Hiện tại giới chức quốc phòng Nga đang xem xét khả năng chế tạo tàu sân bay, nếu quyết định được đưa ra thì tối đa 3 hàng không mẫu hạm sẽ được đóng. Nhưng Nga có nên dồn gần như toàn bộ nhân tài vật lực cho việc làm này?
Bộ Quốc phòng Nga dự định đóng một tàu sân bay với lượng giãn nước 65.000 - 70000 tấn, trang bị lò phản ứng hạt nhân và chi phí chế tạo khoảng 300 - 500 tỷ Ruble, cộng với ngân sách cho phi đội không quân và những chi phí liên quan khác.
Đồng thời có dự đoán cho rằng trong quá trình phát triển, đồ án tàu sân hạng nặng Ulyanovsk của Liên Xô sẽ được tham khảo. Đây có vẻ là một ý tưởng hay, nhưng vẫn cần xem xét các lựa chọn khác.
Theo chuyên gia Marzhetsky, trước hết phải xem xét Hải quân Nga có cần tàu sân bay hay không? Rõ ràng hàng không mẫu hạm sẽ cung cấp khả năng phòng không và chống ngầm cho hạm đội ở khu vực biển xa.
Cuộc tập trận hải quân gần đây của Nga gần Hawaii chủ yếu mang tính chính trị, nhưng qua đó dễ nhận thấy nếu không có tàu sân bay thì một chiến dịch quân sự như vậy sẽ có quá nhiều rủi ro.
Tàu sân bay là nòng cốt của lực lượng tấn công. Nếu thiếu nó, việc hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu đối với tàu ngầm hạt nhân chiến lược khi di chuyển tới địa điểm phóng tên lửa đạn đạo sẽ cực kỳ khó khăn.
Ông Marzhetsky khẳng định, nếu không có tàu sân bay, hiệu quả của bộ ba hạt nhân Nga sẽ giảm đáng kể. Vì lý do này, các lập luận về "sự vô dụng" của tàu sân bay là ngây thơ hoặc công khai phá hoại.
Hiện tại ngay trong giới chức quân sự Nga có những lập luận khá nghiêm túc chống lại việc đóng tàu sân bay. Thứ nhất nó rất tốn kém, có nghĩa là một số chương trình quốc phòng khác sẽ phải cắt giảm.
Thứ hai, để bảo vệ một con tàu như vậy cần cả một nhóm tàu hộ tống có khả năng viễn dương, trong khi đây cũng đang là điểm yếu khác của Hải quân Nga.
Thứ ba, do căng thẳng với Ukraine, Nga mất cơ hội sử dụng nhà máy đóng tàu Nikolaev, nơi tất cả các tàu sân bay được chế tạo dưới thời Liên Xô, trong khi Sevmash đang bận rộn với các đơn đặt hàng khác.
Với hai lập luận cuối cùng, nhu cầu xây dựng một nhà máy đóng tàu mới là khá rõ ràng, giúp giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở khác và đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình đóng tàu.
Điều này bao gồm cả những dự án cần thiết cho các tàu hộ tống, sẽ tạo ra nhiều việc làm mới và tăng cơ sở tính thuế. Đây sẽ là một khoản đầu tư tốt cho sự phát triển của ngành công nghiệp trong nước.
Nhưng trở lại với tàu sân bay dựa trên chiếc Ulyanovsk, việc hiện đại hóa sâu đồ án cũ sẽ là một phản ứng hoàn toàn phù hợp với những thách thức hiện đại mà Hải quân Nga đang phải đối mặt. Nhưng cũng có những lựa chọn thay thế.
Tại Triển lãm quốc phòng Army 2019, một khái niệm thú vị về tàu sân bay bán catamaran (bán hai thân) đã được trình bày, phần trước của tàu là đơn thân nhưng phần đuôi lại được chia thành hai nhánh.
Theo ý tưởng của nhà phát triển chính Valentin Belonenko từ Viện Nghiên cứu Krylov, thiết kế khác thường như trên sẽ mang lại cho tàu sân bay một số lợi thế quan trọng.
Lượng giãn nước của nó sẽ ít hơn đáng kể so với tàu Đô đốc Kuznetsov, chỉ 44.000 tấn nhưng cũng mang được 40 máy bay như chiếc hàng không mẫu hạm 60.000 tấn. Tàu dự kiến có tốc độ 27 hải lý/h nhờ lắp đặt turbine khí với tổng công suất 80 MW.
Nhà phát triển đề xuất loại bỏ lò phản ứng hạt nhân nhằm đơn giản hóa thiết kế, giảm kích thước và lượng giãn nước, khiến chi phí và thời gian chế tạo sẽ ít hơn đáng kể nhưng khả năng sống sót lại tăng lên, cũng như tạo thuận lợi cho bến cảng.
Thiết kế bán catamaran sẽ cung cấp cho con tàu một đường băng rộng hơn, nó sẽ được trang bị máy phóng, giúp tiêm kích hạm mang tải được trọng chiến đấu đầy đủ, ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả.
Dễ hiểu khi cách tiếp cận sáng tạo như vậy gây ra rất nhiều chỉ trích, nhưng có lẽ phản ứng phi đối xứng khi so sánh với Mỹ sẽ hiệu quả nhất khi tính đến sự khác biệt lớn về quy mô ngân sách quốc phòng và tiềm năng công nghiệp của hai bên.
Theo chuyên gia quân sự Sergei Marzhetsky, Nga không có ý định duy trì trận chiến kéo dài nhiều ngày, một tàu sân bay hạng nhẹ mang 40 tiêm kích và trực thăng là đủ để cung cấp chức năng phòng không và chống ngầm.
Việt Dũng