Chuyện chưa kể về những 'sóng gió' của tiểu thuyết Búp sen xanh

Khi mới xuất hiện, tiểu thuyết 'Búp sen xanh' của nhà văn Sơn Tùng khắc họa hình ảnh rất đời thường, mới mẻ về Bác Hồ. Cuốn sách tạo nên những luồng dư luận trái chiều. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã 'gỡ khó' để tác phẩm đến với độc giả.

Nhân 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình nhà văn Sơn Tùng mới đây đã trao bộ tài liệu của ông cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) bản viết tay và đánh máy tiểu thuyết Búp sen xanh, Bông sen vàng.

Ông Bùi Sơn Định - con trai thứ của nhà văn chia sẻ, đến nay vẫn tiếp tục cần mẫn trông coi di sản của người cha.

Ông tâm sự muốn làm một khu lưu niệm để bạn bè, độc giả và người dân gần xa có cơ hội tìm hiểu thêm về nhà văn Sơn Tùng nhưng điều kiện không cho phép nên gia đình quyết định gửi khối tài liệu này vào cơ quan lưu trữ của Nhà nước.

Ông Bùi Sơn Định trao bản thảo viết tay các tác phẩm về Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng cho Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Trần Việt Hoa.

Ông Bùi Sơn Định trao bản thảo viết tay các tác phẩm về Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng cho Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Trần Việt Hoa.

“Tôi thay mặt cha mẹ gửi gắm để Trung tâm Lưu trữ giữ lại cho mai sau, giúp chúng ta biết được cuộc sống, lao động của một nhà văn, thương binh nặng 1/4 như thế nào", ông nói.

Nhà văn Sơn Tùng có 14 vết thương trên người, trong đó 5 vết ở vùng vai, đầu, cánh tay và tai trái bị thương tật nặng, thủng màng nhĩ, thị lực còn 1/10. Rời chiến trường và quay về miền Bắc, mọi sinh hoạt phải có người khác giúp đỡ song ông vẫn miệt mài cầm bút. Từ 1974 - 2010, nhà văn đã viết hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn, văn xuôi.

Ông Định cho biết, cha mình có những năm tháng dài đi sưu tập tư liệu và sáng tác 16 tác phẩm về Bác Hồ cùng nhiều đề tài liên quan đến các danh nhân, nhân vật lịch sử. “Cha tôi có 16 tác phẩm nhưng người dân vẫn nhớ nhất là Búp sen xanh - tiểu thuyết đưa tên tuổi Sơn Tùng đến với bạn đọc, giờ đã được 41 năm”.

Nhà văn lúc còn khỏe thường nói với con trai một nguyên tắc khi viết về vĩ nhân là: "Ta có thể thả hồn vào trong đó chứ không được bịa. Bịa là có tội với Bác và các vĩ nhân...".

Tiếp xúc với các nguồn tin, ông có tiêu chí riêng để xác minh. Một câu chuyện phải có ít nhất ba người ở ba nơi nói, tuy cách trình bày có thể khác nhau nhưng cùng chung một sự kiện thì mới đủ tin cậy.

Bản thảo viết tay 2 tác phẩm làm nên tên tuổi của nhà văn Sơn Tùng.

Bản thảo viết tay 2 tác phẩm làm nên tên tuổi của nhà văn Sơn Tùng.

Ông Định kể lại, từ những năm 1948-1950, nhà văn Sơn Tùng đã đến gặp trực tiếp bà Thanh và ông Khiêm - là anh chị ruột của Bác, được gia đình cung cấp nhiều tài liệu quý báu về cuộc đời, gia cảnh của Hồ Chủ tịch. Đến khi hai người qua đời thì nhà văn mới trở ra Bắc.

Nhà văn đi khắp các miền đất nước lần theo dấu vết mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác từng qua. Ông cũng tìm đến những nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi, gặp những người Bác từng quen biết, gặp cả bà Lê Thị Huệ - “mối tình đầu tiên và có ảnh cũng như thơ Nguyễn Tất Thành gửi tặng”.

Người chí khí, quyết tâm viết về Bác Hồ

Tiểu thuyết Búp sen xanh viết về tuổi thơ, thời niên thiếu và tuổi đôi mươi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay được tái bản hơn 30 lần, dịch ra nhiều thứ tiếng. Tác phẩm mở ra hướng mới khi viết về Bác, "đời thường hóa" vị lãnh tụ.

