Chuyển đối số ngành Y: Lợi đơn lợi kép cho người bệnh lẫn bác sĩ và bệnh viện

Thời gian qua, chuyển đổi số trong ngành Y tế diễn ra mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, góp phần rút ngắn quá trình khám chữa bệnh mang đến sự hài lòng cho bệnh nhân, cũng như giảm tải áp lực công việc cho nhân viên y tế, bệnh viện.

Xây dựng bệnh viện thông minh

Với quyết tâm xây dựng y tế thông minh, ngành Y tế Phú Thọ là 1 trong 5 địa phương được vinh danh về thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số của ngành Y tế tỉnh Phú Thọ được triển khai đồng bộ hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh từ việc triển khai hồ sơ sức khỏe cá nhân, bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, giải quyết thủ tục hành chính trên mạng.

Để đạt được mục tiêu đó, từ sớm, Sở Y tế đã chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Đề án ứng dụng tổng thể CNTT trong ngành Y tế giai đoạn 2019-2025. Ngay sau khi đề án được phê duyệt, Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ CNTT và các cơ sở y tế trên địa bàn quyết liệt triển khai đồng bộ để thực hiện các mục tiêu.

Ứng dụng di động tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Ứng dụng di động tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Đến thời điểm này, công cuộc chuyển đổi số ngành Y tế của tỉnh Phú Thọ đã đạt được kết quả ấn tượng, với việc khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử cho trên 98% người dân trong tỉnh. Cùng đó, việc triển khai App Bill hồ sơ sức khỏe điện tử trên điện thoại di động thông minh hoặc qua thẻ khám chữa bệnh thông minh, người dân có thể đặt lịch khám bệnh, theo dõi thông tin sức khỏe liên tục, cũng như kết nối với các thầy thuốc, chuyên gia để được tư vấn sức khỏe, tự bổ sung hoàn thiện thông tin, dữ liệu sức khỏe cá nhân.

Về hoạt động khám chữa bệnh, 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện đã triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống thông tin xét nghiệm (phần mềm LIS), truyền tải, xử lý và lưu trữ hình ảnh không in phim (PACS); tích hợp các phần mềm trên với phần mềm bệnh án điện tử (EMR). Bên cạnh đó, các văn bản đi, đến, giao việc, từ tuyến huyện trở lên đều được xử lý trên mạng internet, 100% áp dụng chữ ký số.

Chia sẻ tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc cho biết, đến nay 18/18 Bệnh viện/Trung tâm Y tế công lập tuyến tỉnh/huyện và 1 bệnh viện tư nhân đã triển khai thành công Bệnh án điện tử, cơ bản bỏ bệnh án giấy. Ngành y tế tỉnh Phú Thọ đã triển khai quản lý kê đơn thuốc điện tử và bán thuốc theo đơn, 615 cơ sở và 2.428 người hành nghề dược được cấp mã liên thông; số đơn thuốc đã liên thông là gần 6,5 triệu đơn, qua đó, giúp cho việc quản lý chất lượng kê đơn thuốc, việc chấp hành bán thuốc theo đơn và xuất xứ, đường đi, giá cả, chất lượng của thuốc từng bước được minh bạch.

Toàn ngành đã triển khai liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử. Đến nay đã thực hiện kết nối liên thông gần 7,2 triệu bản ghi dữ liệu khám chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khám chữa bệnh giúp cán bộ, y bác sĩ chỉ cần tra cứu trên phầm mềm, mọi thông tin liên quan đến người bệnh đều có đầy đủ, từ tiền sử bệnh, những lần khám trước đó; thông tin thẻ BHYT được lưu trữ. Qua đó, rút ngắn thời gian tổng hợp, thống kê số liệu cho nhân viên y tế; việc báo cáo số liệu lên tuyến trên được thực hiện dễ dàng, kịp thời.

