Chuyên gia: Nhật không hiểu ý Trung Quốc ở biển Hoa Đông

Chuyên gia nói rằng đầu năm nay Trung Quốc từng có ý định giảm bớt hiện diện ở biển Hoa Đông nhưng Nhật không hiểu tín hiệu này mà vẫn căng thẳng nên Bắc Kinh phải cứng rắn lại.

Báo South China Morning Post (SCMP)hôm 28-9 dẫn lời một học giả Trung Quốc cho biết đầu năm nay Bắc Kinh từng phát tín hiệu cho Tokyo rằng mình có ý định giảm hiện diện ở biển Hoa Đông. Tuy nhiên Nhật đã không hiểu tín hiệu này mà vẫn duy trì căng thẳng nên Trung Quốc buộc phải cứng rắn trở lại.

Nhật không hiểu ý Trung Quốc

Ông Liu Qingbin - Phó Giáo sư tại Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật) cho biết vài tháng trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến thăm Tokyo vào tháng 4, Bắc Kinh gần như đã giảm hết các hoạt động quân sự của mình ở quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật)/Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc).

Tuy nhiên, ông Liu cho biết hai bên đã giao tranh trở lại ngay sau khi tàu đánh cá Nhật đi vào vùng biển tranh chấp trên. Sau động thái này, Bắc Kinh lại gia tăng các hoạt động quân sự ở đó.

Theo ông Liu, vào đầu năm nay, Trung Quốc đã có những hành động thể hiện tinh thần thiện chí đáng chú ý. Tuy nhiên, sự thiện chí đó đã không thể hiện thực hóa vì tác động của phe cực hữu bên Nhật khi công khai phản đối mạnh chuyến thăm dự kiến của ông Tập tới Nhật.

Cờ Trung Quốc và Nhật Bản. Ảnh: CHINA DAILY

Cờ Trung Quốc và Nhật Bản. Ảnh: CHINA DAILY

Theo ông Liu, phe cực hữu tại Nhật cho rằng việc cắt giảm các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở biển Hoa Đông chỉ đơn thuần là do bão, chứ không phải là động thái thiện chí gì. Tuy nhiên cũng theo ông Liu, dường như không có bất kỳ cơn bão nào trong tháng 2.

Sau đó, chuyến thăm của ông Tập đã bị hoãn với lý do là vì dịch COVID-19 và hai bên chưa ấn định thời điểm khác cho chuyến thăm.

Ông Liu nói thêm rằng chính vì điều này mà đã dẫn đến một kịch bản ăn miếng trả miếng mà hai bên gặp phải hiện nay.

Trung Quốc tăng cường hiện diện

Theo SCMP, trong vài tháng qua, Trung Quốc lại tiếp tục gia tăng các hoạt động hàng hải của mình ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông. Động thái này là phản ứng của Bắc Kinh trước những lo ngại về sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.

Hôm 23-9, các nhà lập pháp của đảng Dân chủ Tự do ở Nhật đã thúc giục chính phủ tổ chức các cuộc tập trận phòng thủ chung với Mỹ ở biển Hoa Đông nhằm mục đích tăng cường năng lực kiểm soát của Nhật đối với các đảo tranh chấp.

Đồng thời, các nhà lập pháp này đã kêu gọi Nhật phải nhanh chóng nghiên cứu và phát triển các máy bay trinh sát không người lái, phương tiện chiến đấu đổ bộ và các hệ thống vũ khí khác để bảo vệ quần đảo Senkaku hiệu quả hơn.

Cảnh sát biển Nhật ngăn tàu Trung Quốc gần quần đảo Senkaku. Ảnh: JAPAN FORWARD

Cảnh sát biển Nhật ngăn tàu Trung Quốc gần quần đảo Senkaku. Ảnh: JAPAN FORWARD

Tuy nhiên, giáo sư Sato Yoichiro của Đại học Ritsumeikan Asia Pacific (Nhật) lại cho rằng đề xuất tập trận chung với Mỹ là không cần thiết. Thay vào đó, Nhật có thể duy trì khả năng răn đe trong khu vực bằng cách tăng cường hoạt động tuần duyên và yêu cầu Mỹ thực hiện các nghĩa vụ quốc phòng của mình trong khu vực.

Chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc

Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật “tằm ăn dâu” trong các hoạt động hàng hải của mình ở biển Hoa Đông. Chiến thuật này có nghĩa là Bắc Kinh đang từ từ thực hiện các hành động nhỏ để dần đạt được mục tiêu chiến lược tổng thể của mình.

Áp chiến thuật này lên quần đảo Senkaku, từ trạng thái nguyên trạng của quần đảo, Trung Quốc sẽ tiến hành những hoạt động tranh chấp để dần dần kiểm soát hoàn toàn các đảo nằm trong quần đảo này.

Chuyên gia về an ninh Đông Á Alessio Patalano của Đại học King's College London (Anh) cho rằng việc tàu Trung Quốc đi vào và ở lại khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông kéo dài hơn trong thời gian gần đây là nhằm mục đích bình thường hóa sự hiện diện của Bắc Kinh.

Theo ông, động thái này còn thể hiện Bắc Kinh đang “thách thức quan điểm của Nhật về việc quản lý hành chính hiệu quả” đối với vùng biển này.

Từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay, các tàu Trung Quốc đã đi vào vùng tranh chấp ở biển Hoa Đông trong 111 ngày liên tục.

