Chuyên gia: Australia là đất hứa cho văn hóa bài Hồi giáo

Các chuyên gia cho rằng tư tưởng bài Hồi giáo ở Australia đang được 'bình thường hóa' bởi những hãng tin cánh hữu, phần nhiều trong số này thuộc sở hữu của tỷ phú Rupert Murdoch.

Ngay sau vụ xả súng tại hai thánh đường Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, khiến 49 người thiệt mạng vào ngày 15/3, Thủ tướng Australia Scott Morrison xác nhận nghi phạm thực hiện vụ tấn công chính là công dân nước này và tuyên bố rằng đây là kẻ "khủng bố" cánh hữu.

"Chúng ta ở đây và hết sức lên án vụ tấn công diễn ra ngày hôm này bởi một kẻ khủng bố cực đoan, cánh hữu và bạo lực", ông Morrison phát biểu trong buổi họp báo.

Lực lượng chức năng New Zealand bắt giữ một nghi phạm và buộc tội giết người nhưng không công bố danh tính cá nhân này. Trong một văn bản được đưa lên mạng Internet trước khi vụ tấn công diễn ra, nghi phạm tự mô tả mình là "một người da trắng bình thường, 28 tuổi. Sinh ra tại Australia trong một gia đình lao động, thu nhập thấp".

Người dân New Zealand đến đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công gần thánh đường Al Noor. Ảnh: AP.

Người dân New Zealand đến đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công gần thánh đường Al Noor. Ảnh: AP.

Chủ nghĩa cực đoan quốc tế mới

Truyền thông Australia cho biết nghi phạm từng là huấn luyện viên thể hình ở Grafton, thành phố tại bang New South Wales, sau khi tốt nghiệp trung học vào năm 2009 và hai năm sau khi bắt đầu đi du lịch châu Âu và châu Á.

Hiện chưa rõ mối liên hệ của người đàn ông này với các nhóm cực hữu, nhưng những nhóm như vậy đã hoạt động ở Australia từ hàng thập kỷ trước. Nhiều chuyên gia nhận định quan điểm bài Hồi giáo đã được bình thường hóa bởi những hãng tin tức cánh hữu, rất nhiều trong số này thuộc sở hữu của tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch.

Ông Ghassan Hage, học giả người Australia gốc Lebanon tại Đại học Melbourne, cho rằng những hãng tin này đã thúc đẩy "tư tưởng bài Hồi giáo, khiến những kẻ cực đoan dễ có khả năng cảm thấy bình thường khi thực hiện những tưởng tượng chết chóc của chúng".

Nhưng mặc dù Australia có thể là mảnh đất màu mỡ cho quan điểm cực hữu, giọng điệu của nghi phạm, và đặc biệt là mục tiêu tấn công, cho thấy động cơ của vụ xả súng không phải là chủ nghĩa dân tộc cực hữu truyền thống, mà là chủ nghĩa cực đoan quốc tế mới hơn, lấy cảm hứng từ Internet.

Cảnh sát New Zealand tuần tra bên ngoài thánh đường Hồi giáo Al Noor. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát New Zealand tuần tra bên ngoài thánh đường Hồi giáo Al Noor. Ảnh: Reuters.

"Sự thật là hắn ta chọn New Zealand một cách cẩn thận (có chủ đích). Hắn muốn khẳng định rõ ràng rằng người Hồi giáo không an toàn ở bất cứ đâu", ông Aurelien Mondon, chuyên gia về cánh hữu tại Đại học Bath, Vương quốc Anh, nhận xét.

"Bạo lực hơn, ít quan tâm đến chính trị"

Từ lâu Australia đã là nơi mà các nhóm cực hữu thường nhắm tới người nhập cư và các cộng đồng thiểu số. Kể từ đầu thế kỷ 20, quốc gia này áp dụng một số chính sách được thiết kế để loại bỏ người nhập cư không có nguồn gốc châu Âu. Những biện pháp này, thường được biết đến với tên gọi chính sách Australia Da trắng, mới chỉ được hủy bỏ hoàn toàn vào năm 1973.

