Chuyện buồn ở Vân Canh

Dù công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình luôn được chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể huyện Vân Canh chú trọng nhưng tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra âm ỉ

Dù mới bước vào tuổi 17 nhưng Đ.T.A (dân tộc Chăm; ngụ thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) đã làm mẹ đứa trẻ 5 tháng tuổi. Lấy chồng và sinh con sớm đã làm khuôn mặt A. già dặn hơn so với độ tuổi của mình. Trong khi đó, do không biết cách chăm sóc trẻ nên con của A. gầy gò, có dấu hiệu kém phát triển.

Làm mẹ lúc "ăn chưa no"

Theo gia đình Đ.T.A, cách đây 2 năm khi đang học lớp 8, em quen với bạn trai (ngụ xã Canh Liên, huyện Vân Canh) lớn hơn 2 tuổi nhưng học cùng khóa. Sau "tiếng sét ái tình", cả hai bỏ học, quyết cưới nhau. Khi biết chuyện, gia đình khuyên can thì Đ.T.A bỏ nhà theo bạn trai. Sợ A. làm điều dại dột, gia đình đành làm ngơ, chấp nhận cho A. lấy chồng.

Theo bà Đ.T.T (mẹ của Đ.T.A), do nhỏ tuổi, không có nghề nghiệp nên sau khi cưới nhau, vợ chồng A. chỉ quanh quẩn ở nhà. "Thậm chí, chuyện chăm sóc con, vợ chồng A. cũng chẳng biết. Chúng không chịu nghe lời người lớn nên giờ phải chịu khổ thôi" - bà T. than thở.

Tương tự, Đ.T.L (dân tộc Ba Na; ngụ xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) năm nay cũng chỉ 17 tuổi nhưng đã tay bế tay bồng 2 con nheo nhóc. Lấy chồng từ năm 15 tuổi, do sinh liên tục, hoàn cảnh lại khó khăn nên Đ.T.L già hơn so với độ tuổi của mình khá nhiều.

Cơ quan chức năng tổ chức Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đoàn viên, thanh niên huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định

Cơ quan chức năng tổ chức Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đoàn viên, thanh niên huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định

Theo Đ.T.L, em quen với chồng trong một lần đi chơi. Sau đó, cả hai quyết định đi đến hôn nhân khi mới 15 tuổi, dù gia đình ngăn cản quyết liệt. Một năm sau, L. sinh con đầu lòng. 16 tuổi, cái tuổi mà nhiều bạn trẻ đang được học tập, vui chơi hồn nhiên, xây đắp hoài bão, thì L. đã phải gánh vác trọng trách của người vợ và thiên chức người mẹ. Một tương lai đầy khó khăn và thử thách đối với em.

"Lúc đó gia đình hai bên ngăn cản dữ lắm nhưng vì quá yêu nhau nên tụi em quyết định tiến tới hôn nhân. Giờ nghĩ lại, giá như lúc đó em nghe lời gia đình, đừng lấy chồng sớm thì tốt biết mấy" - L. nghẹn ngào nói.

Trong số các trường hợp tảo hôn ở huyện Vân Canh, không ít em đã tỏ ra hối hận ngay sau khi lấy chồng sớm. Em Đ.T.U.L (dân tộc Ba Na; 16 tuổi, ngụ thị trấn Vân Canh) là một trường hợp điển hình.

Theo Đ.T.U.L, em bỏ học từ năm lớp 8, ở nhà phụ giúp công việc gia đình, chăm sóc em. Tình cờ L. quen bạn trai qua mạng xã hội, chỉ sau một thời gian ngắn tìm hiểu, cả hai quyết định đi đến hôn nhân. Chồng của L. khi đó cũng chỉ 20 tuổi, đang làm công nhân may tại TP HCM. "Em không biết tương lai sẽ như thế nào. Giờ em muốn xin đi làm công nhân nhưng vì chưa đủ tuổi nên không ai nhận. Em rất buồn và cảm thấy hối hận khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân quá sớm" - L. nói trong nước mắt.

Vận động ký cam kết, phát huy tính tự quản

Bà Đinh Thị Xuân Bông, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, cho biết việc xử lý nạn tảo hôn ở địa phương gặp nhiều khó khăn do nhận thức của trẻ vị thành niên chưa đầy đủ, nhiều cặp tảo hôn thường dọa tự tử để gây áp lực cho gia đình và địa phương. Mặt khác, văn bản quy định về xử phạt hành chính đối với các trường hợp tảo hôn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho người thực thi nhiệm vụ.

"Để giảm thiểu nạn tảo hôn, thời gian tới, UBND xã Canh Thuận sẽ phối hợp với các hội, đoàn thể, trường học tăng cường cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình; tuyên truyền, vận động trực tiếp qua các điểm truyền thông; vận động các gia đình ký cam kết không tảo hôn" - bà Bông cho biết.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Vân Canh kết hợp với người có uy tín để tuyên truyền phòng chống tảo hôn ở địa phương

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Vân Canh kết hợp với người có uy tín để tuyên truyền phòng chống tảo hôn ở địa phương

Theo ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, để đẩy lùi nạn tảo hôn, thời gian tới huyện sẽ quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương về phòng chống tảo hôn. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý những cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm trong tuyên truyền, giáo dục, để con em tảo hôn hoặc bao che tổ chức đám cưới cho các cặp tảo hôn.

Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả hương ước, quy ước của khu phố, làng và phát huy tính tự quản của các dòng họ, vận động người dân không tảo hôn. Đồng thời tăng cường xây dựng các mô hình điểm, tổ liên gia, triển khai các phiên tòa giả định về tảo hôn lưu động.

Đặc biệt, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với lực lượng công an kịp thời phát hiện, xử phạt nghiêm những trường hợp tổ chức đám cưới cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Kiên quyết xử lý hình sự đối với những đối tượng giao cấu hoặc thực hiện hành vi tình dục với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo quy định của pháp luật nhằm tăng tính răn đe, giáo dục.

16 trường hợp tảo hôn

Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Vân Canh, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 16 trường hợp tảo hôn. Trong đó, xã Canh Thuận nhiều nhất với 5 trường hợp. Ngoài ra, huyện Vân Canh còn có nhiều cặp vị thành niên chung sống với nhau, sinh con nhưng vì chưa đăng ký khai sinh nên chưa thể thống kê.

Bài và ảnh: ĐỨC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuyen-buon-o-van-canh-196231219203449165.htm