Ông Patalano nhấn mạnh chiến thuật “tằm ăn dâu” là bước đầu tiên trong quá trình làm thay đổi hiện trạng của Trung Quốc.

Theo ông Patalano, giai đoạn cuối cùng chiến thuật “tằm ăn dâu” có thể là xung đột vũ trang – một kết cục mà không bên nào mong muốn. Tuy nhiên, ông cũng cho biết ông cần nghiên cứu thêm để đánh giá chính xác tình hình.

Mục đích Trung Quốc hiện diện thường xuyên

Giáo sư Mike Mochizuki của Đại học George Washington (Mỹ) cho rằng việc Trung Quốc leo thang căng thẳng với Nhật trong khi quan hệ Trung - Mỹ đang ngày càng tồi tệ chỉ khiến Tokyo thắt chặt hơn mối quan hệ liên minh và đồng hành với Washington trong việc kiềm chế Bắc Kinh.

Ông Mochizuki chỉ ra rằng hoạt động của Trung Quốc ở gần quần đảo Senkaku không chỉ là sự gia tăng số lượng tàu mà là Bắc Kinh chủ ý thiết lập sự hiện diện thường xuyên của mình khu vực này.

Các tàu cá Trung Quốc rời cảng ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) để đi đánh bắt cá ở biển Hoa Đông. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Các tàu cá Trung Quốc rời cảng ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) để đi đánh bắt cá ở biển Hoa Đông. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Theo thống kê của lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật (JCG), số lượng tàu Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật tăng đáng kể kể từ tháng 4 năm ngoái. Trong 17 tháng từ tháng 4-2019 đến tháng 8 năm nay, tàu Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật 456 ngày trong tổng số 519 ngày. Trong khi 17 tháng trước đó, tính từ tháng 11-2017 đến tháng 3-2019, con số này chỉ là 227 ngày trong tổng số 516 ngày.

Mặc dù ông Mochizuki nhận thức rằng Nhật không chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng tiếp giáp lãnh hải do lo ngại về an ninh, nhưng ông cho rằng việc tàu Trung Quốc có mặt ở vùng biển này là không vi phạm luật quốc tế.

Ông Mochizuki nói rằng Nhật nên cảnh giác để bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình và không nên làm quá về vấn đề này.

Ngoài ra, ông Mochizuki cho biết xét trên quan điểm của Trung Quốc, mục đích của sự hiện diện của các tàu nước này ở vùng tiếp giáp lãnh hải và việc đi vào vào lãnh hải của Nhật ở vùng biển có tranh chấp là để ngăn Nhật triển khai các lực lượng thường trực hoặc xây dựng những cơ sở hạ tầng mới.

Biện pháp xoa dịu căng thẳng

Giáo sư Sato cho biết mặc dù giữa lực lượng Hải quân và Không quân của Trung Quốc và Nhật đã tồn tại một cơ chế liên lạc từ tháng 6-2018 nhưng nỗ lực thiết lập đường dây nóng ở các cấp chỉ huy cấp cao vẫn chưa thành công.

Ông nói rằng việc nâng cấp thông tin liên lạc giữa quân đội với quân đội là một vấn đề rất nhạy cảm, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang và mối quan hệ liên minh quân sự Nhật-Mỹ đang được thắt chặt.

Ông Sato nói rằng điều cấp thiết hơn và ít nhạy cảm hơn giữa Nhật và Trung Quốc là thiết lập một đường dây nóng cho lực lượng tuần duyên hai bên, mặc dù điều này sẽ khó ngăn được các hoạt động của tàu Trung Quốc.

Mối đe dọa thực sự với Nhật

Ông Mochizuki cho rằng lợi ích của Trung Quốc tại quần đảo Senkaku chủ yếu mang tính biểu tượng. Ông nhấn mạnh mặc dù Bắc Kinh sẽ không từ bỏ các yêu sách lãnh thổ của mình đối với quần đảo này nhưng họ cũng không muốn mạo hiểm để gây ra một cuộc xung đột quân sự với Nhật và có thể là Mỹ “trên các đảo nhỏ không có người ở với rất ít giá trị chiến lược ”.

Quan hệ giữa Mỹ - Trung - Đài ngày càng phức tạp. Ảnh: ASIA TIMES

Quan hệ giữa Mỹ - Trung - Đài ngày càng phức tạp. Ảnh: ASIA TIMES

Theo ông Mochizuki, với năng lực quân sự ngày càng mạnh mẽ Trung Quốc, tương tác Mỹ-Trung-Đài Loan sẽ trở nên phức tạp hơn và căng thẳng hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự. Đây mới chính là mối nguy thực sự đối với Nhật.

Ông Mochizuki cho rằng “nếu một cuộc xung đột quân sự ở Đài Loan xảy ra, Nhật chắc chắn sẽ tham gia”. Lý do là Nhật phải bảo vệ những lợi ích của mình ở chuỗi đảo phía tây nam của mình, cụ thể là tỉnh Okinawa và cơ sở quân sự của Mỹ trên ở Okinawa.

Theo quan điểm của chuyên gia này, đối với Nhật thì sự cố ở Đài Loan nghiêm trọng hơn nhiều so với vấn đề tranh chấp đảo Senkaku.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chuyen-gia-nhat-khong-hieu-y-trung-quoc-o-bien-hoa-dong-940753.html