Chuột - kẻ thù tinh khôn của loài người

Theo từ điển, chuột là loài gặm nhấm, mỏ dài, tai nhỏ, lông ngắn, mềm và dầy, đuôi dài hay phá phách, sợ mèo.

Chuột cũng có nhiều giống, nhiều loại: Chuột Ấn, chuột bạch, chuột cống, chuột chù (tức chuột xạ, chuột hôi), chuột đồng, chuột nhà, chuột lắt (nhắt), chuột nhủi, chuột tàu, chuột xù, chuột cà xốc.

Trong thế giới loài vật, chuột là bậc thầy về đấu tranh sinh tồn. Mỗi gia đình loài chuột có khá đông “nhân khẩu”, tồn tại theo kiểu đa đại (lắm khi thập đại) đồng đường, đứng đầu là một đại lão thử. Trước khi xuất quân, vị gia trưởng này phái các chuột trinh sát đi thăm dò trước. Gặp thức ăn lạ mắt, hoặc có mùi lạ mũi, vị lạ miệng hoặc nhìn thấy những vật hao hao cỗ máy tử thần (bẫy chuột), các trinh sát viên phải điều nghiên kỹ càng trước khi đụng tới và nếu như chuột trinh sát tử nạn trước mắt đồng loại thì… thôi nhé, vĩnh biệt mồi bả hoặc bẫy!

Về thể lực, chuột được coi là kiện tướng đường trường; có thể chạy marathon một mạch 15 km (nếu tính theo tỷ lệ bước chân, khoảng cách này tương đương với cự ly 250 km đối với con người).

Gặp hiểm nguy, chuột còn có tài đu bám ngửa bụng lên trời – dưới gầm giường chẳng hạn và bất động trong tư thế đó nhiều giờ liền cho mối nguy hiểm qua đi. Trong trường hợp khẩn cấp, chuột có thể leo thoăn thoắt theo phương thẳng đứng trên mặt tường nhẵn thín, trừ tường bằng kính, hoặc bò theo phương nằm ngang theo mặt trần nhà.

Đang đứng yên tại chỗ, một con chuột cống lớn có thể nhảy vọt lên cao đến 1,5 m, gấp mấy chục lần chiều cao bản thân. Ấy là chưa kể đến tài bơi lội như rái cá của chuột.

Theo các nhà vạn vật học thì loài chuột rất tinh khôn. Nhắc lại chuyện xưa, ông Tô Đông Pha cũng phải công nhận là có giống chuột khôn và ông gọi là Cật thử. Tô Đông Pha hay Tô Thức tự Từ Chiêm, đời Tống, vì nhà nghèo lại hay bị chứng đau bụng, khi đi trọ học ông thường mang theo củ gừng để ăn cho ấm bụng, nhưng dù ông để gừng trong túi vải hay trong lu gạo, chuột đánh hơi thấy đều vào ăn hết. Khi đau bụng ông tìm gừng thì không còn. Có lần, đang đêm ông ngồi học gần cái giỏ đựng gừng, thấy tiếng chuột trong giỏ. Ông và tiểu đồng khẽ lại gần, mở nắp xem thì thấy con chuột nằm chết trong giỏ, nín hơi, không cử động. Tô Thức tưởng là chuột chết, đem đổ xuống đất, tức thì chuột co cẳng chạy trốn thoát. Tô Thức phải than rằng: “Lạ thay, con chuột này tinh khôn quá!”.

Lại còn chuyện chuột khôn ăn cắp trứng gà. Có người được mục kích hai con chuột vào một ổ gà, một con lấy trứng ôm chặt vào lòng rồi nằm ngửa ra để một con nữa lấy mồm cắn đuôi nó mà kéo về tổ, như kéo xe “cải tiến”. Cứ thế, đôi chuột “chuyển vận” hết cả ổ trứng mà không vỡ quả nào. Từ đó cho thấy cái đuôi chuột có một sức mạnh đáng nể.

Người ta giam một bầy chuột, bỏ đói mấy hôm rồi đặt chậu thức ăn giữa phòng, sao cho từ mặt đất, chuột không thể tiếp nhận được cái chậu. Lũ chuột leo lên xà nhà, một con bám chặt xà, cắn đuôi con thứ hai cho con này buông mình xuống. Con thứ ba leo xuống, thò đuôi cho con thứ hai cắn rồi cùng buông mình xuống. Cứ thế cho tới khi con cuối cùng chạm được tới chậu thức ăn. Ăn no, nó leo lên, bám vào xà, cắn đuôi con thứ nhất để “sợi thừng chuột” thòng xuống chạm chậu thức ăn. “Sợi thừng” này gồm 15 con chuột. Như vậy cái đuôi của con chuột thứ hai phải chịu đựng sức nặng của thân mình nó và của tất cả những con bên dưới.

Họ hàng nhà chuột quả có khả năng đặc biệt để sinh tồn và chuột chịu được liều phóng xạ cao hơn các loài động vật khác.

Theo giáo sư Tanon ở Paris từng diễn thuyết về văn minh loài chuột thì loài hắc thử có một nền văn minh như người. Trừ những năm đói kém ra, chúng ăn ở với nhau rất hòa thuận, đào hang tích trữ lương thực như người. Chúng cũng có “Trùm” có “Trưởng” do chúng bầu lên và ngoan ngoãn tuân theo… mệnh lệnh “các vị” ấy. Chúng hôn nhau để tỏ vẻ yêu đương; chúng cũng biết ghen tuông và thường sát hại nhau vì tranh giành một con chuột cái.

Cũng theo giáo sư Tanon thì giống hắc thử này cũng chuộng lạ và thích đi du lịch như ta. Có khi đang ở tỉnh thì dọn về quê, đang ở đường này dọn sang đường khác. Khi một con bị mắc bệnh truyền nhiễm thì cả bọn bỏ rơi và tống ra khỏi tổ muốn chết đâu thì chết. Giống chuột này lại có tài tiên tri. Chẳng hạn, lúc chiếc tàu thủy sắp rời bến, mà chuột ở dưới tàu bò cả lên bộ thì thế nào chiếc tàu ấy cũng sẽ bị đắm hoặc rủi ro!

L.H.V

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/chuot---ke-thu-tinh-khon-cua-loai-nguoi-126834