Chuyển động thị trường: Giá vàng thế giới tăng bất chấp nhiều yếu tố tác động
Tuần qua, giá vàng thế giới đã tăng 1,8% do nhu cầu nơi tài sản an toàn gia tăng giữa bối cảnh căng thẳng Trung Đông và kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất khiến kim loại này hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.
Thị trường vàng thế giới tuần này có những phiên tăng giảm bất nhất. Tuy vậy, tính chung cả tuần, giá vàng thế giới đã tăng 1,8% do nhu cầu nơi tài sản an toàn gia tăng giữa bối cảnh căng thẳng Trung Đông và kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất khiến kim loại này hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Giá vàng thế giới giảm trong phiên cuối tuần 2/8 do hoạt động bán ra chốt lời được kích hoạt sau khi giá kim loại quý này tăng hơn 1% lúc đầu phiên nhờ hy vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vì số liệu việc làm yếu hơn dự kiến.
Khoảng 1 giờ 34 phút sáng ngày 3/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng giảm 0,5% xuống còn 2.432,19 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4% xuống còn 2.4769,8 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023 và đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2024 sau dữ liệu cho thấy số người có việc làm ít hơn dự báo trong tháng 7/2024, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%.
Số liệu này được đưa ra sau các bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng lãi suất có thể được cắt giảm ngay từ tháng 9/2024 nếu nền kinh tế Mỹ đi theo lộ trình dự kiến.
Trong phiên đầu tuần 29/7, giá vàng thế giới đi xuống trước đà tăng của đồng USD khi các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của Fed để có thêm tín hiệu về đợt cắt giảm lãi suất.
Nhà phân tích Edward Meir của công ty dịch vụ tài chính Marex cho rằng thị trường chịu tác động do đồng USD mạnh hơn và số liệu cho thấy lượng tiêu thụ vàng tại Trung Quốc giảm. Phiên này, đồng bạc xanh đã tăng khoảng 0,3% lên mức cao nhất trong hơn hai tuần so với các đồng tiền khác, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Lượng vàng tiêu thụ tại Trung Quốc, quốc gia có nhu cầu vàng cao hàng đầu thế giới, đã giảm 5,6% trong nửa đầu năm 2024. Điều này là do nhu cầu đối với đồ trang sức bằng vàng sụt giảm, dù nhu cầu mua vàng thỏi và tiền xu gia tăng.
Tuy nhiên, xung đột leo thang tại Trung Đông vẫn là nhân tố hỗ trợ nhu cầu mua vàng, vốn được biện pháp phòng ngừa rủi ro địa chính trị.
Nhờ hy vọng Fed sẽ phát tín hiệu hạ lãi suất, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 1% trong phiên 30/7. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.
Giá vàng thế giới tiếp tục đà tăng trong phiên 31/7, trong đó chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn tại công ty dịch vụ giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures cho biết việc Fed cắt giảm lãi suất cùng với rủi ro địa chính trị ở Trung Đông có khả năng đẩy giá vàng lên tới 2.700 USD/ounce.
Trong phiên này, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất, song Chủ tịch Powell đã khơi dậy hy vọng của các nhà đầu tư về khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 khi cho biết các nhà hoạch định chính sách đang ngày càng tự tin hơn rằng lạm phát đang dần tiến tới mục tiêu 2%.
Nhà giao dịch kim loại độc lập Tai Wong tại New York cho biết giá vàng và bạc đang tăng cao khi những bình luận của Chủ tịch Powell cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 là rất cao. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản sẽ khó có khả năng xảy ra. Giới phân tích cho rằng vẫn còn phải chờ xem liệu giá vàng có thể đạt mức cao kỷ lục mới hay không khi những hành động của Fed gần đây tương tự như đồn đoán của thị trường.
Một yếu tố khác thúc đẩy tài sản trú ẩn an toàn là nguy cơ căng thẳng leo thang ở Trung Đông sau khi thủ lĩnh lực lượng Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát vào sáng sớm ngày 31/7 tại Iran.
Sang phiên 1/8, giá vàng thế giới hạ nhiệt trước sự mạnh lên của đồng USD, khi tâm điểm thị trường chuyển sang số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ. Đồng USD tăng 0,3% sau khi giảm trong phiên trước, khi động thái của các ngân hàng trung ương tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ.
Theo báo cáo được Bộ Lao động công bố ngày 2/8, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 7/2024 đã tăng lên gần mức cao nhất trong ba năm do hoạt động tuyển dụng chậm lại đáng kể, làm gia tăng lo ngại thị trường lao động đang xấu đi và có khả năng khiến nền kinh tế bị suy thoái.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 7/2024 đã tăng tháng thứ tư liên tiếp lên mức 4,3%, từ mức 4,1% của tháng 6.
Thị trường lao động đang chậm lại, do hoạt động tuyển dụng yếu, trong bối cảnh chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Fed gây áp lực lên nhu cầu. Lĩnh vực phi nông nghiệp đã tạo thêm 114.000 việc làm trong tháng 7, thấp hơn nhiều mức dự báo được nhiều nhà kinh tế đưa ra trước đó là 175.000 việc làm. Số liệu của tháng 6 cũng được điều chỉnh giảm còn 179.000 việc làm được tạo ra, thay vì 206.000 việc làm như báo cáo ban đầu.
Báo cáo của Bộ Lao động cũng cho thấy tăng trưởng tiền lương trong tháng 7 đã chậm lại đáng kể, đạt mức thấp nhất trong hơn ba năm, qua đó củng cố kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Thu nhập trung bình theo giờ của người lao động Mỹ tăng 0,2% trong tháng 7, sau khi tăng 0,3% trong tháng 6. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 7, tiền lương đã tăng 3,6%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 5/2021, sau khi tăng 3,8% trong tháng 6.
Mặc dù mức tăng trưởng tiền lương vẫn cao hơn phạm vi 3% - 3,5% được coi là phù hợp với mục tiêu lạm phát 2% của Fed, nhưng các số liệu mới của thị trường lao động cung cấp những tín hiệu tích cực đối với cuộc chiến chống lạm phát của Fed.
Trong khi đó, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương và nhu cầu vật chất ở châu Á vẫn yếu. Các chuyên gia của ngân hàng Citi dự đoán nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương sẽ vẫn cao trong năm 2024-2025, dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) đã không mua vàng trong tháng Năm và tháng Sáu.