Chuyên gia: Áp lực của phương Tây đối với Ukraine có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm
Khi thế giới đang chờ đợi những động thái quân sự tiếp theo của Ukraine, áp lực đối với quốc gia này càng gia tăng trong việc tìm kiếm một cơ hội phản công thành công…
Một số chuyên gia cho rằng, kỳ vọng của phương Tây về một chiến thắng nhất định có thể phá hỏng cuộc phản công ngay cả trước khi nó bắt đầu.
Áp lực của phương Tây
Mặc dù thời điểm chính xác Ukraine tiến hành cuộc phản công vẫn chưa được tiết lộ nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng sự kiện này có thể bắt đầu trong một vài tuần tới. Sau nhiều tháng giao tranh khốc liệt ở khu vực miền Đông, phương Tây ngày càng gia tăng kỳ vọng về những gì Ukraine có thể và nên đạt được trong cuộc phản công.
Ông Mick Ryan – cựu tướng nghỉ hưu của quân đội Australia nhận định: “Bất kỳ hành động quân sự nào có thể tác động đến cán cân sức mạnh trên thực địa cũng được coi là một thành công đối với người Ukraine cũng như các chính trị gia của Mỹ và châu Âu”.
Trong thời gian này, ngày càng có nhiều người cho rằng cuộc phản công sẽ đóng vai trò quan trọng đối với chiến thắng cuối cùng của Ukraine. Ông Mark Cancian - Cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tổ chức tư vấn chính sách hàng đầu ở Washington D.C nhận định: “Nhiều quan chức của Mỹ và NATO lo ngại, cuộc chiến Nga-Ukraine có thể kéo dài trong nhiều năm và phương Tây sẽ tiếp tục tiêu tốn nguồn kinh phí khổng lồ mà không thu được bất cứ lợi ích gì, trong khi Ukraine vẫn giậm chân tại chỗ hoặc đạt được rất ít bước tiến trên chiến trường”.
Chỉ riêng Mỹ đã rót hàng chục tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát, trong khi các nước châu Âu khác cũng tài trợ một số lượng lớn vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, nếu Ukraine có thể đẩy lùi Nga ra khỏi phần lớn lãnh thổ hoặc giành quyền kiểm soát một khu vực trọng yếu nào đó thì điều này có thể khiến Mỹ và các đồng minh trong NATO hy vọng cuộc chiến sẽ sớm chấm dứt.
Nhưng Tổng thống Ukraine Zelensky cùng nhiều quan chức quốc phòng cấp cao của ông đã bày tỏ lo ngại cuộc phản công có thể không đáp ứng được kỳ vọng của các nước hỗ trợ. Phát biểu với Washinton Post, ông Zelensky cho biết, những dự đoán về sự thay đổi của tình hình có thể đang bị “thổi phồng quá mức”. Các chỉ huy chiến trường của Ukraine cũng hạ thấp kỳ vọng đối với kế hoạch phản công, đồng thời kêu gọi phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí bao gồm hệ thống phòng không và tên lửa tầm xa.
Nhà phân tích Mark Cancian cũng lưu ý: “Không quân đội nào tin rằng họ được trang bị đủ tốt để hoàn thành tất cả nhiệm vụ được giao và đáp ứng tất cả các kỳ vọng. Đó là thực tế”.
Tiền lệ nguy hiểm
Cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu - ông Ben Hodges nhận định, việc đánh giá cuộc phản công sắp tới là điều quyết định thành, bại của Ukraine trong cuộc xung đột sẽ đặt ra tiền lệ nguy hiểm.
Phát biểu với Business Insider, ông Ben Hodges nói: “Tôi phản đối ý kiến cho rằng Ukraine sẽ chỉ có một cuộc phản công lớn duy nhất, rằng nếu họ không thể giành thắng lợi, mọi chuyện sẽ chấm dứt và phương Tây không nên tiếp tục ủng hộ họ”.
Theo cựu tướng Mỹ, ý tưởng về việc viện trợ cho Ukraine sẽ chấm dứt nếu cuộc phản công kém hiệu quả thường xuất phát từ các chính trị gia và những bên “không muốn thấy Ukraine chiến thắng”, hoặc những người mong muốn cuộc xung đột nhanh chóng kết thúc. Ông Ben Hodges cho biết có rất nhiều yếu tố khiến phương Tây ngày càng lo ngại về cuộc chiến, chẳng hạn như đánh giá cho rằng Nga khó có khả năng thua hoặc Moscow sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Chuyên gia này cũng chỉ trích chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không xác định mục tiêu chiến lược rõ ràng trong việc hỗ trợ Ukraine. “Có rất nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ Mỹ không cam kết giúp Ukraine giành được một chiến thắng tuyệt đối. Nếu Mỹ và các nước châu Âu khác gây quá nhiều áp lực cho Ukraine thì điều này có thể khiến Kiev thất bại trong cuộc phản công”.
Đối với Ukraine, những gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chứ không chỉ dừng lại ở việc trang bị vũ khí. Các yếu tố này bao gồm huấn luyện, đào tạo, thông tin tình báo và việc liệu nước này có thể tiếp tục kiềm chế sức mạnh không quân vượt trội của Nga hay không.
Nếu Ukraine chỉ có thể đạt được những bước tiến nhỏ thì điều này có thể khiến cuộc xung đột tiếp tục rơi vào bế tắc và Kiev nhiều khả năng sẽ phải chịu sức ép từ bỏ những vùng lãnh thổ đã giành được trong một thỏa thuận ngừng bắn với Nga.
Giới phân tích cho rằng, mục tiêu của cuộc phản công có thể là ở phía Nam. Để vượt qua tuyến phòng thủ nhiều lớp của Nga, Ukraine chắc chắn sẽ cần đến các thiết bị chuyên dụng để rà phá bom mìn, bắc cầu qua các chiến hào và phá hủy boong-ke của đối phương. Kiev cũng đang cần hàng trăm xe tải và phương tiện vận chuyển để di chuyển thiết giáp hạng nặng vào vị trí nhanh hơn so với mức độ phản ứng của Nga./.