Chung tay với nông dân khắc phục thiệt hại sau bão

Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào đất liền đã gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều hộ hội viên, nông dân (HVND) bị thiệt hại về tài sản, nhiều diện tích rau màu, cây trồng bị ảnh hưởng nặng nề. Ngay sau khi cơn bão đi qua, các cấp hội nông dân đã và đang tích cực đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng HVND khắc phục thiệt hại sau bão để sớm ổn định sản xuất.

Dù đã có sự chuẩn bị ứng phó nhưng siêu bão Yagi vẫn để lại những mất mát và hậu quả nặng nề cho nhiều hộ HVND trên toàn tỉnh. Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến ngày 13/9, toàn tỉnh có 8.172 ha nông nghiệp (5.108 ha lúa; 1.669 ha màu bị ngập úng; 394 ha cây công nghiệp, trên 22.000 cây ăn quả…), 18.445 ha cây lâm nghiệp (cây bạch đàn, keo, mắc ca, hồi, thông…) bị gãy, đổ…

Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân huyện Chi Lăng thăm hỏi, động viên gia đình hội viên bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 trên địa bàn huyện

Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân huyện Chi Lăng thăm hỏi, động viên gia đình hội viên bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 trên địa bàn huyện

Tại huyện Cao Lộc, ngay sau khi nước rút, công tác vệ sinh đồng ruộng đã được triển khai, bà con tích cực khôi phục lại sản xuất. Chị Lã Thị Nương, xã Hợp Thành, huyện Cao lộc cho biết: Sau khi mưa bão đi qua, gia đình tôi đã chủ động đi kiểm tra và khẩn trương chằng chống lại hơn 400 cây bạch đàn (trồng được hơn 1 năm) bị gió quật nghiêng. Với hơn 2 sào dưa chuột của gia đình đã bị gãy đổ, chúng tôi bơm nước, tháo gạn đến mặt luống và đang làm đất để trồng lứa đỗ mới thay thế vì những giống cây ngắn ngày, sớm cho thu hoạch như đỗ, bí xanh… là phù hợp với thời điểm này.

Còn với hộ anh Lương Văn Đình, thôn Keo, xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng, cơn bão số 3 vừa đi qua đã khiến hơn 300 cây đào (trồng được 2 năm) bị ngập hoàn toàn trong nước. Chia sẻ với phóng viên, anh Đình cho biết: Rất may là vườn đào chỉ bị ngập 2 hôm nên chỉ bị chết khoảng 20 cây. Ngay sau khi nước rút, gia đình tôi đã tuốt bớt những cành lá bị giập. Đồng thời, sử dụng các biện pháp kỹ thuật như bổ sung thêm thuốc kích rễ, phân bón, phun thêm thuốc đề phòng nấm bệnh… để tránh việc cây bị chết.

Bên cạnh sự chủ động của nông dân, những ngày qua, các cấp hội nông dân trên toàn tỉnh cũng tích cực phối hợp hỗ trợ, chung tay giúp người dân ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra. Theo đó, các cấp hội tổ chức kiểm tra, hướng dẫn nông dân khẩn trương khắc phục thiệt hại, chuẩn bị tổ chức trồng trọt, chăn nuôi sau khi bão, lũ đã đi qua. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các hội cơ sở và HVND chủ động nạo vét, khơi thông các vị trí ách tắc dòng chảy, bảo đảm thông thoáng, tiêu thoát nước trong các vùng sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện cho việc tái sản xuất sau lũ.

Cùng đó, xác định sau bão lũ là thời điểm dễ phát sinh các dịch bệnh gây hại cho vật nuôi nên hội đẩy mạnh việc thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường. Anh Hoàng Long Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên toàn xã đã có hơn 220 con gia cầm bị chết, cuốn trôi… Trước thực trạng đó, hội phối hợp với cán bộ thú y đến kiểm tra trực tiếp tại địa bàn và hỗ trợ bà con thu gom, xử lý xác gia cầm theo quy định; vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, hệ thống ống dẫn, dụng cụ chứa nước; phun tiêu độc, rắc vôi khử trùng… để đảm bảo cho việc chăn nuôi được an toàn.

Đặc biệt, xác định nguồn vốn là một trong những yếu tố quan trọng giúp phát triển sản xuất, do đó, các cấp hội chú trọng hỗ trợ người dân về vốn. Sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 đến nay, các cấp hội nông dân đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho hơn 420 hộ vay vốn với tổng số tiền trên 31 tỷ đồng để triển khai các dự án chăn nuôi, trồng trọt. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, giúp các HVND trên địa bàn tỉnh có nguồn vốn để phục hồi lại sản xuất, đảm bảo diện tích canh tác nông nghiệp, ổn định cuộc sống sau những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

Đơn cử như tại thành phố Lạng Sơn, ông Đoàn Quang Đạt, Chủ tịch HND thành phố cho biết: Từ sau cơn bão số 3 đến nay, hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho 32 hội viên vay vốn với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng để bà con kịp thời có nguồn vốn thực hiện các dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây ăn quả, cây đào cảnh… Qua đó, góp phần tiếp thêm động lực cho bà con kịp thời khắc phục, vượt qua bão lũ.

Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn HVND các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; phối hợp với các ban, ngành thống kê các hộ HVND bị thiệt hại, mức độ thiệt hại từ đó tiếp tục đề ra nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ HVND khôi phục sản xuất.

LƯƠNG THẢO

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chung-tay-voi-nong-dan-khac-phuc-thiet-hai-sau-bao-5022240.html