Chuyên gia lý giải hiện tượng sương mù tại Hà Nội, Sa Pa băng tuyết như châu Âu

Sáng nay (24/12), khu vực đồng bằng Bắc Bộ xuất hiện sương mù dày đặc, trong khi đó đỉnh núi Fansipan (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) xuất hiện băng tuyết.

Sương mù bao phủ, che khuất tòa nhà cao tầng ở Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: CUONG CON

Sương mù bao phủ, che khuất tòa nhà cao tầng ở Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: CUONG CON

Chiều 24/12, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, hiện nay ở phía Bắc nước ta có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.

Dự báo khoảng sáng 26/12, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi Bắc Bộ; chiều và đêm ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 26/12 ở Bắc Bộ có mưa; từ chiều tối ngày 26/12 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ đêm 26/12 trời trở rét.

Từ ngày 26/12, gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 2 - 3, vùng ven biển cấp 3 - 4. Từ chiều 26/12, ở vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động; ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7 giật cấp 8, biển động mạnh.

Trong khi đó, khu vực Hà Nội từ chiều 26/12 có lúc có mưa; từ đêm trời trở rét.

Theo ghi nhận thực tế, sáng cùng ngày khu vực TP Hà Nội xuất hiện sương mù phủ kín khắp phố phường khiến tầm nhìn bị hạn chế. Lớp sương mù khá dày kèm mưa nhỏ tạo cảm giác thời tiết như ở các nước ôn đới.

Lý giải về hình thái thời tiết trên, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia) cho biết, sương mù xuất hiện dày ở khu vực nội thành Hà Nội nói riêng và cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Lúc 7h sáng nay, tầm nhìn xa ước lượng ở khu vực nội thành Hà Nội phổ biến từ 300 - 500m. Đây là dạng sương mù bình lưu, hình thành khi không khí lạnh đã tồn tại những ngày trước ở khu vực Đông Bắc Bộ suy yếu và dịch chuyển về phía Đông mang nhiều hơi ẩm hơn vào đất liền.

"Các lớp nghịch nhiệt xuất hiện ở độ cao từ 500 - 1.500m kết hợp với điều kiện lặng gió ở bề mặt chính là điều kiện tổ hợp để xuất hiện tình trạng sương mù như sáng nay", ông Trần Quang Năng nói.

 Ảnh: Báo Lào Cai

Ảnh: Báo Lào Cai

Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia) thông tin thêm, trong đêm nay và sáng mai sương mù, mưa phùn tiếp tục có khả năng xảy ra ở các tỉnh Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Ngày 26 - 27/12, không khí lạnh ảnh hưởng nên sương mù có khả năng giảm nhưng sau đó có thể quay trở lại nhiều từ ngày 27 - 28/12.

Ông Năng khuyến cáo, hiện tượng sương mù làm giảm tầm nhìn, có khả năng ảnh hưởng nguy hiểm đến giao thông, đặc biệt trên các đường quốc lộ và các khu vực sân bay. Bởi vậy, người dân, đặc biệt người tham gia giao thông cần thận trọng mỗi khi ra đường; đi chậm, chú ý quan sát khi tham gia giao thông.

Cũng trong sáng cùng ngày, ông Lưu Minh Hải - Giám đốc Đài KTTV tỉnh Lào Cai cho biết: Đêm 23/12, không khí lạnh ảnh hưởng đến Sa Pa, gây hiện tượng ban đêm bầu trời ít mây, bức xạ nhiệt mặt đất lớn, làm nhiệt độ giảm sâu, tiết trời rét buốt vào đêm và sáng sớm. Khu vực đỉnh Fansipan, nhiệt độ giảm thấp dưới 0 độ C nên xảy ra hiện tượng băng tuyết phủ trắng.

Trương Huyền

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-ly-giai-hien-tuong-ha-noi-suong-mu-nhu-sa-pa-sa-pa-bang-tuyet-nhu-chau-au-360939.html