'Chúng tôi có khát vọng cháy bỏng được trở về Hà Nội'

Đó là chia sẻ của đại tá Nguyễn Hữu Tài (SN 1929), nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng về ngày lịch sử Giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024)

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng chia sẻ về ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng chia sẻ về ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

11 lần trở về từ “cửa tử”

Đại tá Nguyễn Hữu Tài sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Hải Phòng. Bố mẹ ông sinh được 6 người con, lớn lên đều đi theo cách mạng. Bản thân đại tá Nguyễn Hữu Tài chịu ảnh hưởng bởi người anh cả là cán bộ Việt Minh thời bấy giờ. “Sau cuộc đảo chính của Pháp năm 1945, phong trào Việt Minh phát triển rầm rộ ở tất cả các thành phố, nông thôn. Tôi lúc đó là học sinh trung học ở Hải Phòng, nhận được truyền đơn của Việt Minh.

Anh cả tôi là một cán bộ Việt Minh, đơn vị thường họp kín tại gia đình tôi nên tôi chịu ảnh hưởng của phong trào Việt Minh, đánh Nhật, cứu nước. Tháng 8/1945, tôi theo gót anh trai bước chân vào hoạt động cách mạng, gắn bó với quân đội 47 năm, cho đến khi về hưu năm 1991”- đại tá Nguyễn Hữu Tài chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài cho biết, ông từng chiến đấu ở nhiều chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông tham gia 8 chiến dịch lớn, gồm Chiến dịch Biên giới Thu Đông (1950), Chiến dịch Trần Hưng Đạo (1950-1951), Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1951), Chiến dịch Lý Thường Kiệt (1951), Chiến dịch Hòa Bình (1951-1952), Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chiến dịch Thượng Lào (1953) và Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trong đó, Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch dài ngày, gian khổ và ác liệt nhất. Đơn vị của ông là Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 là đơn vị mở đầu chiến dịch đánh Him Lam và cũng là đơn vị kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries (Đờ Cát-xtơ-ri).

Năm 1966, khi nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ, đại tá Nguyễn Hữu Tài đang bị ốm, chảy máu dạ dày. Các đồng đội lo lắng cho ông, hỏi liệu ông có đi được không thì ông trả lời: “Tôi vào chiến trường bằng cái đầu”. Câu nói ấy thể hiện ý chí quyết tâm đánh giặc đến cùng của người lính Cụ Hồ.

Nhớ lại những năm tháng chiến đấu bảo vệ đất nước, đại tá Nguyễn Hữu Tài kể, ông có 11 lần vượt qua “cửa tử” sau những trận dội bom, bắn phá ác liệt của địch. Ông kể, ngày 26/10/1967, với cương vị Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh pháo binh Miền, ông có nhiệm vụ đi cùng Trung đoàn Pháo ĐKB 28 (hỏa tiễn 122mm) mở màn Chiến dịch Lộc Ninh, đường 13 thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay.

“Đi cùng với tôi có bộ phận tiền phương của pháo binh Miền, gồm tham mưu, chính trị, hậu cần. Lần đầu tiên Trung đoàn 28 tham gia chiến dịch và phối hợp với bộ binh bắn chế áp để bộ binh xung phong. Chiều hôm ấy, Trung đoàn pháo chiếm lĩnh trận địa, bắn cách đồn địch khoảng 3km.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài nhấn mạnh: “Là một người lính trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt với thực dân, đế quốc lớn, tôi càng thấm thía những hy sinh, mất mát để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Tôi hy vọng rằng các thế hệ trẻ sẽ luôn trân trọng những hy sinh to lớn ấy và tiếp bước cha ông bảo vệ, xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng giàu đẹp. Nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tôi tin rằng, Hà Nội và cả nước sẽ ngày càng có nhiều bước phát triển vượt bậc”.

Để giám bớt số người ở trận địa bắn nên tôi cho bộ phận đi cùng lùi về phía sau, bên cạnh suối Đôi, giáp Campuchia làm công sự ẩn nấp. Sau khi ổn định nơi trú quân, tôi đến Sở Chỉ huy Sư đoàn 7 cùng với một trinh sát và một vệ binh. Đi khoảng 30 phút, tôi nghe tiếng rít rào rào của bom B52 phía sau lưng. Tôi không quay lại mà đi tiếp đến Sư đoàn 7 để hiệp đồng với pháo binh. Trận đánh kết thúc thắng lợi, tôi quay trở về đơn vị. Nhưng thật không ngờ, nhận được tin sét đánh, 12 đồng đội của tôi đã hy sinh vì trúng bom B52”- đại tá Nguyễn Hữu Tài kể lại.

