Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hành trình Việt Nam hướng tới Netzero 2050
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế - xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường. Việt Nam cũng xác định đây là lựa chọn chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng và ngày càng nghiêm trọng trên quy mô rộng dẫn đến các thiên tai chưa từng có trong lịch sử, gây thiệt hại và mất cân bằng đa dạng sinh học trên toàn cầu, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội. Những sự thay đổi này có thể mang đến hậu quả lâu dài và khó có thể khôi phục. Vì vậy, trong những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh ngày càng quan trọng đối với nhiều quốc gia.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ là việc ứng dụng công nghệ mà còn thay đổi quy trình xử lý công việc, quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao hiệu suất, tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Đây được xác định là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để Việt Nam hướng tới một tương lai phát triển tốt đẹp, bền vững. Cũng vì vậy, Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế và hai chuyển đổi này cũng sẽ đảm bảo cho quốc gia phát triển nhanh và bền vững...
Với vai trò quan trọng này, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh như Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải…
Trong thời gian qua, chuyển đổi số tại Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2023, Việt Nam đã đạt được một số thành công lớn khi chỉ số chuyển đổi số quốc gia tăng từ 0,48 năm 2022 lên 0,71; chỉ số Đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc lên hạng 46 toàn cầu; Việt Nam có trong top 10 quốc gia có lượt tải ứng dụng di động cao nhất thế giới 1 năm liên tiếp, số lượng người dùng trên các nền tảng số tăng 46% so với năm 2022, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á 2 năm liên tiếp….
Những bước tiến từ chuyển đổi số cũng tỉ lệ thuận với việc chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Theo DxReports của FPT Digital công bố ngày 4/5, trong năm 2023, Việt Nam đã đạt được một số tiến triển quan trọng trong việc chuyển đổi xanh, đặc biệt qua việc triển khai và thúc đẩy các chính sách, chiến lược, và kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững và mục tiêu Net Zero năm 2050.
Chẳng hạn, năng lượng tái tạo chiếm 13,8% tổng lượng điện sản xuất; tỉ lệ che phủ rừng từ 42,2% năm 2022 lên 43,1% năm 2023, nhiều địa phương triển khai thành công mô hình kinh tế tuần hoàn...
Có thể nói, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam, đây là yêu cầu cấp thiết cho tương lai.
Trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng đã chủ động linh hoạt đẩy mạnh chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực. Năm 2021 là năm Bộ TN&MT đưa nhiều thủ tục hành chính giải quyết trên môi trường số, đáp ứng mục tiêu hình thành Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đi đầu trong việc thực hiện Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi nhận văn bản điện tử khi quy chuẩn đã được chuẩn hóa xử lý từ khâu lập hồ sơ, văn bản trình lên các cấp. Hiện tại, Bộ đã triển khai 100% số lượng văn bản là văn bản điện tử và ký số, từ soạn thảo, trình, kiểm soát cho đến ban hành.
Theo Chương trình chuyển đổi số TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành TN&MT quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.
Bộ đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật bắt kịp thay đổi nhanh chóng của công nghệ, bảo đảm phát triển, vận hành Chính phủ điện tử ngành, đáp ứng yêu cầu tiến trình chuyển đổi số.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Lê Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH LD ALL IMPEX cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế xanh - carbon thấp để thực hiện COP26 thì nguồn nhiên liệu hydro xanh được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Hydro xanh là lĩnh vực rất rộng, tuy nhiên chúng ta có thể hiểu qua 4 cấp như: hydro xám, hydro xanh nước biển, hydro xanh da trời, hydro xanh lá cây. Chúng được liên kết khi mô tả công nghệ hydro. Tất cả phụ thuộc vào cách nó được sản xuất. Trong đó, hydro xanh lá cây được xem là loại duy nhất được sản xuất theo cách trung hòa với khí hậu, khiến nó trở nên quan trọng để đạt mức không ròng vào năm 2050. Từ lúc bắt đầu năng lượng đến lúc tạo ra năng lượng đều năng lượng phải đúng quy trình, đều phải xanh.
“Hiện nay, tại Việt Nam, chúng tôi cũng đang chú trọng xem phát triển hydro xanh ở hai lĩnh vực. Thứ nhất là ở các nhà máy nhằm giảm phát thải CO2. Thứ hai là xe có thể chạy bằng nguyên liệu hydro. Tuy nhiên, nguồn đầu tư vào các dự án này rất lớn nên cũng rất khó để thực hiện” - Ông Lê Hiếu chia sẻ.
