Chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới

Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chất lượng trong việc cung cấp dịch vụ công, giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng độ tin cậy và sự chính xác của thông tin cũng như ngăn ngừa các nguy cơ an ninh quốc gia, an ninh cộng đồng… Chính vì vậy, đã tạo nên những bước tiến đáng kể trong việc hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước tại 153 cửa khẩu, cảng biển trên biên giới đất liền và biên giới biển, góp phần thúc đẩy hoàn thành kết nối Một cửa Quốc gia, Một cửa ASEAN...

Lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát đối với tàu, thuyền neo đậu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: P.V.A

Lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát đối với tàu, thuyền neo đậu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: P.V.A

Bước đột phá trong kiểm soát cửa khẩu đất liền

Cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là một trong những cửa khẩu có mật độ người, phương tiện xuất nhập cảnh, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu cao trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Song, như chúng tôi cảm nhận, hiện nay, hoạt động nghiệp vụ của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu này diễn ra rất thuận lợi và thông thoáng. Có được điều đó là nhờ ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại hiện đang được triển khai tại 117 đơn vị cửa khẩu tuyến biên giới đất liền. Trong đó, phải kể đến tính ưu việt của ứng dụng Cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động gắn với hệ thống camera giám sát và ứng dụng Phần mềm quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh theo mô hình tập trung cơ sở dữ liệu.

Với ứng dụng Cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động gắn với hệ thống camera giám sát, hệ thống được tích hợp những công nghệ hiện đại như nhận dạng sinh trắc học bằng vân tay và hình ảnh, tự động hóa các bước trong quy trình thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh. Thời gian làm thủ tục cho một hành khách từ 30 giây giảm xuống chỉ còn 7 - 12 giây, vừa lưu trữ được dữ liệu, hình ảnh của hành khách phục vụ công tác nghiệp vụ, tạo được hình ảnh hiện đại của cửa khẩu, đáp ứng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt là gần đây, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phối hợp triển khai thử nghiệm kiểm soát mã vạch đối với Giấy thông hành cư dân biên giới tuyến Việt Nam - Trung Quốc cũng mang lại hiệu quả rất đáng ghi nhận. Bà Nguyễn Thị Trạm, phường Ka Long, thành phố Móng Cái là người thường xuyên qua lại biên giới cho biết, người dân biên giới hết sức ủng hộ bởi sự nhanh chóng, tiện lợi khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu theo công nghệ mới.

Với hình thức này, cư dân biên giới đăng ký thông tin nhân thân vào hệ thống và sẽ được mã hóa dưới dạng mã vạch rồi dán lên Giấy thông hành. Cán bộ làm thủ tục sử dụng đầu đọc mã vạch để đọc thông tin của khách và nhập vào phần mềm kiểm soát xuất nhập cảnh, thực hiện 10 ngày kiểm chứng một lần; do đó, rút ngắn thời gian làm thủ tục từ 1 phút xuống còn 15 - 20 giây/người, không bị sai sót trong quá trình nhập dữ liệu.

Trong kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, ngành Hải quan cũng đã chủ động, quyết liệt trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, đầu tư trang bị một hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với 1.300 máy chủ các loại, hơn 10.500 máy trạm cùng các thiết bị máy móc đảm bảo điều kiện làm việc của công chức.

Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn cho biết, tại cửa khẩu, các ứng dụng công nghệ nói chung và hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS được giám sát, quản lý, vận hành ổn định, an ninh, an toàn 24/7 đã mang lại hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi tối đa và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi làm thủ tục tại cửa khẩu.

Đồng thời, nhiều trang bị hiện đại khác như bộ đồ kiểm tra phương tiện CT-30 và máy soi quét X-Quang tán xạ ngược cũng được trang bị cho các cửa khẩu trọng điểm. Các hệ thống này được sử dụng để kiểm soát các loại phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa thông quan qua cửa khẩu khi có biểu hiện nghi vấn nhằm phát hiện hành vi cất giấu vũ khí, ma túy hoặc các loại hàng cấm tại những vị trí khó tiếp cận, vị trí các đối tượng sử dụng những cách thức tinh vi để cất giấu khi xuất, nhập cảnh.

