Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa: Bảo đảm hiệu quả, tuân thủ quy hoạch

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa góp phần đa dạng hóa sản phẩm cây trồng, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tăng hiệu quả sản xuất. Nhờ vậy, nhiều nông dân trong tỉnh Bắc Giang đã làm giàu trên đất nông nghiệp.

Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc. Mặc dù thời gian qua năng suất lúa không ngừng tăng (vụ xuân khoảng 60 tạ/ha, vụ mùa khoảng 57 tạ/ha) song nhiều diện tích lúa nằm xen kẹp không chủ động được tưới tiêu, hiệu quả từ sản xuất lúa không cao nên nhu cầu chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản tương đối lớn. Trên thực tế, người dân thuộc các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam đã thực hiện chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả cao.

Có thể kể nhiều mô hình điển hình từ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Ví dụ Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Yên Dũng, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) chuyển từ cấy lúa sang trồng rau trong nhà màng, nhà lưới lợi nhuận đạt khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình sản xuất rau cần tại xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) lãi khoảng 250 triệu đồng/ha/vụ; sản xuất khoai tây tại các huyện Lục Nam, Tân Yên, Yên Dũng, Sơn Động quy mô từ 20-50 ha/vùng lợi nhuận đạt hơn 30 triệu đồng/ha. Mô hình chuyển từ trồng lúa sang cây ăn quả của hộ ông Lê Thanh Định, thôn Thông, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) quy mô 1 ha, doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm. Mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản tăng từ 3-4 lần so với chuyên canh lúa tại các huyện Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên…

Mô hình trồng cần nuôi cá ở xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) giúp nông dân tăng thu nhập. Ảnh: Trường Sơn.

Mô hình trồng cần nuôi cá ở xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) giúp nông dân tăng thu nhập. Ảnh: Trường Sơn.

Được biết, thời gian qua toàn tỉnh có hơn 6,2 nghìn ha đã lập hồ sơ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang cây trồng khác theo quy định. Trong đó, chuyển đất lúa sang trồng cây lâu năm là hơn 6 nghìn ha, sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 164 ha. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao đã góp phần đa dạng các loại cây trồng, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo lợi thế từng vùng, nâng cao giá trị sản xuất trên ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 135 triệu đồng/ha (tăng 52,8 triệu đồng/ha so với năm 2016).

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã được khẳng định. Đây là hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 70 nghìn ha đất trồng lúa. Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang xác định rõ “đến năm 2030, tổng diện tích đất trồng lúa khoảng 48.748 ha, trong đó, đất chuyên trồng lúa 45.022 ha”. Do vậy, dư địa cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tương đối lớn, riêng giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có kế hoạch chuyển đổi 6,1 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi thủy sản. Trước mắt, năm 2023, tỉnh Bắc Giang được Bộ Nông nghiệp và PTNT phân bổ 1,6 nghìn ha chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.

Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có kế hoạch chuyển đổi 6,1 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi thủy sản. Trước mắt, năm 2023, tỉnh Bắc Giang được Bộ Nông nghiệp và PTNT phân bổ 1,6 nghìn ha đất lúa chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đúng quy định, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục chuyển đổi; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi tại các địa phương. Căn cứ vào diện tích chuyển đổi được phân bổ, Sở phối hợp với các huyện rà soát diện tích chuyển đổi theo từng năm, xây dựng kế hoạch phân bổ chi tiết cho từng địa phương, khuyến nghị người dân tuyệt đối không tự ý chuyển đổi diện tích trồng lúa sang mục đích khác. Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cùng với giải pháp trên, các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan, nâng cao nhận thức của người dân về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất để xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phù hợp với điều kiện từng vùng; thường xuyên kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất.

Ngọc Thọ

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/400527/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-tren-dat-lua-bao-dam-hieu-qua-tuan-thu-quy-hoach.html