Chuyện gì đã xảy ra trong thảm họa sập cầu 141 người chết ở Ấn Độ
Thảm kịch sập cầu làm ít nhất 141 người thiệt mạng ở thị trấn Morbi lại khiến giới chức suy ngẫm nguyên nhân Ấn Độ một lần nữa phải đối diện với sự cố cơ sở hạ tầng lớn đến vậy.
Mọi người đổ xô đến cây cầu treo mới lưu thông trở lại cách đây không lâu vào một buổi tối chủ nhật trong mùa lễ hội lớn nhất Ấn Độ. Họ bỏ tiền ra mua vé với giá tương đương 5.000 VNĐ để trải nghiệm cảm giác bước qua sông Machchhu ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ.
Cây cầu dài 230 m được xây dựng từ thời Victoria từ lâu đã là điểm thu hút khách du lịch. Cây cầu chật cứng người vào ngày hôm đó. Và giống như nhiều người khác từng làm, một số người trên cầu giang cánh tay, nắm lấy lưới màu xanh ở hai bên và rung lắc cây cầu.
Dây cáp bị đứt, khiến mọi người rơi xuống sông. Giữa vùng nước tối, một số cố bơi tới bám lấy phần lưới của cây cầu. Nhiều người bị cuốn trôi.
Tính tới ngày 1/11, sau 3 ngày tìm kiếm, số người chết trong vụ sập cầu đã tăng lên tới 141, theo BBC. Nhiều nạn nhân là học sinh đi nghỉ trong kỳ nghỉ lễ Diwali và công nhân nhập cư ăn mừng lễ hội của người Hindu.
New York Times nhận định thảm kịch này khiến Ấn Độ một lần nữa đặt câu hỏi tại sao cơ sở hạ tầng của nước này lại liên tục gặp sự cố lớn tới như vậy.
Hàng trăm người chen chúc
Giới chức cho hay họ tin có khoảng 200 người ở trên cây cầu vào thời điểm nó bị sập. Các hoạt động tìm kiếm vẫn tiếp tục trong ngày 1/11, và giới chức cho rằng hiện chỉ còn một người đang mất tích.
Tuy nhiên, cư dân địa phương tại hiện trường hôm cây cầu bị sập khẳng định có hơn 200 người trên cầu, và họ lo ngại số người chết sẽ còn tăng hơn nữa.
“Cảnh tượng đó vẫn đang quay cuồng trong đầu tôi. Những thi thể nằm la liệt, họ được đưa ra ngoài. Mọi người hét lên: ‘Cứu tôi, cứu tôi, cứu tôi với’”, một người sống sót tên Mahesh Bhai kể lại khi đang nằm trên giường bệnh. Anh nằm trong số hàng chục người bị thương trong vụ sập cầu nhưng may mắn sống sót.
Cây cầu là một trong số các điểm tham quan ở thị trấn Morbi cổ kính, nơi có ngành công nghiệp gạch men thu hút công nhân từ khắp Ấn Độ. Hồi tháng 3, nhà sản xuất đồng hồ và thiết bị điện tử tại địa phương - Ajanta Manufacturing - chịu trách nhiệm cho hoạt động tu sửa cây cầu.
Ở Ấn Độ, người sáng lập của Ajanta, Odhavaji Patel, được biết đến là “cha đẻ của đồng hồ treo tường”. Công ty ông điều hành trước khi qua đời cũng sản xuất bóng đèn và kem đánh răng. Hiện chưa rõ liệu Ajanta kinh nghiệm vận hành cầu trước khi tiếp nhận cây cầu này hay không.
Sau khi giành được hợp đồng, Ajanta, còn có tên là Oreva Group, đã có 7 tháng để sửa chữa cây cầu này. Cây cầu mới chỉ mở cửa vào hôm 26/10, trùng với lễ Gujarati.
Cách đây một thập niên, Devyesh Pithva từng gặp vợ mình trên cây cầu này. Đây thường là nơi các cặp tình nhân trẻ gặp gỡ để tránh ánh mắt dò xét của cha mẹ. Anh đã đến cây cầu hôm 28/10 - 2 ngày trước khi thảm kịch xảy tới.
Anh cho biết ngày hôm đó phải có tới 500 người chen chúc trên cây cầu. Anh đợi vắng người khoảng 20 phút để có thể chụp ảnh cùng gia đình.
