Chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn. Bài 1: Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa

Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa là một trong những vấn đề bức xúc mà nhiều địa phương trên cả nước đang phải đối mặt. Tại Quảng Trị, vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa tuy chưa đến mức báo động nhưng việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa, rác thải rắn còn hạn chế. Công tác chống rác thải nhựa tuy đạt một số kết quả nhất định nhưng mới chỉ dừng lại ở hoạt động phong trào, chưa thực sự là việc làm thường xuyên của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng. Vì thế, số lượng rác thải nhựa, rác thải rắn thải ra môi trường ngày càng nhiều. Đây chính là mối nguy hại lớn dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn…

Biết nguy hại nhưng vẫn sử dụng

Vừa qua, chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ đánh giá về sự hiểu biết và cách ứng xử của người dân đối với rác thải nhựa cũng như những mối nguy hại từ rác thải nhựa đối với ô nhiễm môi trường. Câu hỏi được chúng tôi đưa ra: anh/chị hoặc ông/bà có biết về tác hại của rác thải nhựa hay không? Câu trả lời thu được là đa số đều có hiểu biết sơ lược về rác thải nhựa và tác hại của nó. Tuy nhiên, cách ứng xử với rác thải nhựa mới là vấn đề đáng quan tâm.

Một số người dân vẫn giữ thói quen sử dụng bao nilon để đựng thực phẩm vì tiện lợi, rẻ tiền, nhanh gọn - Ảnh: M.Đ

Một số người dân vẫn giữ thói quen sử dụng bao nilon để đựng thực phẩm vì tiện lợi, rẻ tiền, nhanh gọn - Ảnh: M.Đ

Bà H.T.V, ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, cho biết: “Tôi vẫn biết sự khuyến cáo của cơ quan chức năng về nói không với túi nilon khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần. Thế nhưng, mỗi lần ra chợ, khi mua miếng thịt, mớ rau, con cá… người bán thường gói bỏ những thứ đó vào túi nilon rồi nhanh tay nhét vào giỏ của tôi. Mình có cản thì họ nói dùng túi nilon cho nhanh, tiện lợi”. Những người như bà H.T.V dù có hiểu biết nhưng vẫn bị ảnh hưởng, tác động bởi số đông người dân đang có nhu cầu sử dụng bao nilon khá thường xuyên.

Chị N.H.L, chủ một quán bán nước giải khát ở Phường 1, TP. Đông Hà cho biết: “Tôi bán nước mía, nước dừa được hơn 15 năm nay. Khách uống nước tại quán tôi phục vụ bằng ly thủy tinh. Nhưng đa số khách mua nước uống hiện nay là mang đi, vì sự tiện lợi và nhanh chóng cho khách hàng, chúng tôi đựng nước giải khát trong ly nhựa. Biết là ly nhựa dùng một lần sẽ vứt ngay sau khi sử dụng, nhưng vì lý do nhanh gọn, rẻ tiền, dùng xong vứt ngay… nên chính người bán và người mua cứ sử dụng theo thói quen”.

Hiện nay, ly nước nhựa, sản phẩm từ nhựa, bao túi nilon sử dụng một lần được bán khắp nơi từ các chợ, siêu thị cho đến các quầy tạp hóa nhỏ, với giá rẻ mà số lượng lại nhiều. Vì thế, các cơ sở kinh doanh cho đến người bán hàng rong đều sử dụng. Đây chính là những mối nguy hại lớn, tác động tiêu cực đến môi trường.

Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó chỉ sử dụng một lần, có ít hơn 10% được tái chế và có khoảng hơn 20 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển. Mỗi loại chất nhựa có số năm phân hủy khác nhau với thời gian rất dài hàng trăm năm, như chai nhựa phân hủy sau hơn 450 năm, ống hút, nắp chai phân hủy sau 100 - 500 năm…

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy có nhiều người biết rõ mối nguy hại từ rác thải nhựa nhưng vẫn sử dụng các sản phẩm đồ nhựa, túi nilon, nhất là đồ nhựa dùng một lần. Chưa kể, ý thức và trách nhiệm về chung tay bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên, nên tình trạng vứt rác thải nhựa bừa bãi ở nơi công cộng diễn ra khá phổ biến, nhất là sau các cuộc liên hoan, hội họp, tham gia sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tụ tập đông người ở ngoài trời.

Vì sự tiện lợi nên trong nhiều cuộc tụ tập đông người, các đồ dùng, vật dụng liên quan đến nhựa, túi nilon được ưu tiên sử dụng, vì dùng xong có thể vứt ngay nên rất dễ tạo nên bãi rác thải mới. Nhiều người xem việc thu gom, bỏ rác thải đúng nơi quy định là việc của người khác, không phải của mình...

