Chuyển đổi số ngành tòa án - một chặng đường nhìn lại

Những năm gần đây, ngành tòa án tiến hành chuyển đổi số mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả ấn tượng như xét xử trực tuyến, xây dựng trợ lý ảo ngành tòa án, xây dựng 'bộ não số'…, góp phần vào việc xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh và liêm chính.

Số hóa ngành tòa án

Thực hiện các Nghị quyết của T.Ư, Bộ Chính trị về xây dựng nền Tư pháp nói chung, ngành tòa án nhân dân nói riêng và chương trình chuyển đổi số Quốc gia, thời gian qua, ngành tòa án nhân dân tích cực triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp, xét xử.

Đầu năm 2022, Tòa án Nhân dân tối cao (TAND) tiến hành chuyển đổi số một cách bài bản, chuyên nghiệp. Thời điểm đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình là người trực tiếp chỉ đạo dự án chuyển đổi số của ngành Tòa án. Việc người đứng đầu ngành Tòa án trực tiếp chỉ đạo và tham gia vào tất cả khâu chuyển đổi số của ngành đã thực sự tạo động lực, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cả tập thể cùng nhau chuyển đổi số.

Xét xử trực tuyến tại TAND quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Chu Hiệp

Xét xử trực tuyến tại TAND quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Chu Hiệp

Mục tiêu xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi số của ngành tòa án theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là: "Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân" và người dân là trung tâm.

Ngành tòa án đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp -Viễn thông Quân đội (Viettel) để thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Năm 2022, Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân chính thức được đưa vào vận hành khai thác. Đây được xem là “bộ não” của Tòa án số, với nhiệm vụ tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có trong ngành tòa án để bảo đảm vận hành thông suốt, công khai, minh bạch và dễ dàng theo dõi, giám sát.

Sau thời gian triển khai, hoạt động chuyển đổi số của ngành Tòa án đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Ngành Tòa án đã triển khai xây dựng nhiều nền tảng số trong quản lý hoạt động của ngành Tòa án nhân dân, như: các hoạt động tố tụng, quản lý công việc, công tác chỉ đạo điều hành, quản lý nhân sự, quản lý và lưu trữ hồ sơ vụ án, quản lý tài sản, họp, hội nghị trực tuyến, thống kê, tổng hợp, giám sát thông tin về tòa án trên không gian mạng và giám sát và điều hành hoạt động tòa án nhân dân.

Ngành tòa án đã đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm cung cấp dịch vụ tư pháp công theo hướng hiện đại, thuận lợi, tiết kiệm và công khai, minh bạch trên môi trường điện tử; triển khai nhiều dịch vụ tư pháp công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, với hơn 1,4 triệu bản án, quyết định được công bố và phục vụ hơn 180 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác.

Đặc biệt, tòa án các cấp đã triển khai xét xử trực tuyến mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội. Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, tòa án nhân dân các cấp đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án, tiết kiệm khoảng 100 tỷ đồng.

Trợ lý ảo ngành tòa án được đưa vào hoạt động như một công cụ giúp việc cho các thẩm phán.

Trợ lý ảo ngành tòa án được đưa vào hoạt động như một công cụ giúp việc cho các thẩm phán.

Ngành tòa án cũng bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán; đã tích hợp trên 168.000 văn bản, trên 1,4 triệu bản án, trên 24.000 câu giải đáp tình hình pháp lý. Đến nay, đã có trên 5,7 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000-15.000 lượt/ngày. Trợ lý ảo ngành tòa án được Viettel đưa vào hoạt động như một công cụ giúp việc cho các thẩm phán. Trợ lý ảo được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân. Trợ lý ảo đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cách làm việc trong ngành tòa án và đang được hướng tới để phục vụ toàn dân.

Mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành

Với những kết quả nổi bật đó, Tòa án Nhân dân Tối cao được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lựa chọn tổ chức Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp Bộ, ngành, diễn ra vào ngày 16/6/2024. Dự hội nghị có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đánh giá cao việc triển khai chuyển đổi số tại Tòa án Nhân dân Tối cao với những thành công bước đầu đáng ghi nhận. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thành công lớn nhất chính là việc chuyển đổi số đã trở thành công cụ làm việc hàng ngày của 12.000 cán bộ có chức danh tư pháp. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao việc Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trực tiếp làm dự án chuyển đổi số đầu tiên, trực tiếp chỉ đạo công cuộc chuyển đổi số ngành Tòa án là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số thành công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp Bộ, ngành, diễn ra vào ngày 16/6/2024.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp Bộ, ngành, diễn ra vào ngày 16/6/2024.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công tác xây dựng Tòa án điện tử luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp - là nhiệm vụ cấp thiết để hệ thống Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật, vào công lý và sự ưu việt của chế độ ta. Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành tòa án trong công tác chuyển đổi số. Theo Thủ tướng, những thành công trong chuyển đổi số của ngành tòa án góp phần quan trọng đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ công lý, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Phát huy những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành Tòa án tiếp tục phát huy mạnh mẽ chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử với tinh thần "5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng trong xây dựng tòa án điện tử và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin trong mọi tình huống; đẩy mạnh tạo lập dữ liệu số, phát triển nhân lực số, kỹ năng số và bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển tòa án điện tử; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong ngành Tòa án để mọi cán bộ, công chức, thẩm phán đồng lòng hưởng ứng tham gia tiến trình chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử.

Hoa Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so/chuyen-doi-so-nganh-toa-an-mot-chang-duong-nhin-lai-post1126656.vov