“Bạn thực sự còn nghe được cả tiếng thở của mọi người, nó rất chật”, anh nói. “Tôi có tình cảm gắn bó với cây cầu này nên khi biết tin, tôi cảm thấy suy sụp”.
Lại là một thảm họa "nhân tạo"?
Hôm 31/10, phương án điều tra chuyển sang cách Ajanta giành được hợp đồng và công ty này có quan hệ thế nào với đảng Bharatiya Janata cầm quyền. Theo cảnh sát trưởng Yadav, 9 người - gồm 2 giám đốc công ty, 2 nhân viên soát vé, 2 thợ sửa cầu và 3 nhân viên bảo vệ - đã bị bắt giữ với cáo buộc hình sự.
Arjun Modhwadia, thành viên đảng Quốc đại Ấn Độ và là cựu lãnh đạo phe đối lập ở Gujarat, cho hay cây cầu được mở mà không có giấy chứng nhận hay được chính quyền cho phép.
Trong khi đó, Yamal Vyas - phát ngôn viên BJP ở bang Gujarat - nói chính phủ đã chỉ định ủy ban điều tra thảm họa. Thủ tướng Ấn Độ Modi - người đang vận động ở bang Gujarat trước cuộc bầu cử quốc hội - đã hủy bỏ một vài sự kiện còn lại trong tuần này.
“Đảng Quốc đại muốn chính trị hóa mọi thứ”, ông Vyas nói.
Ajanta cho rằng lỗi thuộc về nạn nhân. “Quá nhiều người ở khu vực giữa cầu cố gắng lắc lư từ bên này sang bên kia”, Indian Express dẫn lời phát ngôn viên công ty cho hay.
Hiện chưa rõ lý do công ty cho phép nhiều người lên cầu cùng một lúc như vậy. Ajanta không trả lời yêu cầu bình luận từ New York Times.
“Cây cầu treo này là kho báu lịch sử của Morbi”, chủ tịch công ty Jaysukh Patel phát biểu trong họp báo hôm 31/10. Ông cho biết thêm Ajanta đã thuê một nhà thầu phụ có kinh nghiệm sửa chữa cây cầu nhằm đáp ứng “các thông số kỹ thuật” và nhiều yêu cầu khác.
Nếu giống như trong quá khứ, New York Times cho hay có thể không có công ty hoặc quan chức thành phố nào phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng. Những lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng do quá tải là điều phổ biến ở Ấn Độ và hiếm khi có đối tượng phải giải trình hoặc thay đổi.
Hợp đồng xây dựng thường được trao cho người thân hoặc cộng sự các nhà lãnh đạo chính trị. Họ thường lập kế hoạch chắp vá, công tác giám sát tại chỗ còn yếu, các biện pháp an toàn lộn xộn, theo New York Times.
Khi có sai sót, các quan chức đề nghị bồi thường bằng tiền mặt. Vào hôm 30/10, vài giờ sau khi thảm kịch xảy ra, Thủ hiến bang Gujarat, Bhupendra Patel, thông báo bồi thường 4.800 USD cho mỗi gia đình có người thiệt mạng và khoảng 600 USD cho người bị thương.
Suốt thập niên qua, tại Ấn Độ, hàng trăm người đã thiệt mạng vì cơ sở hạ tầng có trục trặc.
Năm 2013, khi cảnh sát không kiểm soát được tình hình trên một cây cầu ở bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ, một trong những lan can của cây cầu đã bị gãy, cướp đi sinh mạng của hơn 100 người.
Năm 2014, cây cầu vượt đang được xây dựng ở Gujarat bị sập khiến ít nhất 10 người thiệt mạng. Cuộc điều tra của cảnh sát kết luận cả khâu thiết kế lẫn vật liệu xây dựng đều có vấn đề.
Năm 2016, một phần của cây cầu vượt chưa hoàn thành - vốn xây dựng trong hơn 7 năm ở thành phố Kolkata - đã rơi xuống một con phố đông đúc, khiến hơn 20 người thiệt mạng. Cùng năm đó, ít nhất 42 người chết trong vụ sập cầu ở bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ.
Hôm 31/10, Randeep Surjewala - nhà lập pháp đảng Quốc đại - dùng chính tuyên bố năm 2016 của giới chức trách trước đó để chỉ trích, gọi vụ sập cầu mới nhất là "thảm họa nhân tạo".