Ban đầu cuốn sách gặp không ít “sóng gió”. Thời điểm đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những lãnh đạo rất quan tâm và hỗ trợ để tác phẩm được ra mắt.

Ông Trần Tam Giáp, thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại: “Lúc mới nhận sách, bác Đồng cũng chỉ đọc sơ sơ. Ngày đó Búp sen xanh bị phê phán rất nặng và gay gắt vì cho rằng tác giả dám bịa ra chuyện tình cảm cá nhân của Người”. Trước phản ứng của dư luận, Thủ tướng đã giao cho ông Giáp tìm hiểu xem “anh này là người thế nào”, “động cơ nào để viết Búp sen xanh”.

Ông Trần Tam Giáp

Ông Trần Tam Giáp

Đến gặp nhà văn Sơn Tùng, ông Trần Tam Giáp không khỏi xúc động trước hoàn cảnh của nhà văn khi trên cơ thể có nhiều vết thương do chiến tranh để lại nhưng rất tâm huyết với Bác Hồ. Ông tìm hiểu được, nhà văn đã bán hết tài sản riêng lấy tiền rong ruổi đến các tỉnh thành mà Bác từng đặt chân. “Nhà văn Sơn Tùng khi đó có nói với tôi rằng ông rất kính mến và quyết tâm viết sâu, tìm hiểu sâu về Bác Hồ. Nghe được tâm sự như vậy tôi rất tâm đắc, nhận thấy đây là một người có chí khí”, ông Giáp kể.

Sau đó, ông Trần Tam Giáp về báo cáo lại với Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Bác Đồng nghe xong suy nghĩ một hồi, chỉ đạo rằng có thể vài hôm nữa sẽ gặp trực tiếp nhà văn. Một lúc sau, bác lại thay đổi yêu cầu gặp luôn chiều hôm đó. Nghe được thế tôi rất phấn khởi liền báo ngay cho nhà văn Sơn Tùng. Đáng lẽ phải chuẩn bị để chiều có xe Văn phòng Thủ tướng đón, nhưng khi đó tôi lại đi xe đạp nên đã chở luôn nhà văn đến gặp”.

Chuyện nhà văn Sơn Tùng ngồi sau xe đạp đến gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được ông kể lại và đăng trên báo Tiền phong.

Trong buổi gặp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã mời cơm nhà văn. Sau đó, Thủ tướng đọc kỹ lại Búp sen xanh và góp ý với các lãnh đạo khác, Ban Văn hóa tư tưởng Trung ương để thuyết phục cho xuất bản tác phẩm.

Thủ tướng đã có ý định viết lời tựa cho cuốn tiểu thuyết vào lần tái bản thứ nhất (năm 1983). Ban biên tập sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và được sự đồng ý của tác giả, đã quyết định chưa giới thiệu bức thư này.

Sau khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời, trong những lần tái bản sau đó của Búp sen xanh, NXB Kim Đồng mới sử dụng toàn văn bức thư Thủ tướng gửi cho nhà văn Sơn Tùng làm lời tựa.

Gia đình nhà văn Sơn Tùng đã gửi tặng tài liệu cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, gồm bản thảo viết tay, đánh máy tiểu thuyết Chiến khu lõm, Người vẽ cờ Tổ quốc...

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên gia đình gửi bảo quản các băng tài liệu về câu chuyện Bác Hồ đến Mỹ, Người chụp ảnh Bác Hồ, Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ và nhiều hiện vật gắn với cuộc đời sáng tác của nhà văn Sơn Tùng như đài radio, máy đánh chữ, đồng hồ đeo tay, bản khắc dấu, danh hiệu Anh hùng Lao động, huân chương, huy chương, kỷ niệm chương...

Cách đây 2 tháng, hơn 1.000 bức ảnh, trang tư liệu về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước gồm khối tư liệu, hình ảnh quê hương, gia đình, cuộc đời và hành trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... cùng nhiều tư liệu, hình ảnh về các nhà chí sỹ yêu nước tiền bối cũng được gia đình nhà văn Sơn Tùng trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-go-kho-de-bup-sen-xanh-ve-bac-ho-duoc-xuat-ban-2139884.html