Chuyển đổi xanh: Cơ hội cho những doanh nghiệp tiên phong

Chuyên gia kinh tế cho rằng, trong xu hướng thương mại xanh toàn cầu, doanh nghiệp nào chủ động triển khai chuyển đổi xanh từ sớm sẽ tiết giảm được nhiều chi phí, bảo vệ sức cạnh tranh và đặt nền móng bền vững cho tương lai.

IMC hợp tác với Risen Enegy phát triển điện mặt trời. Ảnh: Vũ Huyền

IMC hợp tác với Risen Enegy phát triển điện mặt trời. Ảnh: Vũ Huyền

Chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng

Trong một chia sẻ với báo giới, ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng. Các doanh nghiệp (DN) châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng này. Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư đã phải tạm ngưng mở rộng vì chưa đáp ứng được nhu cầu về nguồn năng lượng tái tạo.

Trên thế giới, nhu cầu tiêu dùng xanh với đòi hỏi ngày càng cao về tiêu chuẩn môi trường, giảm thiểu dấu vết carbon trong sản phẩm đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài chủ động chuyển đổi sản xuất xanh.

Đó là lý do các nhà đầu tư khi đến Việt Nam luôn đặt câu hỏi về năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh. Các nhà đầu tư đã vào Việt Nam cũng muốn chuyển đổi để trở nên “xanh” hơn. Đồng thời, các DN trong chuỗi cung ứng cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đều phải tuân thủ những yêu cầu “xanh hóa” sản xuất như cắt giảm phát thải, tiết kiệm nước, tài nguyên; thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường.

Chính vì vậy, việc Việt Nam cam kết mạnh mẽ về phát thải carbon tại COP26, đưa phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 đã tạo được sức hút mới cho các nhà đầu tư. Chia sẻ tầm nhìn và đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu Net Zero, DN Việt đang bước vào cuộc đua chuyển đổi xanh với nhiều dự án, sáng kiến cụ thể về giảm phát thải, chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Cuộc đua Net Zero tại Việt Nam

Trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, việc chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN), hướng tới phát thải ròng bằng 0 có ý nghĩa đặc biệt. Từ 2015 - 2019, Việt Nam đã thí điểm triển khai dự án chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái tại 5 tỉnh, thành phố. 72 DN tham gia chương trình đã áp dụng hơn 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm được 76 tỷ đồng/năm thông qua việc cắt giảm năng lượng tiêu thụ, các tài nguyên, vật liệu.

Tuy nhiên, với 403 KCN đang hoạt động trên toàn quốc, việc thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái sẽ phải huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân.

Trong những năm qua, Công ty CP Dịch vụ quản lý vận hành KCN IMC - thành viên trực thuộc hệ sinh thái của TNG Holdings Vietnam - đã triển khai định hướng vận hành “KCN xanh”. Với lợi thế là đơn vị quản lý của 14 KCN trên toàn quốc, IMC đang nỗ lực thúc đẩy các mô hình cộng sinh dựa trên nội hàm của kinh tế tuần hoàn, với nguyên tắc: “Tái chế - Đa dạng - Sử dụng năng lượng xanh - Nền tảng sinh học”.

Năm 2022, IMC đã ký MOU (thỏa thuận hợp tác) với hàng loạt đối tác lớn về điện mặt trời áp mái như Green Yellow, Shire Ork International Vietnam và Risen Việt Nam. Đây là khởi đầu hỗ trợ các DN trong KCN do IMC quản lý chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.

IMC là một trong những những đơn vị tiên phong của TNG Holdings Vietnam trong cuộc đua hướng tới mục tiêu Net Zero. Sứ mệnh vì một cuộc sống thuận ích đã dẫn dắt TNG Holdings Vietnam đến với chuyển đổi xanh. Hiện tại tập đoàn đang tăng tốc chuyển đổi xanh kết hợp cùng chuyển đổi số trên các lĩnh vực hoạt động từ quản lý, kinh doanh và phát triển bất động sản, cho thuê bất động sản, thương mại dịch vụ đến khách sạn và khu nghỉ dưỡng, năng lượng.../.

Vũ Huyền

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chuyen-doi-xanh-co-hoi-cho-nhung-doanh-nghiep-tien-phong-134996-134996.html