Chuyên gia 'cai nghiện' game online: 'Tôi từng chuyển nhiều ca sang bệnh viện tâm thần'
Ngỡ rằng những 'giá' quá đắt ở trên sẽ không có ai dại dột mà đánh đổi. Thật bất ngờ, mặc cho nhiều biện pháp mạnh tay lẫn mang tính chất răn đe được đưa ra, thực trạng nghiện game online ở tuổi học trò tại Việt Nam vẫn ở mức báo động.
Tác hại của nghiện game: Nhiều và ngày càng khó lường
Dân cư mạng vẫn không khỏi bàng hoàng về vụ sự việc nam thanh niên 17 tuổi bắt trói, bỏ đói một em bé 5 tuổi gây tử vong vì nghĩ rằng mình đang thực hiện một nhiệm vụ trong game online tại Nghệ An gần đây. Đây không là hồi chuông "cảnh tỉnh" đầu tiên với hậu quả nghiêm trọng vì nghiện game online. Thực tế, không chỉ trong nước, nhiều nước trên thế giới cũng xuất hiện nhiều trường hợp đau lòng tương tự. Nhưng điều đó dường như vẫn không đủ sức để "thức tỉnh" những con "nghiện" game online.
Trong buổi tọa đàm "Nghiện game online - Hậu quả khôn lường" do báo Tiền Phong tổ chức, diễn ra tại trường THPT Thành Nhân (Q.Gò Vấp, TP.HCM), Thạc sĩ Nguyễn Thị Huỳnh An (giảng viên bộ môn Tâm lý trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) chia sẻ:
"Có thể phân loại các tác hoại do nghiện game thành nhiều cấp độ, từ nhẹ đến đặc biệt nghiêm trọng. Đầu tiên, người nghiện game sẽ bị phân tán trong học tập, dẫn đến kết quả sa sút vì tốn năng lượng cho "cày" game. Kế tiếp, sức khỏe của các bạn bị trực tiếp ảnh hưởng, gây ra các bệnh về cột sống, thị lực, trí nhớ,... Ở trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, người nghiện game có thể bị biến dạng nhân cách. Chưa kể những hệ lụy như ảnh hưởng tài chính gia đình, hạnh phúc gia đình... Các bạn mải mê giá trị "ảo" mà đánh mất nhiều giá trị thật trong cuộc sống."
Thạc sĩ - Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm (giảng viên trường Đại học An ninh Nhân dân, TP.HCM) nói ngắn gọn: "Nghiện game là nguyên nhân dẫn đến ba cái nghèo: Nghèo vật chất (mất tiền của), nghèo trí tuệ (suy giảm trí nhớ) và nghèo tình cảm (gây rạn nứt mối quan hệ bạn bè, người thân, thầy cô...)".
Thầy Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS) - trung tâm chuyên tiếp nhận các trường hợp về nghiện game kể: "Nghiện game không chừa bất cứ ai. Thậm chí, tôi từng tiếp nhận một trường hợp là một nam sinh viên ngành Kỹ sư điện giỏi ba thứ tiếng. Anh chàng co thể chỉ ăn một ổ bánh mì trong ngày và chơi game liên tục 20 tiếng đồng hồ. Những trường hợp nặng như không thể chơi game sẽ đập phá mọi thứ, tôi buộc thuyên chuyển qua bệnh viện khoa tâm thần để điều trị."
Bác sĩ Nguyễn Văn Ca (Trưởng khoa Tâm thần bệnh viện 175, TP.HCM) nói về dấu hiệu nhận biết của một người nghiện game: "Bồn chồn, uể oải và chỉ khi được chơi game mới tỉnh táo."
Nghịch lý nan giải trong vấn nạn "nghiện game"
Nói về việc quản lý game và các vấn đề liên quan nhằm ngăn chặn nghiện game, ông Lê Minh Dũng (Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM): "Bộ Thông tin - Truyền thông đăc biệt quan tâm vì đây là vấn nạn của quốc gia. Một điểm sáng trong việc ngăn chặn nghiện game chính là quán net - địa điểm yêu thích của người nghiện game đã thoái trào. Năm 2010, 4000 điểm đăng ký kinh doanh dịch vụ internet thì hiện tại chỉ còn 1200 điểm. Tuy nhiên, công nghệ phát triển dẫn đến thay đổi thói quen game của giới trẻ. Giới trẻ dễ dàng chơi game trên điện thoại hay máy tính cá nhân".
Một khảo sát nhanh tại buổi tọa đàm, khi được hỏi bạn học sinh nào đã từng chơi game thì cả trường hầu như đều giơ tay. Có đến 80% học sinh cho biết hay chơi tại nhà. Khi được hỏi ai có thể bỏ game thì hiếm hoi cánh tay được giơ lên.
Thầy cô và gia đình chung tay đẩy lùi bệnh "nghiện game"
Thạc sĩ - Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm (giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân, TP.HCM) chia sẻ cách ngăn ngừa nghiện game: "Không nhìn thấy game sẽ không thèm chơi game. Cách tốt nhất là không tải bất kì game nào trong điện thoại. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết vẫn là sự quan tâm của người lớn. Tôi cấm học sinh của tôi chơi game dù được phép mang điện thoại bên người. Phụ huynh cần thay đổi thói quen cho con chơi game mỗi khi bận."
Anh Lê Bá Long (Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Công nghiệp, TP.HCM) chia sẻ những phương pháp độc đáo: "Tôi thường cập nhật trend trong các hoạt động ngoại khóa, sự kiện để thu hút sự chú ý của học sinh, sinh viên."
Bạn có thể xem toàn bộ buổi tọa đàm "Nghiện game online - Hậu quả khôn lường" tại đây: