bối cảnh TTCK cơ sở “khó ăn” như hiện nay.

Tuy nhiên, vì cơ hội hấp dẫn nên chứng khoán phái sinh cũng tiềm ẩn những "con sóng dữ" chực chờ nhấn chìm nhà đầu tư nếu nhà đầu tư không kiểm soát được rủi ro. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nhà đầu tư cần chuẩn bị kỹ kiến thức trước khi tham gia giao dịch loại hình này và tốt nhất chỉ nên dùng chứng khoán phái sinh như một sản phẩm phòng hộ cho danh mục cơ sở.

Có hay không việc ảnh hưởng xấu đến chứng khoán cơ sở?

Trái ngược với giao dịch "ảm đạm" trên thị trường cơ sở, thanh khoản phái sinh liên tục tăng mạnh với những giao dịch sôi động hơn trước, thậm chí còn suýt phá kỷ lục, nhiều người cho rằng phải chăng chứng khoán phái sinh là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến TTCK cơ sở.

Thực tế, phái sinh là công cụ để nhà đầu tư có thể Long (mua) khi cho rằng thị trường đi lên và Short (bán) khi cho rằng thị trường đi xuống.

Khi đó, để có thể tạo được lợi nhuận khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư muốn phòng ngừa cho danh mục của mình có thể Short hợp đồng phái sinh. Tương tự, nếu nhà đầu tư cho rằng thị trường sẽ đi lên mà không muốn mua toàn bộ rổ cổ phiếu VN30, bạn có thể mua hợp đồng tương lai bởi nó dựa trên chỉ số VN30.

Không chỉ vậy, trước ngày đáo hạn phái sinh, TTCK luôn luôn có sự biến động mạnh. Theo đó, trong những phiên đáo hạn phái sinh, chỉ số VN30 biến động đột ngột và bất ngờ, gây ảnh hưởng đến chỉ số chung của thị trường cơ sở.

Cũng chính vì giao dịch phái sinh dựa trên chỉ số VN30, trong khi chỉ số này lại ảnh hưởng lớn đến điểm số của VN-Index nên mới dẫn tới lý do của sự nghi hoặc trên.

Một số chuyên gia nhận xét, mặc dù hoạt động đáo hạn gây nên sự chú ý bởi chỉ số VN30 trên TTCK cơ sở nhưng bản chất thực của thị trường phái sinh là quan tâm và để ý đến kết quả đầu tư lỗ hoặc lãi khi hợp đồng tương lai đến kỳ đáo hạn.

Hơn nữa, để hạn chế những ảnh hưởng của chỉ số VN30 đến thị trường cơ sở trong ngày đáo hạn phái sinh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các Sở giao dịch chứng khoán thực hiện điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn. Thay vì chỉ lấy giá trị chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như cách tính trước đây.

Theo ông Nguyễn Đức Thông - Giám đốc Giao dịch Phái sinh, CTCP Chứng khoán SSI, sản phẩm nào cũng có cái lợi của nó, thị trường phái sinh và để dễ hiểu tại Việt Nam, nhà đầu tư quan tâm đến hợp đồng tương lai chỉ số VN30 lại trở thành công cụ giúp cho nhiều nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro từ cơ sở. Và đây là một trong những mục tiêu đưa ra cho sản phẩm này.

Rõ ràng, thị trường phái sinh đang từng bước trở thành kênh đầu tư hiệu quả và công cụ phòng ngừa rủi ro. Đồng thời cũng ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam. Trở thành một cấu phần không thể thiếu trong TTCK Việt Nam, góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK, hỗ trợ sự phát triển bền vững TTCK cơ sở và thúc đẩy sự phát triển của kênh huy động vốn này.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-dich/chung-khoan-phai-sinh-dang-nang-cao-dan-vi-the-1088647.html