Chuyện gì đang xảy ra với ký túc xá đại học ở Hàn Quốc?

Một số trường đại học ở Hàn Quốc khủng hoảng vì thiếu sinh viên ở ký túc xá, do nhiều người cảm thấy không thoải mái vì sống chung với người khác.

 Nhiều sinh viên Hàn Quốc không còn mặn mà với ký túc xá. Ảnh: 10 Magazine Korea.

Nhiều sinh viên Hàn Quốc không còn mặn mà với ký túc xá. Ảnh: 10 Magazine Korea.

Từ học kỳ trước, Lee, 26 tuổi, sinh viên Đại học Quốc gia Seoul, dọn đồ rời khỏi ký túc xá vì mâu thuẫn với bạn cùng phòng.

Do rào cản ngôn ngữ với 3 người bạn là sinh viên quốc tế, Lee không thể trao đổi về những quy tắc khi sống chung. Hơn một tháng qua, anh chỉ về phòng để thay quần áo, sau đó tắm và ngủ lang bạt trong khuôn viên trường.

Mệt mỏi vì sống ở ký túc xá

Lee không phải trường hợp duy nhất cảm thấy chật vật khi sống ở ký túc xá. Kim, 29 tuổi, sinh viên Đại học Quốc gia Seoul, cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Sau một thời gian sống phòng đôi ở ký túc xá, sinh viên này cân nhắc về việc sống riêng vì mâu thuẫn với bạn cùng phòng. Cuối cùng, anh vẫn phải ở lại vì chi phí thuê phòng trọ quá cao.

"Tôi thường ngủ sớm, dậy sớm nhưng bạn cùng phòng lại ngủ muộn, dậy muộn. Vì thế, buổi sáng, tôi phải rất im lặng", Kim nói với Korea JoongAng Daily.

Nói về những bất tiện khi ở ký túc xá, Shim Sung-min, sinh viên 20 tuổi, cho biết ký túc xá đại học không có dụng cụ nấu nướng, tủ lạnh hay lò vi sóng.

Shim không gặp vấn đề với bạn cùng phòng, nhưng vấn đề ăn uống khiến anh phải suy nghĩ lại chuyện sống ở ký túc xá. Nam sinh nói đang nghĩ đến chuyện ra riêng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Ngoài 2 vấn đề trên, một số sinh viên không muốn sống ở ký túc xá vì quy định quản lý quá lỗi thời, không phù hợp với lối sống sinh viên hiện đại.

Một đại lý bất động sản ở Sinchon cho biết một số sinh viên chỉ sống ở ký túc xá trong 1-2 tháng rồi chuyển đi vì không chịu nổi sự hà khắc của quy định ký túc xá.

"Sinh viên rời đi khá nhiều, đặc biệt là tại Đại học Nữ sinh Ewha. Ngôi trường này có những quy định nghiêm ngặt như có giờ giới nghiêm, cấm nam giới vào ký túc xá. Điều này khiến nhiều sinh viên cảm thấy quyền riêng tư của họ bị xâm phạm", đại diện của đại lý bất động sản chia sẻ.

 Sinh viên Hàn Quốc thích phòng ký túc xá đơn để tránh ảnh hưởng riêng tư và không muốn xung đột với người khác. Ảnh: Simple Spaces.

Sinh viên Hàn Quốc thích phòng ký túc xá đơn để tránh ảnh hưởng riêng tư và không muốn xung đột với người khác. Ảnh: Simple Spaces.

Ký túc xá "ế" sinh viên

Tại Seoul (Hàn Quốc), nhất là khu vực xung quanh Đại học Quốc gia Seoul, phòng trọ dạng căn hộ studio mọc lên như nấm, nhưng giá thuê thường cao gấp 2-3 lần so với ký túc xá.

Năm 2024, giá thuê căn hộ studio cũng tăng bất thường do lừa đảo. Ví dụ, ở Sinchon (phía tây Seoul) hoặc Sillim-dong (phía nam Seoul) - nơi tập trung nhiều trường đại học, giá thuê trọ tăng lên một triệu won (tương đương 720 USD) mỗi tháng.

Dù chi phí tăng, sinh viên vẫn bất chấp chuyển ra ngoài thay vì sống trong ký túc xá. Các trường đại học theo đó "ế" sinh viên thuê ký túc xá.

Ví dụ, tại ký túc xá Anam của Đại học Hàn Quốc, tỷ lệ lấp phòng chỉ còn 75%. Hiệu trưởng nhà trường cho biết cứ 4 phòng lại có một phòng trống sinh viên vì các bạn trẻ đã quen với việc có phòng riêng khi ở nhà.

Những đại học lớn khác ở Seoul như Đại học Yonsei, Đại học Sungkyunkwan, Đại học Nữ sinh Ewha và Đại học Kyung Hee may mắn hơn một chút, tỷ lệ lấp đầy ký túc xá vẫn trên 90% do nhà trọ, căn hộ studio ở khu vực quanh trường thường đắt đỏ hơn mặt bằng chung.

Để thu hút sinh viên sống ở ký túc xá, các trường đại học được khuyến khích đổi phòng 3-4 sinh viên thành phòng đôi hoặc phòng đơn. Như vậy, sinh viên sẽ cảm thấy thoải mái hơn và không bị mất cảm giác riêng tư.

"Nhiều bạn bè của tôi bị lừa tiền thuê trọ nên mất rất nhiều thời gian mới tìm được chỗ ở. Nếu trường cung cấp phòng đơn cho sinh viên, chúng tôi không cần lo lắng nữa", một sinh viên 26 tuổi chia sẻ.

Trong khi đó, Hội đồng Sinh viên Đại học Yonsei bắt đầu thảo luận về quy định giờ giới nghiêm ở ký túc xá Songdo. Kết quả, 835 sinh viên, tương đương 67,2% người làm khảo sát, ủng hộ điều này.

Tại các đại học lớn ở Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu như Anh, Đức, hầu hết phòng ký túc xá đều là phòng đơn.

Ví dụ, Đại học Meiji ở Nhật Bản cung cấp phòng riêng cho tất cả sinh viên, mỗi phòng có giường, bàn học, phòng tắm và nhà bếp. Trang web ký túc xá của trường còn mô tả loại phòng này "phù hợp với những sinh viên coi trọng sự riêng tư".

Tại Mỹ, Đại học Harvard cũng mới xây dựng 112 phòng đơn trong ký túc xá sinh viên của trường Luật. Trường coi trọng văn hóa tập thể, ký túc xá thường là 3-4 sinh viên/phòng, nhưng cũng dần thay đổi để phù hợp với nhu cầu sinh viên.

"Các trường đại học ở nước ngoài thường có phòng riêng cho sinh viên. Để phù hợp với xu hướng thời đại, Hàn Quốc cũng cần có chính sách giảm phòng chung, tăng phòng đơn để sinh viên có thêm lựa chọn", giáo sư Kim Yoon-tae tại Đại học Hàn Quốc đề xuất.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-ky-tuc-xa-dai-hoc-o-han-quoc-post1485326.html