Chung tay ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em

Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ xâm hại tình dục trẻ em, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Để làm rõ hơn nguyên nhân và những giải pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em, phóng viên Báo Sơn La đã cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng viên Báo Sơn La phỏng vấn đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Phóng viên Báo Sơn La phỏng vấn đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Ảnh: Khải Hoàn

PV: Xin đồng chí cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Đ/C Nguyễn Tuấn Anh: Toàn tỉnh hiện có trên 389.000 trẻ dưới 16 tuổi, chiếm trên 30,9% dân số. Từ năm 2020 đến nay, đã xảy ra 40 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó đã khởi tố 36 vụ, 36 đối tượng, với các tội danh: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; dâm ô với người dưới 16 tuổi; cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người dưới 16 tuổi… Trẻ em bị xâm hại có độ tuổi ngày càng nhỏ, có trẻ mới 5 tuổi; một số trẻ bị xâm hại nhưng không biết mình bị xâm hại...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị xâm hại. Trước hết là, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa thường xuyên và rộng khắp, hình thức thiếu đa dạng, phong phú. Cùng với đó, sự phối hợp giáo dục trẻ em giữa gia đình, nhà trường và xã hội có lúc thiếu chặt chẽ, chưa được quan tâm đúng mức. Một số trẻ có hoàn cảnh gia đình không hoàn thiện, thiếu thốn tình cảm, không được học hành, chăm sóc chu đáo, nên bị lợi dụng, hoặc bị ép buộc vào các hành vi ngoài ý muốn. Cũng có trường hợp do ảnh hưởng của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng internet, phim ảnh đồi trụy...

PV: Là cơ quan chuyên môn, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã có giải pháp gì để hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại thưa đồng chí?

Đ/C Nguyễn Tuấn Anh: Những năm qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, hướng dẫn các huyện, thành phố cung cấp, kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em; tuyên truyền về đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em để mọi người dân tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em, cũng như các chính sách liên quan đến trẻ em.

Hằng năm, tổ chức tập huấn cho cán bộ xã, phường, thị trấn và cộng tác viên đảm nhiệm công tác trẻ em về thực hiện quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em liên cấp, liên ngành để xử lý kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ. Đồng thời, hướng dẫn hỗ trợ thực hiện mô hình kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bị bỏ rơi và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo cơ sở có biện pháp bảo vệ, giúp đỡ, chăm sóc trẻ em bị xâm hại; động viên trẻ không mặc cảm, ổn định tâm lý, tiếp tục học tập, hòa nhập cộng đồng. Cùng với ngành Y tế tiếp nhận, điều trị, tư vấn chăm sóc trẻ bị xâm hại; nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cho cán bộ y tế tại các cơ sở y tế... Ngoài ra, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh còn phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu bảo vệ trẻ em, tình hình trẻ bị xâm hại, từ đó can thiệp, trợ giúp trẻ bị xâm hại đúng quy định của pháp luật.

PV: Theo đồng chí cần làm gì để bảo vệ trẻ em không bị xâm hại?

Đ/C Nguyễn Tuấn Anh: Trước tình hình trẻ bị xâm hại ngày càng phức tạp, các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng ngừa xâm hại trẻ em, cũng như cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm sâu rộng trong nhân dân và nhất là cho lứa tuổi học sinh, từ đó giúp trẻ có kỹ năng phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi xâm hại. Riêng với các gia đình, cần dành nhiều thời gian quan tâm căm sóc, quản lý, giáo dục, bảo vệ an toàn cho con em mình.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi giải trí trong môi trường an toàn, lành mạnh; bảo đảm cho trẻ được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề trẻ quan tâm phù hợp với độ tuổi của trẻ…

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Hồng Luận (Thực hiện)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chung-tay-ngan-chan-tinh-trang-xam-hai-tre-em-40070