Tỉ lệ phân loại chất thải rắn tại nguồn chỉ đạt khoảng 11,4%

Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được thu gom đưa đi chôn lấp vào đất, rác thải nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây ô nhiễm môi trường đất… Bên cạnh đó, việc xả rác thải nhựa trên biển làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loài thủy, hải sản; là nguyên nhân gây phá hủy hay suy giảm đa dạng sinh học, làm thay đổi cấu trúc, thành phần của hệ sinh thái biển.

Nhân viên môi trường thu gom rác thải, làm sạch đường phố - Ảnh: M.Đ

Nhân viên môi trường thu gom rác thải, làm sạch đường phố - Ảnh: M.Đ

Ở huyện Hải Lăng, số lượng rác thải nhựa thải ra môi trường ngày một nhiều. Công tác chống rác thải nhựa chỉ mới dừng ở hoạt động phong trào, chưa thực sự là việc làm thường xuyên của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng. Kinh phí thực hiện các phong trào, mô hình, hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế. Hoạt động phối hợp giữa các đơn vị liên ngành còn rời rạc, chưa phát huy được hiệu quả của từng ngành trong quá trình phối hợp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết: nhận thức tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, huyện Hải Lăng chú trọng đến việc kiểm soát chặt chẽ trong thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, thu hút các dự án đầu tư đối với các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Hải Lăng vẫn còn một số hạn chế, nhất là công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải nông thôn; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng rác thải phát sinh nhiều chưa được kiểm soát hằng ngày xả trực tiếp ra môi trường; tình trạng đổ rác thải bừa bãi ven đường, xuống kênh mương, ao hồ gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường cục bộ vẫn còn diễn ra…

Mặc dù pháp luật quy định rất rõ trách nhiệm của chủ phát thải chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện việc phân loại tại nguồn nhưng thực tế hiện nay phần lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn. Người dân chủ yếu phân loại một số rác thải nhựa tận dụng bán phế liệu hoặc tái sử dụng, phần lớn vẫn thu gom và xử lý chung cùng với rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp.

Vì thế, tỉ lệ phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chỉ đạt khoảng 11,4%. Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị đủ khả năng tái chế, tái sử dụng quy mô lớn các loại vật liệu còn giá trị sử dụng từ việc phân loại tại nguồn chất thải sinh hoạt.

Chưa có ý thức phân loại rác thải tại nguồn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người dân chưa có ý thức phân loại rác thải ngay từ gia đình mà để rác thải nhựa và thức ăn thừa vào lẫn lộn với nhau trong túi nilon rồi đem ra bỏ ở thùng rác, chờ nhân viên môi trường đến thu gom.

Anh Võ Thành Nam, Trưởng phòng Kế hoạch-Kinh doanh, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà cho hay, công ty chưa triển khai công tác thu gom, phân loại thu gom rác thải tại nguồn do khó khăn về nguồn vốn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và quan trọng là chưa có sự phối hợp từ chính người dân. Công ty tuyên truyền, động viên người dân thực hiện thói quen phân loại rác thải từ nhà, bởi có nhiều lợi ích mang lại như tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, hạn chế ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm, không khí… nhưng hiệu quả chưa cao.

Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa là một trong những vấn đề bức xúc hiện nay - Ảnh: Đ.V

Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa là một trong những vấn đề bức xúc hiện nay - Ảnh: Đ.V

Theo Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Hữu Nam, trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để; nhiều cơ sở gây ô nhiễm thuộc đối tượng công ích đã hết thời hạn xử lý triệt để ô nhiễm môi trường (bãi rác, bệnh viện, chợ, kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu...) nhưng vẫn chưa được bố trí kinh phí để xử lý. Công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn chưa đảm bảo hiệu quả.

Chất thải rắn sinh hoạt chỉ được xử lý bằng hình thức chôn lấp, chưa triệt để, dẫn đến nhiều bãi chôn lấp quá tải. Các địa phương đã thành lập các tổ, đội thu gom nhưng do đặc điểm địa hình một số khu vực rất khó triển khai nên tỉ lệ thu gom tại khu vực còn thấp. Việc triển khai các nội dung liên quan đến phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 còn gặp khó khăn.

“Hiện tại, việc phân loại rác tại nguồn tại Quảng Trị mới được triển khai mô hình thí điểm ở nông thôn, tỉ lệ phân loại rác tại nguồn còn rất thấp, khu vực đô thị việc thí điểm phân loại rác tại nguồn gặp nhiều khó khăn do chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Các bãi rác hầu hết sử dụng công nghệ chôn lấp hoặc bãi rác tạm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình nên nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế”, ông Nam cho biết.

Minh Đức - Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/chung-tay-hanh-dong-vi-mot-moi-truong-xanh-sach-dep-an-toan-bai-1-o-nhiem-moi-truong-tu-rac-thai-nhua/177625.htm