Tại Việt Nam cũng đã có dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh với tổng nguồn vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 21ha, thời gian thi công dự kiến 2 năm. Đây là dự án sản xuất hydro từ điện phân nước biển, điện năng lượng được tạo ra hydro xanh thông qua quá trình điện phân nước, công nghệ của dự án là điện được sử dụng để tách nước thành hydro và oxy; hydro tạo ra có thể được lưu trữ dưới dạng khí lỏng, thích hợp để sử dụng trong nhiều lĩnh vực và dễ dàng vận chuyển.
“Chúng tôi cũng đang cố gắng để kêu gọi các nhà đầu tư Đức về Việt Nam để phát triển những dự án như vậy. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài chưa quá mạnh dạn khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Bởi, Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư rủi ro khá lớn, trong đó, bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; đào tạo đội ngũ nhân lực…. Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành.
Nước Đức cũng có rất nhiều quỹ, ngân hàng sẵn sàng cho Việt Nam vay vốn để thực hiện dự án. Nên chúng tôi đang cố gắng có thể tìm kiếm cơ hội để có thể đưa các dự án về Việt Nam, vừa để phát trển đất nước, vừa tiếp thu được công nghệ hiện đại” - ông Lê Hiếu chia sẻ.
Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tập trung tìm ra những công nghệ, giải pháp phù hợp để phát triển thị trường ở Việt Nam. Giải pháp chuyển giao công nghệ, đào tạo vận hành công nghệ, thương mại trang thiết bị, đây là những vấn đề mà doanh nghiệp đang muốn tập trung để có thể phát triển tại thị trường Việt Nam.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, “lợi ích kép” của chuyển đổi xanh, chuyển đối số có tính tương hỗ, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, chống chịu được tác động, canh tranh. Cụ thể, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả.
Đồng thời, chuyển đổi xanh tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ sạch và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm.
Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, nó còn tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu và các khủng hoảng khác, thông qua các hệ thống quản lý thông minh và công nghệ tiên tiến.
Trả lời phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) cho rằng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ sở không giống nhau.
Đối với chuyển đổi số cần định lượng hóa mọi đối tượng/yếu tố liên quan trong quá trình phát triển bằng cách đo đạc, tính toán theo những phương pháp thích hợp và ổn định trong thời gian đủ dài. Khi đó tất cả số liệu thu được sẽ được xây dựng dưới dạng cơ sở dữ liệu nên dễ áp dụng công nghệ AI để tìm những quy luật, điểm cần biết thông qua cơ sở dữ liệu lớn này. Đây là bước đầu tiên và khó khăn, tốn kém và là điểm hạn chế hiện nay.
Cần tiếp cận các phương pháp phân tích sử dụng AI mới nhất để xử lý số liệu, xử lý thông tin, tìm kiếm những quy luật mang tính thống kê, rút ra những kết luận để áp dụng trong quá trình phát triển.
Đối với chuyển đổi xanh cũng vậy, cũng khác nhau ở các ngành, các lĩnh vực khác nhau nhưng có điểm chung là hướng tới bảo vệ môi trường. Trước hết là phải kiểm tra các hoạt động của mình có các công đoạn nào phát thải chất ô nhiễm (cả nước thải, khí thải, chất khí nhà kính, chất thải rắn) để tìm cách giảm thải tối đa. Đây là điều rất cần áp dụng chuyển số đối với cả cơ sở sản xuất cho tới ngành sản xuất và cả quốc gia. Chẳng hạn định lượng mức thải trên một đơn vị hàng hóa, dịch vụ cung cấp đang là xu thế hiện nay.
Tìm kiếm những công nghệ giảm phát thải, công nghệ xử lý chất thải có hiệu quả cao để áp dụng làm giảm tác động đến môi trường. Đồng thời, tìm kiếm áp dụng các loại, nguồn nguyên liệu, nhiên liệu xanh (quá trình sản xuất và sử dụng chúng ít gây tác động bất lợi đến môi trường) như điện từ năng lượng tái tạo. Đặc biệt tận dụng tối đa chất thải của đơn vị mình và các đơn vị khác) để sử dụng như nguyên liệu sản xuất (kinh tế tuần hoàn).
“Chúng ta cần phải phân tích các nội dung theo quy mô, từ cơ sở, ngành, quốc gia, có so sánh với quốc tế để biết mức độ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hiện tại và tìm cách nâng cao trong tương lai”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ lưu ý.
Nhóm PV thực hiện:
Văn Chương,Thiệu Anh,Phạm Giang,Duy Khánh,Mai Chi
Đồ họa: Hải An