Chương trình giáo dục phổ thông mới giảm tải, phát triển năng lực học sinh

Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Tại buổi họp báo, Bộ GD-ĐT khẳng định không thiếu giáo viên cho triển khai chương trình GDPT mới, việc bồi dưỡng giáo viên được chuẩn bị kỹ với việc đẩy mạnh bồi dưỡng qua mạng.

Họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới

Họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới

Không thiếu giáo viên

Chương trình GDPT mới bao gồm Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13, Chương trình GDPT mới được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chương trình GDPT mới đã đáp ứng nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW là "Xây dựng và chuẩn hóa nội dung GDPT theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn".

Bộ GD-ĐT thực hiện lộ trình áp dụng chương trình mới như sau: năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Đến nay, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị về vấn đề đội ngũ, cơ sở vật chất. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục chủ trì tổ chức biên soạn một bộ SGK theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới CT-SGK GDPT; tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng SGK (bao gồm bộ SGK do Bộ GD- chủ trì biên soạn và SGK của các tổ chức, cá nhân) kịp thời triển khai chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 năm học 2020-2021. Tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình mới theo lộ trình, ưu tiên đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học. Tổ chức và chỉ đạo các địa phương bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; đồng thời qua đó thực hiện chương trình tăng cường năng lực của các trường sư phạm trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới.

Giảm tải cho học sinh

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT tổng thể cho hay, về hệ thống môn học, trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD) mới hoặc mang tên mới là: Tin học và Công nghệ, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên ở cấp THCS; Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp THCS, THPT. Việc đổi tên môn Kỹ thuật ở cấp tiểu học thành Tin học và Công nghệ là do chương trình mới bổ sung phần Tin học và tổ chức lại nội dung phần Kỹ thuật. Tuy nhiên, trong chương trình hiện hành, môn Tin học đã được dạy từ lớp 3 như một môn học tự chọn. Ngoại ngữ tuy là môn học mới ở cấp tiểu học nhưng là một môn học từ lâu đã được dạy ở các cấp học khác; thậm chí đã được nhiều học sinh làm quen từ cấp học mầm non.

Ở cấp THCS, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lí, hóa học, sinh học và khoa học Trái Đất; môn Lịch sử và Địa lí được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lí. Học sinh đã học môn Khoa học, môn Lịch sử và Địa lí ở cấp tiểu học, không gặp khó khăn trong việc tiếp tục học các môn này. Chương trình hai môn học này được thiết kế theo các mạch nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên dạy đơn môn hiện nay nên cũng không gây khó khăn cho giáo viên trong thực hiện.

Hoạt động trải nghiệm hoặc hoạt động hướng nghiệp ở cả ba cấp học cũng là một nội dung quen thuộc vì được xây dựng trên cơ sở các hoạt động giáo dục tập thể như chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao Nhi đồng, Đội, Đoàn và các hoạt động tham quan, lao động, hướng nghiệp, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng,… trong chương trình hiện hành.

Về thời lượng dạy học, tuy chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.

Chương trình GDPT mới giảm số môn học và hoạt động giáo dục nhờ thực hiện dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học. Theo chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học (trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học). Chương trình mới của các lớp THCS đều có 12 môn học (trong chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học). Chương trình mới của các lớp THPT đều có 12 môn học (trong chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học).

Cùng với đó, chương trình giảm số tiết học. Ở tiểu học, học sinh học 2.838 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 2.353 giờ. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học. Ở THCS, học sinh học 3.070 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 3.124 giờ. Ở THPT, học sinh học 2.284 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.546 giờ; học sinh Ban A, Ban C học 2.599 giờ.

Cùng với đó, chương trình mới giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn. Chương trình GDPT mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp THPT) phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn.

Đáng chú ý, trong chương trình GDPT mới, thời lượng học Giáo dục thể chất chiếm tỉ lệ từ 6% đến 7% tổng thời lượng học; tăng 35 tiết so với chương trình hiện hành. Bên cạnh đó, ở cấp THPT, học sinh còn được học Giáo dục quốc phòng và an ninh, một môn học có tác dụng hỗ trợ giáo dục thể chất. Thời lượng học các môn nghệ thuật ở tiểu học và THCS chiếm tỉ lệ từ 6% đến 7% tổng thời lượng học. Ở THPT, thời lượng học mỗi môn học Âm nhạc, Mỹ thuật tương đương thời lượng học các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh, để khắc phục được triệt để nguyên nhân gây quá tải, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để quản lý việc dạy thêm học thêm. Các bậc cha mẹ học sinh cũng cần tính toán để giúp con xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tạo thêm áp lực cho con ngoài giờ học ở trường.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-giam-tai-phat-trien-nang-luc-hoc-sinh-567701.html