Chuyện hạng nhì của ST25

Sau khi gạo ST25 đạt thứ hạng 'Gạo ngon thứ 2 thế giới năm 2020' tại cuộc thi World's Best Rice lần thứ 12, do The Rice Trader tổ chức tại Mỹ mới đây, đã có không ít quan điểm, ý kiến trái chiều xung quanh sự kiện này. Tuy nhiên, liệu đây có phải là một thất bại của gạo ST25 nói riêng và gạo Việt Nam nói chung hay không mới là vấn đề cần làm rõ.

Cuối tháng 11 năm ngoái, sau khi gạo ST25 đăng quang vị trí “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” tại cuộc thi World’s Best Rice lần thứ 11, do The Rice Trader tổ chức ở Philippines đã tạo nên cơn sốt ST25 cả trên thị trường lẫn phương tiện truyền thông. Khi đó, tôi đã sớm nhận ra rằng, chuyện của ST25 đã không còn là của riêng kỹ sư Hồ Quang Cua hay của tỉnh Sóc Trăng nữa, mà nó đã thuộc về công chúng và là của quốc gia. Tôi cũng nhận ra hầu hết các ý kiến không đồng tình với việc từ hạng nhất xuống hạng nhì của ST25 chủ yếu xuất phát từ góc nhìn chuyên môn riêng của họ chứ chưa mang tính toàn cục của vấn đề. Do đó, trong bài viết này, tôi chỉ muốn tìm ra những gì hợp lý nhất, thỏa đáng nhất để mọi người có thể hiểu được câu chuyện hạng nhì của gạo ST25 ở cuộc thi lần thứ 12 này.

ST25 trồng trên nền đất tôm – lúa được các doanh nghiệp đánh giá là có chất lượng cao nhất. Ảnh: TÍCH CHU

ST25 trồng trên nền đất tôm – lúa được các doanh nghiệp đánh giá là có chất lượng cao nhất. Ảnh: TÍCH CHU

Trước tiên chúng ta cần tìm hiểu tại sao The Rice Trader lại tổ chức cuộc thi này mỗi năm một lần, để từ đó có cách lý giải hợp lý nhất cho việc tại sao chúng ta không đưa loại gạo khác đi dự thi để gạo ST25 vẫn giữ được danh hiệu gạo ngon nhất thế giới. Theo tìm hiểu của người viết, mục đích của cuộc thi World’s Best Rice mà The Rice Trader muốn hướng đến là nhằm khuyến khích các quốc gia sản xuất lúa gạo không ngừng nỗ lực ổn định, nâng cao chất lượng hạt giống (lai tạo, phục tráng…), quy trình sản xuất để tạo ra hạt gạo có giá trị dinh dưỡng tốt hơn, thơm ngon hơn và đặc biệt là phải an toàn hơn cho người tiêu dùng. Và đó cũng chính là lý do mỗi năm The Rice Trader đều tổ chức cuộc thi này để công bố đến người tiêu dùng trên thế giới về 3 loại gạo ngon nhất trong năm. Hay nói một cách là thứ hạng gạo ngon nhất, nhì, ba thế giới mà The Rice Trader công bố ở mỗi cuộc thi chỉ có giá trị trong vòng một năm sau ngày công bố.

Tuy nhiên, điểm tích cực mà các quốc gia sản xuất lúa gạo nhận ra ở sân chơi lớn này không chỉ là thứ hạng, mà còn là nơi giúp quảng bá hình ảnh lúa gạo quốc gia một cách tốt nhất, nhanh nhất, nhưng lại ít tốn kém nhất (nếu lọt vào top 3). Vì vậy, nếu muốn duy trì, nâng cao hình ảnh thứ hạng gạo quốc gia, ngoài việc củng cố, nâng cao chất lượng hạt giống, quy trình sản xuất, họ cần phải tiếp tục gởi loại gạo ngon nhất của mình dự thi ở những năm tiếp theo. Và điều này cho thấy tính hợp lý của việc tiếp tục đưa gạo ST25 dự thi năm nay, bởi nếu không tham gia, thứ hạng “Gạo ngon nhất thế giới” của ST25 cũng không còn hiện diện trên các bao bì hay slogan quảng cáo được nữa, mà nếu muốn chỉ có thể là “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 mà thôi. Hơn nữa, cũng chẳng có ai chọn cách bảo vệ ngôi vương của mình bằng cách… nghỉ thi đấu cả, vì như thế chẳng khác nào tự biến mình thành con rùa rụt cổ.

