Chuyển đổi số thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch bền vững

Chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch nói riêng là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là vấn đề mang tính chiến lược được đặt ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 khiến cách thức tiếp cận du lịch thay đổi. Nắm bắt xu thế đó, ngành du lịch Ninh Bình đã và đang tích cực triển khai 'du lịch số'. Đây được xem như đòn bẩy thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững hơn. Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch về vấn đề này.

Các đại biểu huyện Hoa Lư và khách du lịch trải nghiệm quét mã QR giới thiệu về Đền Thái Vi (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư). Ảnh: Thái Học

Các đại biểu huyện Hoa Lư và khách du lịch trải nghiệm quét mã QR giới thiệu về Đền Thái Vi (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư). Ảnh: Thái Học

Phóng viên: Thưa đồng chí, tại sao lại khẳng định chuyển đổi số góp phần thúc đẩy ngành Du lịch phục hồi và phát triển bền vững?

Đ/c Phạm Duy Phong: Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn trở lại với giai đoạn năm 2020 khi dịch COVID-19 mới bùng phát. Mặc dù khách không thể đi du lịch, thế nhưng trên nền dữ liệu sẵn có, các nhân sự ngành Du lịch vẫn tương tác với khách để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu để giới thiệu và xây dựng các sản phẩm phù hợp. Tại các điểm đến cũng định hình và tích cực chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho khách hàng như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật... Ngược lại chuyển đổi số cũng giúp du khách không cần phải mất nhiều thời gian đi lại mà vẫn có thể tiếp cận dịch vụ, thông tin du lịch một cách đa dạng với chất lượng tốt nhất.

Chuyển đổi số cũng khiến nhiều doanh nghiệp, đơn vị hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… đồng thời du khách có thể gửi phản ánh về chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý. Qua đó thực hiện hài hòa mục tiêu phát triển du lịch với phòng, chống dịch, hướng tới sự hài lòng của du khách và thúc đẩy ngành du lịch Ninh Bình phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Nhờ tích cực chuyển đổi số, nhanh nhạy nắm bắt thị trường và đổi mới sản phẩm, năm 2022 ngành Du lịch Ninh Bình đã "phá băng", phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Toàn tỉnh đã đón hơn 3,6 triệu lượt khách tham quan, vượt xa mục tiêu đề ra là 2,5 triệu lượt. Doanh thu ước đạt 3.450 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2021. Hiện nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến phải liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại. Từ việc nâng cao năng lực quản lý, tiếp cận khách hàng đến việc làm sao để đổi mới các sản phẩm du lịch. Chính những yêu cầu này, khiến các doanh nghiệp, đơn vị phải đầu tư, xây dựng những chiến lược để phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững trong tương lai.

Phóng viên: Đồng chí có thể khắc họa một số kết quả nổi bật của "bức tranh" chuyển đổi số mà ngành Du lịch Ninh Bình đã đạt được trong thời gian qua?

Đ/c Phạm Duy Phong: Thời gian qua, ngành Du lịch Ninh Bình đã tập trung triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyển đổi số. Có thể kể đến những kết quả nổi bật trong "bức tranh" chuyển đổi số của ngành như: xây dựng hệ thống thông tin số du lịch tỉnh Ninh Bình phục vụ công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra giám sát hoạt động du lịch, tuyên truyền quảng bá, hỗ trợ khách du lịch.

Ngành đã triển khai phần mềm tiện ích du lịch thông minh; hệ thống wifi hỗ trợ các ứng dụng du lịch thông minh, các ki-ốt du lịch hỗ trợ khách tại các khu, điểm du lịch chính trên địa bàn tỉnh; phần mềm ứng dụng hướng dẫn viên du lịch ảo tích hợp trên nền tảng website và thiết bị di động.

Đồng thời thực hiện số hóa 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở Du lịch còn xây dựng các chiến dịch quảng bá du lịch qua mạng xã hội, hướng đến các thị trường mục tiêu, tiềm năng của du lịch Ninh Bình. Đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch trên các nền tảng số; ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch.

Giới thiệu các sản phẩm du lịch Ninh Bình tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022. Ảnh: Minh Đường

Phóng viên: Mặc dù "bức tranh" chuyển đổi số của ngành đã có nhiều gam màu tươi sáng. Song theo đánh giá, công tác chuyển đổi số nói chung vẫn còn hạn chế, chưa đồng nhất và phát huy hết lợi thế. Vậy những khó khăn nào dẫn đến hạn chế này, thưa đồng chí?

Đ/c Phạm Duy Phong: Sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp du lịch đối diện với sự thiếu hụt nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ và nhân lực. Các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới dẫn đến vấn đề chi phí đầu tư bước đầu khá lớn. Chi phí đó bao gồm chi phí cho hạ tầng công nghệ, thay đổi hệ thống quản lý, con người, hệ thống đào tạo. Bên cạnh đó việc thiếu hụt các dữ liệu cần thiết như báo cáo, phân tích thông tin… hay năng lực quản lý còn hạn chế, việc ứng dụng công nghệ cũng trở thành những thách thức vô cùng lớn với nhiều doanh nghiệp du lịch.

Ngoài ra, nguồn nhân lực trong công tác chuyển đổi số chưa được đồng đều về trình độ, khả năng sử dụng công nghệ thông tin. Tính sáng tạo, đổi mới trong công tác còn thấp. Việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo chỉ đạo của cấp trên có lúc chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện chuyển đổi số đôi khi còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ, nhịp nhàng.

Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ những mục tiêu trong thời gian tới để nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững hơn?

Đ/c Phạm Duy Phong: Thời gian tới, để nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững ngành Du lịch, chúng tôi sẽ tập trung 3 mục tiêu chiến lược.

Thứ nhất, xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất giúp kết nối, liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp.

Thứ hai, tập trung hệ tài nguyên số, dữ liệu số dùng chung, cung cấp dữ liệu mở phục vụ cơ quan quản lý hoạch định chính sách; giúp doanh nghiệp mở rộng khả năng tiếp cận thị trường thương mại điện tử và nâng cao hiệu quả kinh doanh; cung cấp thông tin cập nhật và tin cậy đáp ứng nhu cầu của du khách và công chúng.

Thứ ba, gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến cho du khách nhiều tiện lợi, từ việc tìm thông tin, lên ý tưởng tới việc đặt, giao dịch và thanh toán điện tử.

Để hoàn thành được mục tiêu trên, ngành sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, thu hút sự tham gia của các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch. Qua đó thúc đẩy ngành Du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ và khẳng định vị thế là ngành "công nghiệp không khói" mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Minh Hải (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-doi-so-thuc-day-phuc-hoi-va-phat-trien-du-lich-ben/d202303310819368.htm