Ứng dụng PACS nhằm truyền tải, xử lý và lưu trữ hình ảnh không in phim được áp dụng tại các bệnh viện tỉnh Phú Thọ - Ảnh: Phạm Đăng

Ứng dụng PACS nhằm truyền tải, xử lý và lưu trữ hình ảnh không in phim được áp dụng tại các bệnh viện tỉnh Phú Thọ - Ảnh: Phạm Đăng

Mang đến sự hài lòng cho người dân

Nhằm giảm tải áp lực cho nhân viên y tế, cũng như tạo sự thuận lợi cho người dân đến khám chữa bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) triển khai mô hình “KCB sử dụng sinh trắc học, KIOSK tự phục vụ". Với mô hình này, người bệnh tự đăng ký khám bệnh và thanh toán phí đăng ký khám nhanh chóng và dễ dàng thông qua sử dụng thông tin CCCD gắn chip, nhận diện khuôn mặt.

Là người bị bệnh đái tháo đường mãn tính, anh Nguyễn Hoàng Minh (51 tuổi, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP Hà Nội) thường phải đi khám sức khỏe định kỳ. “Trước đây, tôi bị ám ảnh vì tình trạng xếp hàng chờ đợi và nhiều thủ tục hành chính mất rất nhiều thời gian. Nay với mô hình “KCB sử dụng sinh trắc học, KIOSK tự phục vụ" tôi chủ động được các thủ tục và giải quyết rất nhanh gọn, rút ngắn thời gian khám bệnh”, anh Minh chia sẻ.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là bệnh viện tuyến I của Hà Nội có quy mô 870 giường bệnh, hơn 1.100 nhân viên y tế, với số lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh mỗi ngày rất đông. Theo thống kê, năm 2022, 2023, trung bình mỗi năm số lượng bệnh nhân khám tại bệnh viện đạt hơn 560.000 lượt; trong đó trên 61.000 bệnh nhân điều trị nội trú, 16.000 ca phẫu thuật.

Bệnh nhân được hướng dẫn đăng ký khám bệnh tự động tại mô hình KIOSK tự phục vụ Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) - Ảnh: Thanh Bình

Bệnh nhân được hướng dẫn đăng ký khám bệnh tự động tại mô hình KIOSK tự phục vụ Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) - Ảnh: Thanh Bình

Nhằm giảm tải áp lực cho nhân viên y tế, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho bệnh nhân, từ tháng 9/2023, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đưa vào sử dụng hệ thống 5 kiosk đăng ký khám bệnh tự động sử dụng CCCD gắn chip và nhận diện khuôn mặt. Đến nay, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 lượt người bệnh đăng ký khám bệnh và thanh toán qua kiosk. Dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ có khoảng 90% người dân sử dụng kiosk trong đăng ký khám bệnh và thanh toán viện phí tại bệnh viện.

Ngoài kiosk đăng ký khám bệnh tự động, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng đã phát triển kho dữ liệu hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành: App khám bệnh, bệnh án điện tử, app điều dưỡng, ứng dụng AI trong nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh.

Chuyển đổi số được đánh giá là một trợ thủ đắc lực đối với toàn bộ nhân viên y và dược, cũng như giúp người dân giảm bớt các thủ tục phiền hà khi đến bệnh viện. Ngày 22/12/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5316/QĐ-BYT phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, các hoạt động chuyển đổi số y tế đã đưa ra các nội dung về phát triển nền tảng cho chuyển đổi số trong ngành y tế, phát triển kinh tế số trong ngành y tế và phát triển xã hội số trong ngành y tế.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và giám định thanh toán bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh từ xa, đến nay đã kết nối liên thông 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); hầu hết bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS); nhiều bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim; hệ thống telehealth đã kết nối tới tất cả cơ sở y tế tuyến huyện.

Hòa Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so/chuyen-doi-so-nganh-y-loi-don-loi-kep-cho-nguoi-benh-lan-bac-si-va-benh-vien-post1125630.vov