Chuyên gia nói gì về đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất?

Bộ Xây dựng mới đây đã có văn bản phân tích cơ cấu giá thành, giá bán và nguyên nhân tăng giá bất động sản gửi Văn phòng Chính phủ.

Đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất

Theo Bộ này, giá bất động sản, nhà ở thương mại tại một số đô thị tăng cao trong thời gian gần đây, một phần lý do đến từ hiện tượng đầu cơ của các hội, nhóm, cá nhân.

Để hạn chế tình trạng đầu cơ, đồng thời ổn định thị trường, Bộ Xây dựng đề xuất, nghiên cứu hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá đất đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế theo hướng: Tăng tiền đặt cọc, xác định giá khởi điểm sát với thị trường, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia với mục đích đầu cơ.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu chính sách đánh thuế đối với nhà, đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng.

Đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất của Bộ Xây dựng đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dân. Ảnh minh họa

Đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất của Bộ Xây dựng đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dân. Ảnh minh họa

Việc nghiên cứu có chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.

Hiện đề xuất trên của Bộ Xây dựng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của rất nhiều người dân.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Đánh giá về đề xuất trên, luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, sở hữu tài sản nói chung và sở hữu bất động sản nói riêng là quyền của cá nhân đã được luật định.

Khi nhận chuyển nhượng, tặng cho hầu như để sở hữu tài sản người dân đều phải chịu các khoản phí, lệ phí, thuế như: Thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất, lệ phí sang tên…

Việc áp dụng đánh thuế đối với tài sản là bất động sản thứ hai tức đang áp dụng thu thuế thêm một lần nữa đối với tài sản.

Cũng theo ông Đồng, nếu quy định đánh thuế thêm một lần nữa đối với người sở hữu bất động sản thứ hai sẽ có những mặt tích cực và hạn chế.

Mặt tích cực là giúp tạm thời ổn định thị trường bất động sản, tránh lãng phí do đầu cơ, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng bất động sản bỏ hoang, không sử dụng.

Đề xuất của Bộ Xây dựng được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay, đặc biệt ở phân khúc chung cư, nhà ở riêng lẻ.

Tuy nhiên, về mặt hạn chế, quy định này có thể gây khó khăn cho người có thu nhập thấp, người nghèo, bộ phân dân cư ở nông thôn… Ví dụ một cá nhân sở hữu bất động sản đầu tiên là do thừa kế bố mẹ tặng cho, nhưng sau đó lao động dành dụm tích cóp để mua thêm 1 bất động sản để sau này cho con, họ vẫn quản lý sử dụng bình thường nếu đánh thuế bất động sản thứ hai với họ có thể sẽ là bất hợp lý và không công bằng.

Ngoài ra, đối với gia đình đông con nhưng con chưa đến tuổi nhận giao dịch chuyển nhượng, tặng cho khi bố mẹ có nhu cầu mua thêm đất để cho con cái có thêm chỗ ở mới thuận tiện cho việc học tập thì họ buộc phải đứng tên bất động sản thứ hai.

Rất nhiều trường hợp trong thực tế mà việc sở hữu bất động sản thứ hai chỉ là tình thế, hoàn cảnh không phải mua bán - sở hữu nhằm mục đích đầu cơ.

Vì vậy ông Đồng cho rằng, cần đánh giá tác động của quy định này đối với từng nhóm dân cư. Nếu cần thiết nên phân loại để chỉ áp dụng đánh thuế bất động sản thứ hai có hiện trạng bỏ hoang không sử dụng là tác nhân chính gây lãng phí và gây bất ổn thị trường bất động sản. Là nguyên nhân khiến cho bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp mất cơ hội sở hữu nhà đất.

Nguyễn Đồng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-de-xuat-danh-thue-nguoi-so-huu-nhieu-nha-dat-172240929104842296.htm