Chuyện bắt đầu từ một cái tên…

Dĩ nhiên cái để chúng ta gọi nhau buộc phải là một cái tên nào đó. Kể cả những em bé mới sinh ở vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện hoặc không cần thiết phải làm giấy khai sinh thì vẫn có tên gọi ở nhà là 'Cò', là 'Gái' hay 'Thúng', 'Mủng', 'Gạo', 'Thóc'…

Những tấm biển xưa cũ vẫn ở đó như một chứng nhân, một phép so sánh của Hà Nội đang ngày càng phát triển

Những tấm biển xưa cũ vẫn ở đó như một chứng nhân, một phép so sánh của Hà Nội đang ngày càng phát triển

Mạng xã hội mấy hôm vừa rồi xuất hiện câu chuyện vui mà có thật. Một anh chàng đam mê tốc độ ở An Giang đã làm giấy khai sinh cho con mình với cái tên “Phan Hết Gas Hết Số” khiến cho cán bộ xã ít nhiều có tâm tư. Đặt tên con là quyền của anh nhưng họ vẫn phải khuyên anh bằng cách phân tích Tiếng Việt cặn kẽ. Đại khái tên dài như thế sau này gọi tắt sẽ mang hàm nghĩa khác. Nếu gọi là “Hết Số” tất nhiên chẳng hay ho gì. “Hết Gas” thì vẫn có thể gọi cửa hàng mang đến.

Cái tên không chỉ dùng đặt cho con người mà còn đặt cho mọi thứ có mặt trên đời. Từ tên nước, tên đất, tên làng, tên thành phố cho đến ngôi nhà, vườn hoa, các cửa hiệu thậm chí tên những chuyến tàu. Ngày kháng chiến chống Mỹ có tên đoàn tàu vận tải biển rất nổi tiếng mà mãi sau hòa bình chúng ta mới biết. Đoàn Tàu Không Số ấy đã vận chuyển vũ khí, thuốc men từ miền Bắc vào tận Mũi Cà Mau chi viện cho bộ đội đánh giặc. Cho đến tận hôm nay thì tên những chuyến bay, những chuyến tàu vẫn được đặt ra hàng ngày để gọi cho tiện giao dịch, thông báo.

Rất nhiều tên người, tên đất đã đi vào lịch sử ở cả hai chiều hướng đối lập nhau. Người có công tên gọi thường kèm theo chữ “Anh hùng”. Kẻ có tội tên gọi được ghép với sự phản bội, giặc giã, lưu manh… Cũng như vậy, đất cũng được gọi bằng những cái tên khi thì tôn vinh và cũng có khi dè bỉu. Ở Hà Nội trước có câu ca dao: “Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần/ Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét” để ca ngợi những sản vật ngon lành nức tiếng kinh kỳ.

Vùng Kinh Bắc lại có câu ca dao: “Vật giao Phù Lưu hữu/ Vật thú Đình Bảng thê/ Vật ẩm Đồng Kỵ thủy/ Vật thực Cẩm Giàng kê” để nói về những việc nên tránh. Kết giao với bạn người Phù Lưu hay bị phản bội. Lấy vợ làng Đình Bảng cũng vậy. Uống nước ở làng Đồng Kỵ chuyên nghề hót phân thì chắc chắn không sạch sẽ lắm và ăn thịt gà ở Cẩm Giàng thì thường là gà bắt trộm của hàng xóm. Tất nhiên câu ca dao ấy thất truyền đã gần một thế kỷ bởi đổi thay ở những địa danh này.

Đã có rất nhiều tên gọi trở thành thương hiệu một cách tình cờ. Ban đầu chúng ra đời chỉ với ý nghĩa thông tin nhưng về sau tạo nên những thành công và trở thành thương hiệu. Đó là chuyện ngày xưa. Giờ thì với công nghệ “PR” rất có thể một thương hiệu nổi tiếng ra đời chỉ trong vòng vài tháng. Chẳng sao cả nếu như nó thật sự đem lại lợi ích cho số đông trong xã hội. Nhưng sẽ rất có chuyện khi người ta phát hiện ra cách làm ăn gian dối. Cũng chỉ trong vòng vài tháng là mất đứt thương hiệu và sập tiệm như cái anh chàng gì đó bán tơ lụa Việt Nam nhưng lại hóa ra nhập hàng Tàu mang về đính mác Việt.

