Chuyện anh hùng Nguyễn Bá Ngọc
Gần 60 năm trước, trong một trận mưa bom ác liệt giặc Mỹ ném xuống làng quê bên bờ phà Ghép (cầu Ghép) người thiếu niên Nguyễn Bá Ngọc đã quên thân mình dũng cảm cứu sống 2 em nhỏ khỏi đạn bom. Để đến hôm nay về lại bờ sông Yên, câu chuyện về người Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân liệt sĩ Nguyễn Bá Ngọc vẫn là 'nốt trầm' hào hùng được kể mãi.
Nằm bên Bắc cầu Ghép, làng Ngọc Trà, xã Quảng Trung (Quảng Xương) vẫn được biết đến là vùng quê giàu truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng. Cũng bởi nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam, nơi diễn ra nhiều đợt chuyển quân, vận lương cho chiến trường miền Nam, trong những năm chiến tranh vệ quốc của dân tộc, nơi đây từng là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ địch. Là những căn nhà bị phá tan, những bữa cơm dang dở, những con người vĩnh viễn ngã xuống… Kể sao hết những mất mát, hy sinh của đất và người nơi đây. Trong đó, câu chuyện về người thiếu niên anh dũng Nguyễn Bá Ngọc - người con ưu tú của Quảng Trung đã đi vào lịch sử dân tộc.
“Đúng 8 giờ sáng ngày 4-4-1965, hàng chục tốp máy bay Mỹ đánh phá khu vực bến phà Ghép. Bến phà Ghép - sông Yên phút chốc đã trở thành chiến trường mịt mù khói lửa bom đạn, càng về trưa càng quyết liệt, tiếng máy bay gầm rú, bom đạn nổ không ngớt. Cuộc chiến đấu đánh trả máy bay giặc Mỹ diễn ra trên bầu trời phà Ghép, sông Yên hết sức quyết liệt. Đội dân quân Quảng Trung được trang bị hỏa lực bắn máy bay tầm thấp bằng súng bộ binh đã hiệp đồng cùng bộ đội chủ lực chiến đấu kiên cường… Em Nguyễn Bá Ngọc dũng cảm băng qua làn bom đạn, hy sinh thân mình che chở cho các em nhỏ” (theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Trung).
Ngày chính hạ nắng như đổ lửa, trên nền trời xanh là sắc đỏ phượng vĩ rực rỡ, râm ran trong không gian tiếng ve vẫn mải mê hát khúc ca ngày hạ, tôi tìm về lại Ngọc Trà để được nghe lại chuyện về một thời đạn bom - về người Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc. Theo chân cán bộ địa phương, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Bá Hoa - em trai liệt sĩ Nguyễn Bá Ngọc. Nhắc đến người anh trai của mình, ông Nguyễn Bá Hoa không giấu được xúc cảm rưng rưng: “Gia đình tôi có 8 anh em, anh Ngọc là con thứ 3. Anh Ngọc thương bố mẹ và các em lắm. Ngoài thời gian đi học, anh thường chăn trâu, cắt cỏ, đỡ đần việc đồng áng cho bố mẹ, rồi thì lúc rảnh rỗi còn dẫn các em ra bờ sông cào hến, bắt cá… anh ấy nhanh nhẹn, làm gì cũng giỏi… Đáng tiếc, anh Ngọc chẳng thể “nhanh” hơn đạn bom vô tình”.