Dù rất đau xót trước sự hy sinh của đồng đội nhưng đại tá Nguyễn Hữu Tài cùng các đồng đội còn sống vẫn phải cố gắng vượt qua đau thương, tiếp tục chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hạnh phúc ngày trở về Hà Nội

Đại tá Nguyễn Hữu Tài vẫn nhớ như in ngày trở về Giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Ông cùng đồng đội có chung niềm cảm xúc náo nức, vinh dự, tự hào và hạnh phúc khi đón nhận những tình cảm yêu thương của người dân Thủ đô. Với mọi người, hôm đó là một ngày vui bất tận vì Thủ đô được giải phóng.

Những bức ảnh kỷ niệm về những năm tháng tham gia cách mạng luôn được Đại tá Nguyễn Hữu Tài trân quý Ảnh: Khánh Huy

Những bức ảnh kỷ niệm về những năm tháng tham gia cách mạng luôn được Đại tá Nguyễn Hữu Tài trân quý Ảnh: Khánh Huy

“Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều mong muốn, khát vọng cháy bỏng được trở về giải phóng Thủ đô. Dù hành quân gian khổ, vất vả nhưng “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Tôi vẫn nhớ như in, ngày 10/10/1954, đơn vị tôi tiến vào Hà Nội, toàn thành phố già trẻ gái trai ăn mặc đẹp, mặt như hoa đón đoàn quân trở về. Đó là niềm vinh dự, hạnh phúc vô cùng, bởi khi ra đi chúng tôi chỉ mong có ngày trở về Hà Nội. Nhưng, không phải ai cũng được bình yên, vinh dự trở về Thủ đô. Hàng nghìn đồng đội của chúng tôi đã nằm xuống tại chiến trường cho ngày chiến thắng”- đại tá Nguyễn Hữu Tài chia sẻ.

Theo đại tá Nguyễn Hữu Tài, dù Hà Nội đã được giải phóng nhưng các chiến sĩ bộ đội ta vẫn luôn được giáo dục về tư tưởng, “tránh những viên đạn bọc đường”, cảnh giác kẻ thù có thể cài lại những tên gián điệp.

Niềm vinh dự lớn lao với đại tá Nguyễn Hữu Tài là trong sự nghiệp cách mạng của mình, ông được nhiều lần gặp Bác Hồ và nhiều vị tướng lỗi lạc của cách mạng Việt Nam như Đại tướng Võ Nguyên Giáp,… Ông nhớ lại kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, được lại gần, ôm và hôn má Bác.

“Tôi nhớ mãi giọng nói ấm áp, ánh mắt trìu mến khi Bác đến thăm Đại đoàn 312 (gần Trạm Thản, Phú Thọ). Bác nói: “Hôm nay, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ đến thăm Đại đoàn 312. Bác đến thăm các cháu, Bác khen ngợi cán bộ và chiến sĩ đã đánh thắng trong Chiến dịch Trung Du”. Bác ân cần căn dặn chúng tôi phải đoàn kết, giữ nghiêm kỷ luật và ra sức học tập để nâng cao trình độ, đánh thắng nhiều hơn và Bác sẽ khen thưởng đơn vị nào, cán bộ, chiến sĩ nào lập công xuất sắc.

Đến giờ chia tay vì Bác còn nhiều việc, Bác ân cần gửi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141 mỗi người một cái hôn vì Trung đoàn 141 không có mặt đầy đủ. Tự nhiên, trong đáy lòng tôi trào lên một tình cảm tha thiết và lưu luyến. Ngồi ở hàng ghế đầu, tôi đã ngắm nhìn Bác không chớp mắt, bỗng tôi bật dậy, chạy lại gần Bác và nói: “Thưa Bác! Cháu rất sung sướng và cảm động, thay mặt anh em Trung đoàn 141 xin nhận những cái hôn của Bác”. Nói rồi tôi ôm chặt lấy Bác và hôn vào hai má Bác.

Tiếng cười và tiếng hoan hô nổi lên. Ai cũng lưu luyến không muốn chia tay Bác. Năm ấy tôi chưa đầy 21 tuổi”- đại tá Nguyễn Hữu Tài kể. Sau này, ông nhiều lần được đến thăm, đứng gần Bác nhưng lần đầu tiên được gặp Bác, ôm hôn Bác vẫn là kỷ niệm đẹp nhất, đằm thắm nhất trong cuộc đời chiến sĩ của ông.

Hồng Giang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chung-toi-co-khat-vong-chay-bong-duoc-tro-ve-ha-noi-397621.html