Ngày mới tiếp quản, Hà Nội có khá nhiều thương hiệu và cửa hiệu mua bán cũ còn tồn tại được bởi thương hiệu của mình. Ít lâu sau công tư hợp doanh mới mất dần đi những thương hiệu ấy. Người chủ cũ chẳng mặn mà gì với cách chia chác lợi nhuận đầy thiệt thòi về phía mình. Người chủ mới là tập thể lại càng không gắn bó với cái gọi là thương hiệu không liên quan gì đến mình. Họ cùng nhau xóa bỏ thương hiệu đã từng có đến hàng trăm năm truyền thống. Đó là điều hết sức đáng tiếc!

Nhà văn Đỗ Phấn

Nhà văn Đỗ Phấn

Chúng ta ai cũng biết dù chỉ là một cá nhân con người thôi khi muốn thay tên đổi họ sẽ phiền phức đến mức nào. Trẻ con đỡ phiền hơn bởi có ít mối quan hệ và giấy tờ. Người lớn vô cùng phiền nếu như đổi tên. Nghĩa là phải thay đổi mọi giấy tờ từ nhà cửa, xe cộ cho đến vợ con, bố mẹ.

Chỉ đổi từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân thôi đã phải luôn kè kè tấm giấy chứng nhận số chứng minh cũ với số căn cước mới là một người. Thiếu nó không thể rút tiền tiết kiệm và đương nhiên cũng không thể bán ngôi nhà đang ở bằng số chứng minh cũ được. Cũng như vậy, sự phiền hà đến với dân cả một phố, một làng khi thay tên địa danh. Ngày trước ở Hà Nội có con phố 325 ở khu phố Hai Bà Trưng bỗng một ngày đẹp giời đổi thành Thể Giao. Dân phố khốn khổ vì mọi giấy tờ kể cả tờ giấy khai sinh cho đến tờ chứng tử đều phải làm lại.

Những chuyện nhỏ hơn như chỉ đính chính vài dấu trong tên phố cũng khổ không kém. Từ Tạ Hiền vài chục năm trước thành Tạ Hiện hôm nay. Từ Bảo Khánh ngày tiếp quản, nay trở thành Báo Khánh. Ngày còn sống nhà văn Nguyễn Công Hoan đã phải kêu trời là tìm khắp trong lịch sử Việt Nam không có ông nào tên là Trần Hưng Đạo. Chỉ có ông Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mà thôi. Sai đấy mà chưa thể sửa.

Nữa là những thứ không sai như cái tên gọi và cũng là thương hiệu Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh lại có người muốn sửa thành Đại học Sức khỏe với lý do “Để theo kịp với tiến bộ khu vực”. Nhớ ngày trước anh Phạm Tuân bay vào vũ trụ. Năm ấy trẻ con họ Phạm được đặt tên là Tuân rất nhiều. Và kết quả Anh hùng Phạm Tuân của chúng ta cho đến hôm nay vẫn là người duy nhất bay vào vũ trụ!

“Ngày mới tiếp quản Hà Nội có khá nhiều thương hiệu và cửa hiệu mua bán cũ còn tồn tại được bởi thương hiệu của mình. Ít lâu sau công tư hợp doanh mới mất dần đi những thương hiệu ấy. Người chủ cũ chẳng mặn mà gì với cách chia chác lợi nhuận đầy thiệt thòi về phía mình. Người chủ mới là tập thể lại càng không gắn bó với cái gọi là thương hiệu không liên quan gì đến mình. Họ cùng nhau xóa bỏ thương hiệu đã từng có đến hàng trăm năm truyền thống. Đó là điều hết sức đáng tiếc!”.

Nhà văn Đỗ Phấn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/chuyen-bat-dau-tu-mot-cai-ten/825842.antd