Chuyển đổi kép - Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam

Việc áp dụng chuyển đổi kép không chỉ nâng cao tính hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Sáng 28/6, tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra hội thảo “Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam thông qua chuyển đổi kép”, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc định hướng chiến lược sản xuất và xuất khẩu.

Toàn cảnh hội thảo “Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam thông qua chuyển đổi kép” (Ảnh: Thanh Minh).

Toàn cảnh hội thảo “Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam thông qua chuyển đổi kép” (Ảnh: Thanh Minh).

Sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành cơ khí, công nghệ số, điện và điện tử năm 2024, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) tổ chức .

Chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) nhấn mạnh, thời gian qua, tác động của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm nguồn tài nguyên môi trường đã gây ra nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Điều này đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Minh).

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Minh).

Cùng với xu thế phát triển đó, việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, hay còn gọi là “Chuyển đổi kép”, không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội.

Ông Trần Phú Lữ cho rằng, hiện “Chuyển đổi kép” đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đó là việc thiết lập cơ sở dữ liệu, phân tích, sử dụng dữ liệu, bảo mật, an toàn cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống hỗ trợ chuyển đổi và quan trọng hơn là tính phù hợp của giải pháp với từng loại hình doanh nghiệp.

Do đó, việc áp dụng chuyển đổi không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới bảo vệ môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

 Doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu giới thiệu sản phẩm tại “Tuần lễ kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành cơ khí, công nghệ số, điện và điện tử năm 2024”, từ ngày 27/6 đến ngày 3/7/2024 (Ảnh: Thanh Minh).

Doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu giới thiệu sản phẩm tại “Tuần lễ kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành cơ khí, công nghệ số, điện và điện tử năm 2024”, từ ngày 27/6 đến ngày 3/7/2024 (Ảnh: Thanh Minh).

Song song đó, đối với nền kinh tế vĩ mô, việc áp dụng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có thể giúp ngành quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI”. Tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết vấn đề việc làm, thúc đẩy phát triển đô thị, liên kết ngành và liên kết vùng, đồng thời mở rộng quan hệ ngoại giao là những lợi ích to lớn mà chuyển đổi mang lại.

Để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, TP. Hồ Chí Minh luôn coi trọng và dành nhiều sự đầu tư cho các giải pháp chuyển đổi kép toàn diện ở các lĩnh vực thông qua triển khai các hoạt động, chính sách và chiến lược đổi mới nhằm nâng cao nhận thức, đào tạo tư vấn các công cụ hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.

“Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan, tổ chức các chương trình hội thảo chuyên đề, các lớp tập huấn về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố phát triển sản xuất nhanh chóng và hiệu quả”, ông Trần Phú Lữ nói cam kết.

Bà Trần Quỳnh Hương - Trưởng Ban Tư vấn Chuỗi cung ứng Source of Asia (SOA) chia sẻ thông tin: Năng lực cần sở hữu để doanh nghiệp sản xuất tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế tại hội thảo (Ảnh: Thanh Minh).

Bà Trần Quỳnh Hương - Trưởng Ban Tư vấn Chuỗi cung ứng Source of Asia (SOA) chia sẻ thông tin: Năng lực cần sở hữu để doanh nghiệp sản xuất tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế tại hội thảo (Ảnh: Thanh Minh).

Để các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh có thể tận dụng một cách hiệu quả các lợi thế mà chuyển đổi kép mang lại; cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc định hướng chiến lược sản xuất và xuất khẩu… tại hội thảo các diễn giải và chuyên gia kinh tế đã chia sẻ, đưa ra những lưu ý đối với doanh nghiệp như: Năng lực cần sở hữu để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế; chuyển đổi số, phương pháp tăng năng lực nội tại cho doanh nghiệp sản xuất; chuyển đổi xanh, lộ trình thực hiện…

Các diễn giả tại hội thảo đều nhìn nhận, xu hướng chuyển đổi kép trên thế giới hiện nay tập trung vào 3 trụ cột chính bao gồm: Tăng cường năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; và giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.

Trong đó, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ là chiến lược đột phá trong quy trình sản xuất kinh doanh. Và bằng cách áp dụng các giá trị bền vững và tận dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể xây dựng một nền tảng vững mạnh và đạt được lợi thế cạnh tranh.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-doi-kep-nang-cao-suc-canh-tranh-cho-nganh-san-xuat-viet-nam-328731.html