Chuyến bay lịch sử

Các quan chức Mỹ và I-xra-en đã tiến hành chuyến bay lịch sử tới Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) để hoàn tất những bước cuối cùng nhằm bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en và UAE. Chuyến bay là biểu tượng cho thành công ngoại giao của Mỹ trong vai trò trung gian, đồng thời mở ra giai đoạn mới thúc đẩy quan hệ trên mọi lĩnh vực giữa I-xra-en với một quốc gia A-rập ở vùng Vịnh. Song, động thái này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Pa-le-xtin.

Các quan chức Mỹ và I-xra-en đã tiến hành chuyến bay lịch sử tới Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) để hoàn tất những bước cuối cùng nhằm bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en và UAE. Chuyến bay là biểu tượng cho thành công ngoại giao của Mỹ trong vai trò trung gian, đồng thời mở ra giai đoạn mới thúc đẩy quan hệ trên mọi lĩnh vực giữa I-xra-en với một quốc gia A-rập ở vùng Vịnh. Song, động thái này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Pa-le-xtin.

A-RẬP XÊ-ÚT đã mở cửa không phận cho phép chuyến bay chở các quan chức Mỹ và I-xra-en đi qua để rút ngắn thời gian bay tới UAE, dù Ri-i-át chưa thiết lập quan hệ chính thức với I-xra-en. Tham gia phái đoàn bay chung có G.Cu-snơ, Cố vấn của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ R.Bri-en, cùng Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu, mang theo chương trình làm việc với các nhà lãnh đạo UAE nhằm hiện thực hóa thỏa thuận do Tổng thống Mỹ làm trung gian về bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en và UAE. Ðây là cơ hội để các quan chức I-xra-en và UAE thảo luận về hợp tác kinh tế, khoa học, thương mại và văn hóa. Việc thảo luận về việc thiết lập đại sứ quán tại mỗi nước, kết nối đường bay trực tiếp giữa hai nước cũng nằm trong chương trình nghị sự. Các quan chức I-xra-en hy vọng trong chuyến làm việc này, hai bên sẽ ấn định ngày chính thức ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, có thể trong tháng 9, giữa Thủ tướng I-xra-en và Thái tử UAE tại thủ đô Oa-sinh-tơn của Mỹ.

Trong vai trò trung gian để đạt thỏa thuận nói trên, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đã thành công trong củng cố quan hệ với các đồng minh ở Trung Ðông, đồng thời coi đây là một cơ hội để ông "ghi điểm" trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra ngày 3-11 tới. Ðể duy trì tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực có vị trí địa - chính trị quan trọng này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo đã thực hiện chuyến thăm Trung Ðông ngay trước sự kiện bay chung giữa các quan chức Mỹ và I-xra-en tới UAE. Giới chức Mỹ kêu gọi các nước A-rập có những động thái tương tự UAE trong việc bình thường hóa quan hệ với I-xra-en. Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu tiết lộ, Nhà nước Do thái cũng đang bí mật đàm phán với một số nước A-rập về thiết lập quan hệ.

I-xra-en và UAE đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, đưa UAE trở thành quốc gia vùng Vịnh đầu tiên và là quốc gia A-rập thứ ba thiết lập quan hệ với I-xra-en, sau Ai Cập và Gioóc-đa-ni. Cố vấn của Tổng thống Mỹ đánh giá chuyến bay thẳng đầu tiên giữa I-xra-en và UAE "không chỉ là dấu mốc lịch sử" trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en và UAE mà còn mở ra một kỷ nguyên hòa bình và ổn định hơn tại khu vực Trung Ðông. Ðiều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về tiến trình hòa bình Trung Ðông N.Mla-đê-nốp nhận định, thỏa thuận giữa I-xra-en và UAE có khả năng thay đổi tình trạng đối đầu trên toàn khu vực, bởi cam kết của I-xra-en hoãn kế hoạch sáp nhập các phần của Bờ tây, vùng đất bị chiếm đóng của Pa-le-xtin, đã loại bỏ mối đe dọa tức thời có thể ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình và ổn định ở Trung Ðông. Thỏa thuận cũng tạo ra những cơ hội hợp tác mới vào thời điểm Trung Ðông và cả thế giới phải đối mặt thách thức nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 và quá trình cực đoan hóa. Ðiều phối viên đặc biệt của LHQ bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo ở tất cả các bên, tái tham gia một cách xây dựng vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa để giải quyết xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin.

Thỏa thuận giữa I-xra-en và UAE nhận được sự ủng hộ của một số nước như Pháp, Ðức, Ô-man, song vấp phải sự phản đối quyết liệt của giới chức Pa-le-xtin, Thổ Nhĩ Kỳ và I-ran. Pa-le-xtin cho rằng, UAE đã "bội ước" trong vấn đề tìm kiếm hòa bình ở Trung Ðông thông qua việc thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập. Thủ tướng Pa-le-xtin chỉ trích chuyến bay tới UAE của các quan chức Mỹ và I-xra-en là "sự vi phạm rõ ràng và trắng trợn" đối với lập trường của cộng đồng các quốc gia A-rập liên quan xung đột giữa các nước A-rập và I-xra-en. Liên đoàn A-rập (AL) cũng khẳng định, việc bình thường hóa quan hệ toàn diện giữa I-xra-en và các nước A-rập chỉ có thể đạt được khi người Pa-le-xtin giành được tự do và độc lập, cũng như chấm dứt sự chiếm đóng của I-xra-en trên các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin.

Với những phản ứng gay gắt từ Pa-le-xtin và một số nước A-rập, tham vọng về việc các nước A-rập khác thiết lập quan hệ với I-xra-en dường như khó có thể thực hiện. Mối quan hệ này chỉ có thể được bình thường hóa nếu cuộc xung đột Pa-le-xtin - I-xra-en được giải quyết dựa trên giải pháp hai nhà nước và các nghị quyết liên quan của LHQ, các thỏa thuận song phương và luật pháp quốc tế. Nhằm xoa dịu "cơn giận" của Pa-le-xtin, Thái tử UAE khẳng định rằng, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với I-xra-en là một quyết định hướng tới hòa bình, đồng thời tuyên bố UAE cam kết thúc đẩy thiết lập một Nhà nước Pa-le-xtin với thủ đô Ðông Giê-ru-xa-lem. Theo nhà lãnh đạo UAE, hòa bình là một lựa chọn chiến lược, nhưng không phải trả giá bằng sự nghiệp của người Pa-le-xtin.

LHQ cho rằng đây là thời điểm cần tăng cường cách tiếp cận tích cực để các nhà lãnh đạo Pa-le-xtin và I-xra-en tham gia một cách xây dựng vào các cuộc đàm phán. Cộng đồng quốc tế hy vọng thỏa thuận bình thường hóa quan hệ I-xra-en - UAE không chỉ mở ra triển vọng hợp tác cho hai nước mà còn góp phần vào hòa bình và ổn định ở khu vực.

Bảo Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/chuyen-bay-lich-su-615281/