“Cơ chế một cửa liên thông” tại cảng biển

Tại cảng Hải Phòng, với mật độ khoảng 50 chuyến tàu ra vào cảng mỗi ngày, song, hoạt động phối hợp của các đơn vị cảng vụ hàng hải, biên phòng, hải quan, thuế vụ, kiểm dịch y tế... vẫn hết sức nhịp nhàng.

Ông Nghiêm Quốc Vinh, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, từ khi áp dụng “Cơ chế một cửa liên thông” đã góp phần bảo đảm công khai, minh bạch về thủ tục hành chính, tránh phiền hà, chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng. Việc triển khai thí điểm công tác kiểm soát các loại giấy phép bằng công nghệ in mã vạch 2D, đã rút ngắn thời gian kiểm soát, đăng ký từ 2 - 3 phút/người xuống còn khoảng 30 giây/người.

Ông Phạm Ngọc Mạnh, Đại lý hãng tàu Viconship chia sẻ rằng, nếu như trước đây, khi làm thủ tục cho 1 chuyến tàu đến, rời cảng theo phương thức thủ công bằng hồ sơ giấy, người làm thủ tục phải mất từ 3 đến 5 giờ xuống tàu tiếp nhận hồ sơ và đến trụ sở cảng vụ hàng hải khai báo và chờ hoàn thành thủ tục Biên phòng thì hiện nay, người làm thủ tục có thể thực hiện khai báo và nhận kết quả hoàn thành thủ tục biên phòng tại bất cứ địa điểm nào có Internet và cùng một lúc có thể thực hiện thủ tục cho nhiều tàu. Các thủ tục được hoàn thành trước khi tàu đến cảng, rời cảng, thời gian chờ đợi làm thủ tục đối với tàu thuyền xuất nhập cảnh bằng 0, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chờ hoàn kết quả, tiết kiệm chi phí neo đậu, hao mòn máy móc phương tiện của chủ tàu, giải phóng tàu nhanh.

Cũng như cảng Hải Phòng, việc kết nối Cơ chế một cửa quốc gia được xem là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính tại 34 cửa khẩu cảng biển và 2 cảng thủy nội địa trên cả nước, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi chủ trương thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại cảng biển của Chính phủ. Đồng thời, vẫn đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn và khuyến nghị của Công ước FAL 65 về tạo thuận lợi cho hoạt động hàng hải quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, nâng cao năng lực kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cảng biển trong giai đoạn hiện nay.

Ước tính, từ năm 2016 đến nay, thông qua “Cơ chế một cửa liên thông”, tổng số tàu, thuyền xuất nhập cảnh, quá cảnh là gần 80.000 lượt, tổng số người xuất nhập cảnh là trên 3 triệu lượt. 100% hãng tàu, chủ tàu đã tiến hành kê khai thủ tục trên hệ thống mạng điện tử quốc gia. Công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ, phong cách, đạo đức cũng như kỹ năng sử dụng trang bị kỹ thuật, quy trình kiểm tra, kiểm soát, xử lý vụ việc cho đội ngũ cán bộ cảng vụ, hải quan, biên phòng... làm nhiệm vụ tại cảng biển cũng hết sức được chú trọng.

Có thể thấy rằng, chuyển đổi số, hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước là một quá trình thay đổi đồng bộ cả về hạ tầng vật chất và ý thức con người. Từ những đột phá trong cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin tại các cửa khẩu, cảng biển, đã thu hút được khách du lịch, nhà đầu tư đến Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, an ninh, quốc phòng của đất nước.

Chính vì thế, các ngành chức năng cần tiếp tục chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, từng bước đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cấp các phần mềm quản lý tiệm cận với mặt bằng chung của thế giới, nâng cao năng lực kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, cảng biển nhằm giám sát chặt chẽ an ninh chính trị và an toàn, trật tự tại các cửa khẩu, cảng biển, song, vẫn đảm bảo tuân thủ thực hiện đầy đủ các hiệp định song phương và đa phương trong các lĩnh vực của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-post438100.html