Chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều sau thượng đỉnh Mỹ-Trung
Cả 3 chỉ số chính trên Phố Wall chỉ dao động quanh các mức cao kỷ lục từng ghi nhận trong khi các chỉ số STOXX 600, DAX và Paris CAC 40 đều mở đầu ngày giao dịch với các mốc cao lịch sử.
Ngày 16/11, các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu diễn biến trái chiều trong bối cảnh lạm phát vẫn là trọng tâm quan sát của giới đầu tư, cùng với đó là những dự báo về kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung.
Cả 3 chỉ số chính trên Phố Wall đều không biến động nhiều và chỉ dao động quanh các mức cao kỷ lục từng ghi nhận.
Tại châu Âu, các chỉ số STOXX 600, DAX và Paris CAC 40 đều mở đầu ngày giao dịch với các mốc cao lịch sử, tăng trong khoảng 0,2-0,4%.
Trong khi đó, chứng khoán thị trường châu Á có những diễn biến rõ rệt hơn. Chứng khoán Hong Kong dẫn đầu tại châu Á về mức tăng điểm (1,3%), trong khi các thị trường Tokyo (Nhật Bản), Singapore, Đài Bắc (Trung Quốc), Manila (Philippines), Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia) cũng tăng nhưng không đáng kể và chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Mumbai (Ấn Độ) và Wellington (New Zealand) thì giảm điểm.
Suốt 18 tháng qua, các thị trường toàn cầu đã có những phiên tăng điểm cần thiết, trong đó có những phiên tăng giá lên mức kỷ lục, chủ yếu nhờ các chính sách tiền tệ siêu lỏng mà các ngân hàng trung ương áp dụng khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới dần phục hồi, người dân dần trở lại cuộc sống bình thường mới, lạm phát tăng tới những mức cao nhất trong nhiều năm do cả cung và cầu đều tăng, còn chuỗi cung ứng vẫn chưa khởi động trở lại kịp thời thì các nhà hoạch định chính sách cũng bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hỗ trợ, siết dần các chính sách tiền tệ.
Hiện ngày càng nhiều người lo ngại các quan chức ngân hàng thế giới, đặc biệt là Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), sẽ rút các biện pháp hỗ trợ sớm hơn dự kiến. Trong khi đó, một số nhà quan sát cũng cảnh báo các ngân hàng có thể sẽ hành động quá muộn khiến giá cả đều tăng vọt lên các mức không thể kiểm soát.
Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn các nhà đầu tư đều tin tưởng rằng các ngân hàng đang đi đúng hướng. Nhờ đó, các chỉ số chứng khoán trên các thị trường diễn biến khá ổn định.
Một trong những yếu tố khác góp phần giúp các thị trường duy trì phong độ là những tín hiệu lạc quan từ cuộc đàm phán trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung. Đàm phán kết thúc sau hơn 3 giờ với những lời kêu gọi cải thiện quan hệ và tránh xung đột trong khi các vấn đề nóng làm gia tăng căng thẳng thì chưa có đột phá.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định chỉ riêng việc Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng đàm phán cũng đã là một tin tích cực.
Stephane Ekolo, nhà chiến lược vốn toàn cầu tại Tradition ở London (Anh), cho rằng các nhà đầu tư đều nhìn nhận hội nghị thượng đỉnh này là một nỗ lực tích cực nhằm bình thường hóa quan hệ song phương đang căng thẳng./.