Chung sức chăm sóc, bảo vệ trẻ em

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND (ngày 7-12-2020) về thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14. Theo đó, các cấp, các ngành của thành phố cũng như cộng đồng xã hội cần chung sức chăm sóc để bảo vệ trẻ em được tốt nhất. Phóng viên Báo Hànôịmới đã lược ghi một số ý kiến của độc giả về vấn đề này.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Ảnh: Nguyễn Quang

Bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng:
Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em

Để thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, ngày 7-12-2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND, yêu cầu các cấp, các ngành phải rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới về phòng, chống xâm hại trẻ em cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, khi mạng xã hội ngày càng phát triển, tình hình xâm hại trẻ em càng có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi từng địa phương phải xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, có các điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao cho trẻ em.

Theo tôi, chế tài quy định trong một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em hiện còn rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Để phòng, chống xâm hại trẻ em đạt hiệu quả cao, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, với phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, có giải pháp cụ thể nhằm tăng cường giám sát bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bà Vũ Mai Khanh, Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang, quận Đống Đa:
Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho đội ngũ cán bộ, công chức

Thời gian qua, nhiều vụ việc trẻ em bị đánh đập, xâm hại, bị mua bán, bỏ rơi... được phản ánh trên phương tiện truyền thông cho thấy, những nơi tưởng chừng an toàn nhất như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ với các em.

Trong bối cảnh đó, việc thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em là rất cần thiết. UBND các cấp trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, phải tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đồng thời, trang bị cho người dân những kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, để mỗi gia đình thấy rõ trách nhiệm trong phát hiện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Một buổi tuyên truyền về “Phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em” được tổ chức tại Trường Trung học phổ thông Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức), tháng 11-2020. Ảnh: Thúy Huyền

Luật sư Lại Huy Phát, Văn phòng luật sư Huy Phát, ngõ 128C phố Đại La, quận Hai Bà Trưng:
Đẩy mạnh triển khai các giải pháp để bảo vệ trẻ em

Trong những năm qua, chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em không ngừng được hoàn thiện. Năm 2016 Quốc hội ban hành Luật Trẻ em. Ngày 26-5-2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Tiếp đó, ngày 19-6-2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND nhằm hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết của Quốc hội cũng như Chỉ thị của Thủ tướng và thực thi hiệu quả các giải pháp để bảo vệ trẻ em. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp bám sát, đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Ông Phạm Đức Hải, tổ dân phố 16, phường Thượng Thanh, quận Long Biên:
Quan tâm, chăm sóc trẻ em bằng mọi nguồn lực

Thời gian qua, rất nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo lực và bỏ mặc đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh từ chính những thông tin do cộng đồng cung cấp. Điều đó cho thấy công tác tuyên truyền đã “thấm” đến từng người dân và cộng đồng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề về trẻ em.

Điều tôi tâm huyết nhất là trong Kế hoạch số 235/KH-UBND, bên cạnh những giải pháp đồng bộ, thành phố đã chú trọng đến việc tăng cường các biện pháp an ninh nơi công cộng, trang bị hệ thống kỹ thuật giám sát an ninh tại các khu vực trường học, cơ sở trợ giúp xã hội…; ưu tiên bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em. Với sự quan tâm, chăm sóc trẻ em bằng mọi nguồn lực, chắc chắn công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn Thủ đô sẽ đạt hiệu quả cao.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/986214/chung-suc-cham-soc-bao-ve-tre-em