Chúng ta đã dạy thật chưa? Học sinh đã học thật chưa?

Trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Bộ Giáo dục và Ðào tạo ngày 6/5 vừa qua về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành giáo dục, Thủ tướng có nêu yêu cầu 'học thật, thi thật, nhân tài thật' là một nhiệm vụ trọng tâm, cần phải làm ngay của ngành giáo dục hiện nay. Chắc chắn tới đây, yêu cầu này sẽ trở thành tiêu điểm của ngành giáo dục, nỗ lực, quyết tâm để phấn đấu đạt được.

Chúng ta đã dạy thật chưa

Những góc khuất…

“Dạy thật” là dạy như thế nào? Cũng cần hiểu khái niệm về dạy thật một chút. Đó là dạy đúng, đủ kiến thức theo yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng. Người dạy bằng cái tâm, dạy nhiệt tình, hỗ trợ học sinh hết lòng, giải đáp kịp thời những thắc mắc của các em.

Dạy thật cũng đồng thời đánh giá chất lượng thật, công bằng, công tâm và khách quan.

Vậy nên nếu hỏi, chúng ta đã dạy thật chưa, đã đánh giá đúng chất lượng thật của học sinh chưa? Nếu nhìn vào các bảng báo cáo tổng kết ở các trường hàng năm thì câu trả lời chắc chắn sẽ là 100% đã dạy thật, 100% đã đánh giá thật.

Nhưng nếu trả lời bằng lương tâm người làm nghề giáo thì câu trả lời sẽ là khác.

Ảnh minh họa

Bài viết chỉ là chia sẻ một góc nhìn của người nằm “trong chăn” với mong muốn chúng ta nhìn đúng sự thật mới mong chữa lành căn bệnh này, tuyệt đối không phải lên án, chỉ trích một ai, một trường học nào.

Dạy dự giờ, dạy thi giáo viên giỏi có mấy thầy cô giáo không dạy tập dợt trước? Tập dợt nhiều hay ít còn phụ thuộc vào việc dạy dự giờ cấp nào và dự thi giáo viên giỏi cấp nào?

Nếu là dạy dự giờ cấp tổ thì hầu như giáo viên không diễn, nhưng cấp trường cũng sẽ chuẩn bị hơn một chút, dạy cho cấp huyện thị, đặc biệt là cấp tỉnh về dự chuyên đề thì việc diễn sẽ dài lâu và công phu hơn nhiều.

Không còn là cá nhân chuẩn bị tiết dạy mà là cả một nòng cốt của trường xắn tay vào lo chung. Có khi dạy đi, dạy lại cho đến khi nào người dự giờ ưng ý không còn góp ý nữa mới thôi. Cũng như thế, giáo viên thi dạy giỏi cấp trường thì tự lo nhưng thi cấp huyện, thị hay cấp tỉnh cũng sẽ có nhiều người lo, đặc biệt là ban giám hiệu nhà trường sẽ cùng lo với họ.

Cũng giống như dạy chuyên đề cho các cấp, giáo viên dạy thử, một dàn cốt cán của trường sẽ dự giờ và góp ý đến khi hoàn chỉnh giáo án, tiết dạy mới thôi. Dạy như này, đã dạy thật chưa?

Có giáo viên gà bài, mớm đề trong những lớp học thêm. Có lần một giáo viên đã chuyển cho tôi 1 đề kiểm tra học kỳ ở một trường trung học với 1 đề ôn tập ở lớp dạy thêm của một thầy giáo A. Nhìn vào 2 đề kiểm tra và đề ôn giống nhau đến bảy tám mươi phần trăm. Có những bài giống đến từng dấu phẩy, có bài thì cùng dạng chỉ đổi số.

Học sinh cũng cho biết, ai đi học thêm mới được thầy ôn còn ở lớp không bao giờ thầy ôn như vậy. Nếu hỏi, thầy chỉ nói có đề cương rồi cứ bám vào đấy mà học. Đề cương thì dài hằng hà sa số, học sao có thể trúng y chang như thế được? Dạy thế này, đã là dạy thật chưa?

Dạy thật, học thật bằng cách nào?

Đã từng có một phụ huynh có con học tại một trường chuẩn quốc gia đến nhà bức xúc kể về việc con của chị học yếu nên chị muốn cho cháu học lại lớp 2. Trả lời chị, cô hiệu trưởng nói rằng nếu muốn ở lại, con chị phải chuyển trường khác vì trường này học sinh không thể ở lại lớp.

Không riêng gì chị, người viết bài từng gặp phụ huynh chạy theo giáo viên xin cho con ở lại lớp nhưng không được.

Hay như, một cô giáo vốn là phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở La Gi đã về hưu cho biết nguyện vọng của cô muốn cho đứa cháu được ở lại lớp 1, nhưng khi nhìn học bạ của bé (cháu từ Tp. Phan Thiết chuyển về) là học sinh xuất sắc nên nhà trường không đồng ý. Thử hỏi như vậy học sinh đã được học thật chưa?

Có thể khẳng định ngay rằng để dạy thật, học thật hiện nay rất khó. Tuy nhiên không phải là không làm được, suy cho cùng tất cả cũng từ căn bệnh thành tích đẻ ra.

Mà căn bệnh thành tích lại do chính chúng ta nuôi dưỡng. Xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục, hiệu quả nhất vẫn là người đứng đầu phải thay đổi tư duy. Trong khen thưởng không vinh danh những trường có phần trăm đẹp, không buộc áp dụng các chỉ tiêu lên lớp thẳng, chỉ tiêu học sinh khá, giỏi, chỉ tiêu 5 điểm trở lên, hiệu quả đào tạo, chỉ tiêu tốt nghiệp… cao chót vót như hiện nay.

Không đưa những chỉ tiêu ấy để khống chế thi đua giáo viên. Khi một lớp, một trường có tỷ lệ học sinh yếu kém cao không đổ lỗi tại giáo viên không biết dạy mà cả trường cùng chung sức, hợp tác để giúp đỡ học sinh. Làm được thế, tin rằng chuyện “dạy thật - học thật” như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm đạt được.

Phan Tuyết

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/chung-ta-da-day-that-chua-hoc-sinh-da-hoc-that-chua-137713.html