“Tôi vẫn còn nhớ, sáng ngày hôm đó tức 4-4-1965 bố tôi khi đó trong ban chỉ huy của xã và cả trực tiếp tham gia chiến đấu, từ ngoài xã chạy về qua nhà, trên vai còn đeo súng vội vàng dặn mấy mẹ con: “Mấy bữa nay máy bay giặc đang ném bom bắn phá ác liệt ngoài cầu Hàm Rồng, dự là hôm nay sẽ đánh phá vào đến phà Ghép, mấy mẹ con ăn cơm nhanh rồi còn xuống hầm trú ẩn…”, ông nói xong thì đi vội, không kịp ăn gì. Bố tôi vừa đi không lâu thì những tiếng nổ rền vang trên bầu trời, máy bay giặc Mỹ bắt đầu ném bom bắn phá, tiếng đạn bom, tiếng súng nổ… Lúc này, mấy anh chị em tôi đang cùng mẹ không khỏi sợ hãi trốn trong hầm trú ẩn của gia đình thì nghe có tiếng kêu bên nhà hàng xóm: “Ối anh Ngọc ơi, sang cứu anh em tôi với…”. Lúc này nhà hàng xóm đang dở bữa cơm thì bị bom ném trúng khiến mọi thứ tan hoang hết cả. Nghe tiếng kêu, anh Ngọc nhoài người ra khỏi hầm thì mẹ tôi níu áo con trai lại, bà không muốn con trai gặp nguy hiểm. Nhưng anh Ngọc chỉ kịp quay lại nhìn mẹ cùng các em bằng ánh mắt quyết liệt rồi dứt khoát chạy ra khỏi hầm… Sang đến nơi, dưới làn mưa bom ném xuống, anh Ngọc lấy thân mình che chở cho hai em Oong và Đơ đưa xuống hầm trú ẩn an toàn. Vậy nhưng, may mắn không đến với anh Ngọc, anh ấy bị viên đạn găm vào bụng, mất máu nhiều khiến anh lịm dần…”.
Sau đó, người thiếu niên anh dũng Nguyễn Bá Ngọc được đưa đến trạm xá của xã sơ cứu rồi đưa lên bệnh viện trên Chuối (Nông Cống) cấp cứu. Tuy nhiên, vết thương quá nặng cùng việc di chuyển khó khăn… nên sang ngày 5-4-1965 anh Nguyễn Bá Ngọc đã hy sinh. “Hơn 58 năm đã trôi qua, khi đó tôi mới chỉ là cậu bé chưa đầy 10 tuổi, anh Nguyễn Bá Ngọc 14 tuổi, vậy nhưng tôi mãi không quên được ký ức ngày hôm đó”, ông Nguyễn Bá Hoa trầm ngâm.
Câu chuyện về sự dũng cảm, hy sinh cao cả của liệt sĩ thiếu niên Nguyễn Bá Ngọc khiến không chỉ người dân Ngọc Trà khi ấy cảm động. Sự hy sinh ấy như “nốt trầm” vang vọng vào lịch sử dân tộc, lan tỏa và trở thành niềm cảm hứng thôi thúc sự dâng hiến cho Tổ quốc của bao thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam. Tên anh Nguyễn Bá Ngọc được đặt cho những con đường, những ngôi trường không chỉ trên quê hương Quảng Trung mà trong khắp cả nước. Tự hào hơn khi liệt sĩ Nguyễn Bá Ngọc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Ngay tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Quảng Trung, đài tưởng niệm Nguyễn Bá Ngọc được trân trọng đặt ở vị trí trung tâm sân trường như một sự tri ân trước hy sinh cao cả của người thiếu niên anh dũng. Không chỉ vậy, trong phòng truyền thống của nhà trường hiện còn lưu học bạ, giấy khen của học trò Nguyễn Bá Ngọc. Thầy Nguyễn Tiến Trí, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, cho biết: “Với thầy và trò nhà trường, được giảng dạy, học tập dưới ngôi trường mang tên anh hùng Nguyễn Bá Ngọc, chúng tôi rất tự hào. Bởi vậy, không chỉ nỗ lực dạy tốt, học tốt, nhà trường còn chú trọng vào các tiết học giáo dục truyền thống, trong đó có sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc”.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Trung, cho biết: “Đất và người Quảng Trung đã không tiếc sức người, sức của cùng với Nhân dân cả nước làm nên chiến thắng trong hai cuộc vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Với người dân Quảng Trung, tấm gương hy sinh của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Bá Ngọc mãi là niềm tự hào. Tự hào hơn khi năm 1996, Chủ tịch nước đã tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho xã Quảng Trung vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trung không ngừng phấn đấu xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Năm 2023, Quảng Trung phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/chuyen-nbsp-anh-hung-nguyen-ba-ngoc/27644.htm