Khác với vũ khí do Nga chế tạo, tên lửa siêu thanh của Triều Tiên vừa được bắn ra Biển Nhật Bản không có khả năng cơ động với tốc độ cao, chuyên gia quân sự hàng đầu của Nga - ông Konstantin Sivkov đánh giá.
Như đã biết, một tên lửa đạn đạo tầm trung do Triều Tiên phóng hôm 30/1 đã đạt tốc độ gấp 16 lần tốc độ âm thanh (Mach 16). Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin quân sự ở Seoul cho hay, quả đạn được phóng gần như theo một góc thẳng đứng.
Theo ghi nhận ban đầu, chúng ta đang nói về tên lửa đạn đạo tầm trung Hwaseong-12, được giới thiệu lần đầu tiên tại lễ duyệt binh vào ngày 14/4/2017. Lần phóng đầu tiên của nó được thực hiện vào ngày 14/5 cùng năm.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho hay, tên lửa được phóng vào ngày 30/1 lúc 07:52 giờ địa phương từ khu vực làng Mupyeong-ri, tỉnh Chagang, theo hướng của Biển Nhật Bản.
Điều đáng chú ý chính là việc quả đạn phát triển lên được tốc độ Mach 16 đã khiến nhiều chuyên gia bất ngờ và đưa ra nhận định rằng Triều Tiên đã có vũ khí siêu thanh ít nhất là tốt ngang với sản phẩm của Nga.
Để so sánh, tốc độ tối đa của tên lửa hành trình chống hạm Zircon do Nga sản xuất là khoảng Mach 9, tên lửa đạn đạo hàng không Kinzhal trong khoảng Mach 10 - 12, lớn nhất là hệ thống tên lửa chiến lược Avangard, có khả năng tăng tốc lên đến Mach 27.
Tuy nhiên ông Konstantin Sivkov - Đại tá nghỉ hưu, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tên lửa và Pháo binh Nga, Tiến sĩ Khoa học Quân sự đã lưu ý rằng trong trường hợp tên lửa của Triều Tiên, những so sánh như vậy không có ý nghĩa gì.
“Bất kỳ tên lửa đạn đạo nào có tầm bắn xuyên lục địa đều phải bay với tốc độ ít nhất là Mach 16, 20 hoặc thậm chí 25. Nếu không, đơn giản là chúng không thể vượt qua quãng đường 8, 9 hay 12 nghìn km cần thiết. Đây là điều kiện vật lý đơn giản nhất".
"Triều Tiên được biết là có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), và do đó không có gì đáng ngạc nhiên khi trong lần phóng gần đây, tốc độ 16 Mach đã được ghi nhận”, vị chuyên gia giải thích.
Theo ông Sivkov, những ICBM đầu tiên xuất hiện vào cuối những năm 1950 và tất cả đều phát triển với tốc độ như vậy để vượt qua quãng đường dài. Tuy nhiên tính năng chính của vũ khí siêu thanh hoàn toàn không phải là khả năng tăng tốc đến Mach bao nhiêu.
“Vấn đề của vũ khí siêu thanh không phải là chúng bay với tốc độ gấp mấy lần tốc độ âm thanh, mà là độ cơ động trong suốt chuyến bay. Đây chính là yếu tố tạo ra rắc rối của nó, cũng như khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa".
"Nếu tên lửa không cơ động thì kẻ địch sẽ có cơ hội tính toán chính xác đường bay của nó để tìm cách đánh chặn. Tất nhiên trong mọi trường hợp, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng nhất, nhưng ít nhất là có thể”, ông Sivkov lưu ý.
Chuyên gia Konstantin Sivkov nhấn mạnh rằng gần như không thể tính được vị trí của một đầu đạn đang cơ động với tốc độ cực nhanh và theo vậy việc bắn hạ nó cũng là điều không thể.
Tất nhiên trừ khi tên lửa chống tên lửa được cử đến để đánh chặn, tức là nó không có khả năng cơ động trong một khu vực hạn chế và không có phạm vi phát hiện tốt. Nhưng ngày nay hầu như không ai trên thế giới có cơ hội như vậy.
“Đó là lý do tại sao tổ hợp Avangard của chúng tôi được coi là là bất khả xâm phạm đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa. Và Zircon cũng là bất khả xâm phạm, Kalibr hay Kinzhal cũng như vậy, và cả Iskander nữa".
"Nhưng Triều Tiên vẫn chưa có công nghệ để chế tạo một loại tên lửa siêu thanh như vậy - họ chỉ có tên lửa đạn đạo nhiều nhất là thế hệ thứ hai hoặc thứ ba, công nghệ của nó nằm đâu đó vào cuối những năm 1960".
"Do vậy tên lửa Triều Tiên có thể bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Không có gì đặc biệt khi đó là một tên lửa đạn đạo nguyên thủy, không thể so sánh với các đầu đạn siêu thanh của chúng tôi", ông Konstantin Sivkov tóm tắt.
Có lẽ nhận xét của vị chuyên gia Nga cũng tương đồng với những gì được các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nhận định, khi họ cho rằng không có mối đe dọa đáng kể từ loại tên lửa đạn đạo được Triều Tiên gọi là siêu thanh.
Bạch Dương