Chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với tạo việc làm bền vững

Những năm gần đây, chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp ở Quảng Trị có xu hướng tăng lên, tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch còn chậm, chất lượng lao động của tỉnh đang ở mức thấp, chưa đồng đều. Vì thế cần sự định hướng của ngành chức năng, chính quyền địa phương để đảm bảo lao động chuyển dịch phù hợp, tạo việc làm bền vững.

Công nhân may ba lô du lịch tại Công ty TNHH MTV Dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Đông Hà) -Ảnh: M.L

Công nhân may ba lô du lịch tại Công ty TNHH MTV Dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Đông Hà) -Ảnh: M.L

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), 9 tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở tỉnh Quảng Trị ước 337.127 người, trong đó lao động có việc làm ổn định ước đạt 330.175 người, chiếm 97,94%, tăng 0,57% so với cùng kỳ năm 2023 (lao động làm việc trong doanh nghiệp khoảng 50.500 người).

Đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy, nhìn chung, tình hình cơ cấu lao động trên địa bàn đang dịch chuyển đúng hướng cơ cấu kinh tế và đây là động thái tích cực theo diễn biến hằng năm của giai đoạn 2021-2025. 6 tháng đầu năm 2024, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 134.553 người, chiếm tỉ lệ 40,82%; khu vực công nghiệp, xây dựng 66.263 người, chiếm tỉ lệ 20,1%; khu vực dịch vụ 128.804 người, chiếm tỉ lệ 39,08% (cơ cấu lao động trong 6 tháng đầu năm 2023 tương ứng là 41,24%; 20,08%; 38,68%).

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Lê Nguyễn Huyền Trang, mặc dù hiện tại, lực lượng lao động vẫn phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn do nhu cầu, trình độ cũng như quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh còn nhỏ, đơn giản.

Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể thì chất lượng lao động của tỉnh còn ở mức thấp; chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế cũng như giữa các vùng, miền; nguồn nhân lực chưa tạo được dấu ấn để thu hút nhà đầu tư đến thực hiện các dự án công nghiệp ở Quảng Trị.

Việc nâng cao chất lượng lao động là một xu thế khách quan và là yếu tố then chốt của nguồn nhân lực. Đặc biệt để thực hiện mục tiêu đưa chất lượng lao động của tỉnh đạt mức trung bình cao so với mặt bằng chung của cả nước cần có các giải pháp đồng bộ, thiết thực.

Để thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động đúng hướng, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm bền vững cho người lao động cần quan tâm hoàn thiện và thực thi có hiệu quả một số chính sách về thu hút đầu tư cũng như phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp bằng các chính sách thu hút nhà đầu tư phát triển nhà máy, xưởng sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đồng thời tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với doanh nghiệp ở địa phương thu hút được lao động từ nông nghiệp, nông thôn chuyển sang công nghiệp.

Xem xét chuyển đổi một số hợp tác xã nông nghiệp thuần túy sang cơ khí hóa nông nghiệp toàn bộ theo hướng công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ, ví dụ như hợp tác xã chuyên thu hoạch lúa, làm đất, sửa chữa các nông cụ, ngư cụ... từ đó chuyển một phần lao động nông nghiệp sang công nghiệp.

Cần chú trọng hơn nữa việc phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, có giải pháp phân bổ lao động phù hợp theo vùng nhằm sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực.

Tăng cường kỹ năng cho người lao động. Chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ; khuyến khích, hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp để làm việc. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người lao động (kết nối thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

Nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động của các đơn vị chuyên môn, dịch vụ giới thiệu việc làm kết hợp điều tra, rà soát tình hình lao động, việc làm.

Trên cơ sở đó, khảo sát nhu cầu việc làm của lao động nông thôn để tổ chức dạy nghề, học nghề phù hợp thực tế; nâng cao chất lượng các phiên giao dịch, tư vấn, giới thiệu việc làm, trở thành cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.

Phối hợp cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động tư vấn, hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm, định hướng nghề nghiệp, tuyển dụng và các hoạt động truyền thông nhằm kết nối người lao động với doanh nghiệp và nhà tuyển dụng. Khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chuyen-dich-co-cau-lao-dong-gan-voi-tao-viec-lam-ben-vung-189007.htm