Chuyên gia đánh giá về việc chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em

Chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng các vaccine ngừa COVID-19 tiêm chủng cho trẻ em cần phải được nghiên cữu kỹ lưỡng vì trẻ em và người lớn có những đặc điểm sinh lý khác nhau.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Bangkok, Thái Lan, ngày 15/3/2021. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Bangkok, Thái Lan, ngày 15/3/2021. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Việc hãng dược phẩm Moderna của Mỹ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa bệnh COVID-19 với trẻ em từ 6 tháng đến 12 tuổi được xem là bước đi đầu tiên hướng tới một giai đoạn mới của chiến dịch tiêm chủng mà giới chuyên gia cho rằng có thể cần thiết để đẩy lùi đại dịch.

Mặc dù nhìn chung trẻ em ít có nguy cơ bị biến chứng nặng khi mắc COVID-19, song số người dưới 18 tuổi chiếm khoảng 20% trong tổng số 330 triệu dân ở Mỹ và cho tới nay đã có hàng triệu người bị nhiễm.

Trao đổi với hãng tin AFP, bà Lee Savio Beers, Chủ tịch Học viện Nhi khoa Mỹ (APP) nhận định nếu thực sự muốn hướng tới khả năng miễn dịch công đồng, 80% dân số Mỹ phải được chủng ngừa. Tuy nhiên, mục tiêu này là "bất khả thi" nếu trẻ em không được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Các chuyên gia cho rằng việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em mang lại lợi ích trực tiếp, theo đó giúp các em tránh khỏi nguy cơ gặp biến chứng nặng hiếm gặp khi mắc bệnh.

Về lợi ích gián tiếp, việc tiêm chủng cho trẻ em sẽ giúp ngăn chặn lây truyền virus SARS-CoV-2.

Theo học giả cao cấp Amesh Adalja thuộc Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins, có những tính toán khác nhau giữa lợi ích và rủi ro của việc tiêm chủng cho một trẻ 9 tuổi so với một cụ già 90 tuổi.

Giới chức y tế sẽ phải xác định mức độ phản ứng phụ nào có thể chấp nhận được và liệu những vaccine hiện tại có thể sử dụng cho trẻ em hay không.

Theo ông, những vaccine đang được phát triển có thể ít phản ứng phụ hơn những vaccine hiện đã được cấp phép.

Theo số liệu chính thức mới nhất, 294 người dưới 18 tuổi đã tử vong vì mắc COVID-19 ở Mỹ, trong tổng số 535.000 ca không qua khỏi ở nước này.

Các nghiên cứu cho thấy trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi, ít nguy cơ bị nhiễm bệnh và làm lây lan virus. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh trong cả hai trường hợp, "ít khả năng hơn" không đồng nghĩa "không thể."

Giáo sư nhi khoa Henry Bernstein thuộc Trung tâm Y tế trẻ em Cohen lưu ý hàng triệu trẻ em đã nhiễm virus SARS-CoV-2 và càng nhiều trẻ mắc bệnh thì nguy cơ biến chứng càng cao.

Mặc dù ủng hộ việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em, Giáo sư Bernstein nhấn mạnh rằng các vaccine này phải được nghiên cữu kỹ lưỡng vì trẻ em và người lớn có những đặc điểm sinh lý khác nhau.

Theo thông báo của hãng dược Moderna, chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa bệnh COVID-19 với trẻ em sẽ có 6.750 tình nguyện viên tham gia.

Nghiên cứu sẽ đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của hai liều vaccine ngừa COVID-19, ký hiệu là mRNA-1273 và được tiêm cách nhau 28 ngày.

Nghiên cứu mới nhất của Moderna đang được thực hiện với sự hợp tác của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID), và Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu Y sinh Tiên tiến (BARDA).

Bên cạnh Moderna, hai hãng dược Pfizer và Johnson & Johnson (đều của Mỹ) cũng đang nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên. Trong khi đó, hãng dược AstraZeneca (Anh) đang nghiên cứu vaccine cho trẻ em trên 6 tuổi./.

Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/danh-gia-cua-gioi-chuyen-gia-ve-viec-chung-ngua-covid19-cho-tre-em/699988.vnp