Từ giữa những năm 1990, các đảng cực hữu như đảng Một Quốc gia của Pauline Hanson đã có thể dùng giọng điệu chống người nhập cư gốc Á để có chỗ đứng trong nền chính trị quốc gia. Trong những năm gần đây, Một Quốc gia và những nhóm cánh khác đã chuyển trọng tâm đến vấn đề người nhập cư từ Trung Đông và Nam Á để đạt được những mục đích chính trị.

Mặc dù hầu hết nhóm này đều tập trung vào những vấn đề tại Australia. Văn bản được Brenton Tarrant đưa lên mạng cho thấy tên này đã nhắm tới New Zealand để thực hiện vụ tấn công với mục đích cho những người Hồi giáo thấy rằng họ không còn an toàn "kể cả ở những nơi xa xôi nhất trên thế giới".

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đến gặp và chia buồn với cộng đồng Hồi giáo sau vụ tấn công. Ảnh: AP.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đến gặp và chia buồn với cộng đồng Hồi giáo sau vụ tấn công. Ảnh: AP.

Trong văn bản này và trong cả đoạn băng về vụ tấn công, có rất ít đề cập tới Australia. Thay vào đó, Tarrant nhắc tới các phong trào cánh hữu và những sự kiện liên quan ở những quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Pháp, Na Uy và Serbia, cũng như những meme (ý tưởng lan truyền trên mạng) và những câu nói đùa đặc trưng phổ biến trong các nhóm cực hữu trên Internet.

Ông Mondon cho rằng những đề cập này cho thấy một thế hệ mới của chủ nghĩa cánh hữu ở Australia. "Quan điểm cánh hữu quốc tế kiểu mới này, có thể mô tả một cách hợp lý hơn, là dựa trên Internet". Chuyên gia này nhận định quan điểm này "gần hơn rất nhiều so với những gì bạn thấy ở Mỹ trong những năm gần đây", và "bạo lực hơn, ít quan tâm đến chính trị hơn" so với những phong trào cánh hữu trước đây ở Australia.

Sự chia rẽ chính trị mới ở Australia

Các đảng phái cánh hữu nổi bật ở Australia như đảng Một Quốc gia đã tránh bình luận về vụ xả súng ở Christchurch. Mặc dù vận, ông Fraser Anning, thượng nghị sĩ độc lập của bang Queensland, đã đưa ra phát biểu gây tranh cãi khi tuyên bố "người Hồi giáo có thể là nạn nhân trong ngày hôm nay", nhưng "thường thì họ mới là thủ phạm".

Thượng nghĩ sĩ bang Queensland, Fraser Anning. Ảnh: AAP.

Thượng nghĩ sĩ bang Queensland, Fraser Anning. Ảnh: AAP.

"Nguyên nhân thực sự của vụ đổ máu ở đường phố New Zealand ngày hôm nay chính là chương trình nhập cư cho phép những người Hồi giáo cuồng tín có thể tới sinh sống ở New Zealand", ông Anning cho biết.

Thủ tướng Scott Morrison đã lên án kịch liệt phát biểu của ông Anning, cho rằng điều này là "đáng ghê tởm".

Bà Mehreen Faruqi, thượng nghị sĩ Hồi giáo đầu tiên của Australia, đã cáo buộc Hanson và Anning bình thường hóa những ngôn ngữ dược sử dụng để tấn công người Hồi giáo.

"Đây là hậu quả của việc bài Hồi giáo và sự thù ghét mang tính phân biệt chủng tộc", bà Faruqi viết trên Twitter.

Sơn Trần
theo Washington Post

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chuyen-gia-australia-la-dat-hua-cho-van-hoa-bai-hoi-giao-post926218.html