Chung tay đẩy lùi bệnh lao

Chủ đề của Ngày thế giới phòng chống lao 24-3 năm nay trên toàn cầu là 'Yes! We can end TB' (Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao), còn chủ đề tại Việt Nam là 'Việt Nam chiến thắng bệnh lao'. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam đồng nghĩa với việc tránh đi cái chết không đáng có của hơn 12.000 người một năm hiện nay và giúp cho hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Theo báo cáo bệnh lao toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (Global Tuberculosis Report) năm 2022, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh và 12.000 người tử vong do lao năm 2021. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường; 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình; 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

Bác sĩ Huỳnh Văn Trung, Khoa Nội, Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước cho biết, việc tập thể dục, rèn luyện sức khỏe thường xuyên, ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp phòng, chống lao hiệu quả

Bác sĩ Huỳnh Văn Trung, Khoa Nội, Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước cho biết, bệnh lao có triệu chứng toàn thể và khu trú tại một bộ phận, cơ quan bị mắc bệnh. Triệu chứng toàn thể là sốt nhẹ về chiều, đổ mồ hôi về đêm, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân. Về triệu chứng khu trú, ví dụ lao màng não có thể nôn ói, tiêu chảy, nhức đầu một bên hoặc toàn bộ, nhức theo từng cơn, biến đổi tri giác. Lao phổi thường ho, ho ra máu, ho đàm kéo dài khoảng 3 tuần trở lên dù điều trị mọi loại thuốc đều không khỏi. Lao hạch có triệu chứng nổi hạch đơn độc hoặc nổi một nhóm hạch, không đau, không sưng tấy. Lao ruột sẽ cảm thấy đau bụng, quặn từng cơn, buồn nôn, sốt, mệt mỏi, chán ăn, rối loạn đại tiện. Ngoài ra còn có lao xương khớp, lao tiết niệu sinh dục… nhưng ít gặp hơn.

Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lao sẽ khiến bệnh nhân suy kiệt nặng, lao màng não có thể gây hôn mê và tử vong. Trong khi đó lao phổi thường ho ra máu sẽ khiến người bệnh mất máu, sơ phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi, gây suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong. Đối với lao hạch, lao xương khớp sẽ gây tàn phế một số cơ quan trong cơ thể…

Một điều đáng quan ngại là từ lúc phát bệnh đến khi tử vong, bệnh có nguy cơ lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy “Sàng lọc sớm - tránh trở nặng - ngừa tử vong”,việc phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Huỳnh Văn Trung, người nghi ngờ mắc bệnh lao cần đi khám sớm để có biện pháp chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong sinh hoạt cộng đồng, bệnh nhân lao khi ho, hắt hơi nên che miệng, ra đường nên đeo khẩu trang. Bệnh nhân lao điều trị tại nhà cần có phòng riêng và người chăm sóc nên đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ nên tiêm vắc xin chủng ngừa bệnh lao (BCG) cho trẻ sau sinh để giúp trẻ phòng tránh bệnh lao hiệu quả. Ngoài ra, việc tập thể dục, rèn luyện sức khỏe thường xuyên, ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng như thịt, cá, rau, trứng, sữa, trái cây... sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch. Thông thường một cơ thể khỏe mạnh sẽ không bị nhiễm lao, kể cả với những người mang vi trùng lao cũng sẽ không phát bệnh. Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước, khi nghi ngờ một ca bệnh nhiễm lao, bác sĩ sẽ phân tích, đánh giá và đưa ra các chỉ định phù hợp. Bệnh viện cũng có hướng dẫn bệnh nhân lao về cơ sở y tế địa phương điều trị bệnh với lời khuyên “đúng thuốc, đúng liều, đủ thời gian, bệnh lao sẽ khỏi”. Đối với trẻ sơ sinh khi chào đời tại bệnh viện sẽ được tiêm ngay một mũi vắc xin BCG, việc tiêm phòng này sẽ giúp trẻ ngừa khoảng 99% bệnh lao về sau.

Bác sĩ thăm khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước

Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.

Bài: Ngọc Huyền Ảnh: Hoàng Vũ

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/14/142580/chung-tay-day-lui-benh-lao