Chuyên gia tâm lý chia sẻ kinh nghiệm về giảm bạo lực học đường

GD&TĐ - Nhằm mang đến cho phụ huynh cái nhìn toàn cảnh hơn về vấn đề bình đẳng giới và bạo lực học đường, ngày 13/3 Trường quốc tế TIS đã tổ chức buổi chia sẻ với chủ đề “Báo động bình đẳng giới và bạo lực học đường”.

Tại buổi chia sẻ, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã mang đến cho phụ huynh những nội dung gần gũi nhất như: Nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường hiện nay. Bạo lực học đường từ trẻ nhỏ đến thiếu niên. Đâu là vai trò của nhà giáo? Bất bình đẳng và bạo lực học đường đã đến mức báo động hay do sự thổi phồng của giới truyền thông?. Giải pháp của chuyên gia dành cho phụ huynh và định hướng suy nghĩ - hành động cho các em học sinh.

Tiến sĩ Hiếu phỏng vấn một phụ huynh về cách xử lý tình huống khi con bị bạn đánh

Theo TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường đến từ 3 nhánh: gia đình, nhà trường, xã hội. Trong đó, nguyên nhân gia đình khiến trẻ có hành vi bạo lực là do trẻ học cách ứng xử bạo lực từ cha mẹ (nếu có) hoặc có thể do phụ huynh chưa hướng dẫn con cái cách tránh mâu thuẫn không đáng có khi ra ngoài xã hội.

Với nguyên nhân từ nhà trường, theo TS Hiếu, thực tế không phải trường nào cũng có tiết giáo dục kỹ năng tháo gỡ mâu thuẫn. Có quy mô giáo viên, chuyên gia tham vấn học đường đủ để theo sát được cá nhân.

Về nguyên nhân xã hội: Trẻ tiêm nhiễm vấn nạn bạo lực từ các văn hóa phẩm, phim truyện, tranh ảnh và thậm chí từ chính các hình ảnh bạo lực ngoài cuộc sống.

Giải pháp mà TS Hiếu đưa ra cho phụ huynh trong việc giảm khuynh hướng bạo lực nơi con trẻ là: Phụ huynh không nên giao toàn bộ trach nhiệm chăm sóc và dạy dỗ con trẻ cho nhà trường mà nên phối hợp để có thể luôn nắm bắt được những thay đổi tâm sinh lý và có những giải pháp phù hợp.

Nhà trường quan tâm và chăm sóc đến từng cá thể học sinh để có định hướng giáo dục phù hợp. Quan tâm đến việc phát triển kỹ năng mềm, khơi gợi những giá trị nghệ thuật, làm đẹp tâm hồn, giúp các em có được sự hạnh phúc nội tại.

Đặc biệt, phụ huynh cần hướng dẫn con trẻ ứng xử khi va chạm như: chủ động xin lỗi, nói lời hòa nhã…hoặc định hướng môi trường xã hội, tránh những game, phim bạo lực.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuyen-gia-tam-ly-chia-se-kinh-nghiem-ve-giam-bao-luc-hoc-duong-3033266-v.html