Qua 12 cuộc thi World’s Best Rice mới thấy rằng, gạo ST chỉ mới tham gia sân chơi lớn này được 4 kỳ (từ 2017 đến 2020), nên rất ít kinh nghiệm so với một số nước khác, nhưng cả trong 4 kỳ tham gia, gạo ST đều lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới. Và nói như kỹ sư Hồ Quang Cua – cha đẻ của giống ST25, thì từ năm 2017 đến nay, gạo Việt Nam luôn có tên trong bảng “phong thần” gạo ngon thế giới, trong đó, có lần đầu tiên gạo Việt Nam được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”. Tuy đã tạo được những hiệu ứng tích cực trên thị trường nhưng nếu xét về bề dày uy tín trên thị trường thì khiêm tốn mà nói chúng ta cũng còn kém so với gạo Thái Lan hay Campuchia, nên việc tiếp tục tham gia các cuộc thi là điều cần thiết để khẳng định tính ổn định về mặt chất lượng và sự an toàn của gạo Việt Nam. Đó cũng là mục tiêu mà kỹ sư Hồ Quang Cua muốn đạt được nhằm củng cố vị thế cho hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế cũng như nội địa và cũng để trên diễn đàn gạo ngon quốc tế luôn thường trực đại diện gạo Việt Nam.

Không riêng gì lúa gạo mà trong lịch sử các cuộc thi, chúng ta không ít lần chứng kiến hình ảnh những nhà đương kiêm vô địch trở thành cựu vương, mà trường hợp của gạo Campuchia là một ví dụ điển hình. Sau khi 3 năm liên tiếp (2012 - 2014) đạt giải nhất, gạo Campuchia đã tụt xuống hạng nhì liên tiếp 3 năm sau đó dù giống gạo mà họ mang đi thi vẫn là giống lúa mùa bản địa. Còn Thái Lan, sau 2 năm không giành được vị trí gạo ngon nhất thế giới, các chuyên gia lúa gạo của họ đã nhận ra rằng, nếu chỉ sử dụng giống lúa cho chất lượng gạo ngon nhất thôi là chưa đủ, mà nó còn phải được sản xuất ở vùng có thổ nhưỡng phù hợp mới có thể cho ra loại gạo ngon nhất và họ đã thành công. Điều này kỹ sư Hồ Quang Cua cũng hiểu rất rõ và đang tiến hành tại nhiều vùng sinh thái khác nhau, từ tôm – lúa ven biển cho đến tận vùng đất đỏ bazan của Tây Nguyên. Vì vậy, chúng ta có quyền hy vọng chất lượng của ST25 trong thời gian tới sẽ còn được cải thiện hơn nữa để gạo Việt Nam luôn hiện diện trên các diễn đàn gạo ngon nhất thế giới.

Kết quả sau 4 lần tham dự cuộc thi trên cũng phần nào khẳng định gạo ST không chỉ giữ sự ổn định về mặt chất lượng, mà còn được nâng lên trong 4 năm qua (thông qua việc đạt giải nhất năm 2019). Do đó, người tiêu dùng không có gì phải lo lắng về mặt chất lượng của gạo ST25, nếu mua tại các địa chỉ đáng tin cậy. Đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ST25 cũng không việc gì phải lo lắng bởi các nhà nhập khẩu gạo thế giới đều biết rất rõ thứ hạng trong mỗi cuộc thi chỉ có giá trị trong vòng 1 năm, nên vấn đề mà họ quan tâm nhất chính là sự ổn định về mặt chất lượng, sự an toàn của gạo ST25 đã được công bố và thỏa thuận trong hợp đồng.

Có lẽ do quá kỳ vọng, quá yêu thích gạo ST25, nên khi nghe tin gạo ST25 chỉ đạt giải nhì năm nay, nhiều người cảm thấy hụt hẫng, thất vọng dẫn đến những chỉ trích hay phê phán. Nhưng điều đó một lần nữa cho thấy, tình yêu và sự kỳ vọng của cộng đồng dành cho ST25 là rất lớn. Và tâm lý mà nói, ai cũng thích hạng nhất hơn là hạng nhì, nhưng cũng cần phải hiểu rằng, hạng nhì của ST25 ở năm 2020 không đồng nghĩa với chất lượng không bằng hạng nhất năm 2019. Do đó, nếu xem xét một cách thấu đáo, hiểu một cách tường tận về mục đích, ý nghĩa của cuộc thi, mọi người sẽ có cái nhìn công tâm hơn, cảm thông hơn, tự tin hơn về ST25 nói riêng và hình ảnh lúa gạo Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/chuyen-hang-nhi-cua-st25-44047.html