Chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ do lo ngại về biến thể Omicron
Ngày 20/12, chứng khoán và giá dầu thế giới đã đồng loạt giảm mạnh trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về nguy cơ số ca mắc COVID-19 mới tăng lên và khả năng dự luật chi tiêu quy mô lớn của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không được thông qua tại Thượng viện.
Bầu không khí tại các thị trường đã bắt đầu trở nên u ám, khi các ngân hàng trung ương bắt đầu dừng các hỗ trợ tài chính lớn để chống lạm phát. Cùng lúc, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã buộc chính phủ các nước phải tái áp đặt các biện pháp kiểm soát khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề.
Chuyên gia Robert Schein của công ty quản lý đầu tư Blanke Schein Wealth Management nhận định biến thể Omicron hiện vẫn là mối quan ngại lớn và số ca mắc COVID-19 đang trên đà tăng. Các nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý khi COVID-19 sẽ vẫn là nhân tố chính tác động đến thị trường từ nay cho đến năm 2022.
Trong phiên giao dịch ngày 20/12, chỉ số chứng khoán tại Tokyo (Nhật Bản) và Mumbai (Ấn Độ) đã giảm hơn 2%, trong khi chỉ số chính tại các thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và Seoul (Hàn Quốc) lần lượt giảm ở mức 1,9% và 1,8%. Thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore, Bangkok (Thái Lan), Sydney (Australia), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia) đều chìm trong sắc đỏ. Chỉ duy nhất có chỉ số chứng khoán tại Wellington (New Zealand) là tăng nhẹ.
Tại châu Âu, chỉ số chứng khoán STOXX 600 giảm 2,3%, mức thấp nhất trong 2 tuần qua. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) đã giảm 2,1% xuống còn 6.782,16 điểm, trong khi chỉ số DAX của Frankfurt (Đức) giảm 2,4% xuống 15.144,44 điểm. Cùng chung xu hướng này, chỉ số FTSE 100 của London (Anh) đã giảm 1,9% xuống 7.133,15 điểm.
Chuyên gia phân tích Naeem Aslam của AvaTrade nhận định các nhà đầu tư đang hành động một cách thận trọng, rút vốn khỏi các khoản đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro nhằm chờ đợi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định trở lại.
Tại Mỹ, chỉ số tổng hợp S&P 500 đã giảm 1,5% sau khi có thông tin Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang West Virginia, Joe Manchin sẽ không ủng hộ dự luật "Xây dựng lại để tốt hơn" trị giá 1.750 tỷ USD của Tổng thống Biden. Lá phiếu của Thượng nghị sĩ Manchin đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp dự luật được phê chuẩn tại Thượng viện. Cuối tuần qua, Nhà Trắng đã nỗ lực thuyết phục Thượng nghị sĩ Manchin quay lại thương lượng. Trong bối cảnh dự luật chi tiêu vấp phải rào cản lớn, ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I/2022 từ mức 3% xuống còn 2%.
Tuần trước, chỉ số chứng khoán Phố Wall đã đồng loạt giảm mạnh, sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ thu hẹp chương trình mua trái phiếu và tăng lãi suất 3 lần trước cuối năm sau. Ban đầu, thông báo này đã rất được hoan nghênh khi vạch rõ định hướng chính sách trong thời gian tới, song điều này cũng sẽ mở đầu cho giai đoạn siết chặt chính sách tiền tệ - vốn là động lực giúp kinh tế toàn cầu đạt các thành tích ấn tượng trong hai năm qua.
Trên thị trường dầu mỏ, những lo ngại về biến thể Omicron cũng khiến giá dầu WTI đã giảm 5,7% xuống còn 66,84 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent Biển Bắc giảm 5,1% xuống 69,79 USD/thùng.