Chương trình Sea Launch là một dự án đầy tham vọng. Theo kế hoạch, trong khuôn khổ nội dung công việc, tàu vũ trụ và vệ tinh sẽ được phóng từ một bệ phóng nổi.
Tuy nhiên cuối cùng dự án là một thất bại và không mang lại lợi ích kinh tế. Hơn nữa vào cuối năm 2019, công ty Boeing của Mỹ đã thắng kiện CB Yuzhnoye và SE Yuzhmash, khiến phía Ukraine phải trả khoản nợ 200 triệu USD.
Khi tạo ra công ty liên doanh Sea Launch, những người tham gia dự án bị hấp dẫn bởi thông tin là nó có lợi hơn về mặt kinh tế, khi thực hiện các vụ phóng tên lửa vũ trụ từ đường xích đạo. Trong trường hợp này, bệ phóng nổi được cho là nằm gần đảo Giáng sinh.
Theo thỏa thuận, Boeing của Mỹ sẽ cung cấp tài chính và hậu cần, Kvaerner của Na Uy tạo ra bệ phóng nổi, RSC Energia của Nga tài trợ cho dự án và chia sẻ một số công nghệ vũ trụ.
Trong khi đó, Văn phòng thiết kế Yuzhnoye và Yuzhmash của Ukraine chịu trách nhiệm bàn giao tên lửa đẩy Zenit-3SL được phát triển từ thời Liên Xô.
Ban đầu những người tham gia dự án chắc chắn rằng Sea Launch có một tương lai tuyệt vời. Nhưng đến năm 2008, rõ ràng công ty đang hoạt động thua lỗ và kết quả là vào năm 2009, Sea Launch tuyên bố phá sản.
Mặc dù vậy công ty vẫn tiếp tục hoạt động cho đến năm 2014, tuy nhiên không có một tên lửa Zenit nào được phóng từ nền tảng ngoài khơi trong thời gian này.
Theo các chuyên gia, kết quả trên là do vào đầu những năm 2010, ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu phát triển công nghệ vũ trụ, điều đó có nghĩa là sự cạnh tranh trong lĩnh vực này đã tăng lên đáng kể và các điều kiện do Sea Launch cung cấp đã không còn độc đáo và thực sự có lãi.
Ngoài ra, danh tiếng của chương trình Sea Launch bị tổn hại nghiêm trọng, khi trong tổng số 36 vụ phóng, có tới 3 lần tên lửa Zenit của Ukraine phát nổ.
Năm 2010, Nga đã nhận được 95% cổ phần trong Sea Launch, Moskva hy vọng sẽ tiếp tục thực hiện dự án cùng với Kiev. Nhưng vào năm 2014 hai bên đã chấm dứt hợp tác, Ukraine cấm Cục thiết kế Yuzhnoye hợp tác với công ty Energia và Roscosmos của Nga.
Tiếp đó vào năm 2017, Nga đã đồng ý với Mỹ là Ukraine vẫn sẽ tham gia vào việc thực hiện dự án và sẽ cung cấp linh kiện cho Zenit. Đổi lại, chính Moskva sẽ đảm nhận việc sản xuất động cơ không gian RD-171 cho các tên lửa này.
Năm 2018, Nga đã ký kết thỏa thuận với Mỹ để mua lại toàn bộ tổ hợp Sea Launch. Theo kế hoạch, lần ra mắt đầu tiên từ nó sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019 và nền tảng này sẽ được vận hành cho đến năm 2050.
Đáng tiếc vào tháng 3/2018, Tổng thống Petro Poroshenko ngay trước cuộc bầu cử đã hạn chế việc cung cấp tên lửa Zenit cho chương trình Sea Launch, do đó chấm dứt sự tham gia của Ukraine trong dự án và tước bỏ quyền của Văn phòng thiết kế Yuzhmash và Yuzhnoye.
Đồng thời bất chấp mọi tuyên bố của Kiev về sự thành công của các công ty, dữ liệu chỉ ra rằng nếu không có các dự án lớn, những doanh nghiệp đang hoạt động sẽ thua lỗ và chính ngành công nghiệp vũ trụ Ukraine có nguy cơ bị phá hủy.
Bạch Dương