Chuyển hóa các áp lực thành động lực cải cách

Nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém, vận hành kém hiệu quả, khả năng chống chịu bị nghi ngờ trong bối cảnh phát triển mới, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn ngày càng lớn. Cần tạo lập nền tảng cấu trúc mới và các động lực phát triển hiện đại để tương thích với thời đại kinh tế số và CMCN 4.0.

10 điểm nghẽn và bệnh trầm kha

Nhìn lại quá trình hơn 30 năm kể từ công cuộc đổi mới được tiến hành, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc: Tăng trưởng GDP trung bình đạt gần 7%/năm trong 32 năm qua, giúp Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp và hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015; Tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh, từ 58% năm 1997 xuống còn trên 10% năm 2017; Thuộc top đầu trên thế giới trong thu hút FDI…

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém, vận hành kém hiệu quả, khả năng chống chịu bị nghi ngờ trong bối cảnh phát triển mới, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn ngày càng lớn. Đây là bình luận của TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Để khắc phục yếu kém, để tiến xa hơn thì những năm gần đây Việt Nam đã bắt đầu cải cách sâu rộng, thậm chí làm mới thể chế kinh tế. Nhưng chính những thành tựu về phục hồi tăng trưởng, và thấy vị thế kinh tế - chính trị Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao hơn… đã làm nảy sinh một luồng suy nghĩ “Thuốc đang có tác dụng tại sao phải dừng”, TS. Lê Xuân Sang chỉ ra. Và vì thế tăng trưởng đang có vấn đề cả về tốc độ và chất lượng.

Chất lượng tăng trưởng không cao, tốc độ tăng trưởng lại đang giảm dần. Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Các giải pháp đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới” tổ chức mới đây, TS.Lê Xuân Sang đã nêu ra 10 điểm nghẽn lớn của nền kinh tế hiện đang gây ra chất lượng thấp trong tăng trưởng.

Trong đó, nổi lên các điểm nghẽn, thậm chí là các “căn bệnh trầm kha” như: Vấn đề bình đẳng trên thực tế giữa các thành phần kinh tế chậm được xử lý; Các thể chế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng trên thực tế bị lấn át bởi các hành vi trục lợi, móc ngoặc thậm chí chiếm đoạt; Mối liên kết kinh doanh, liên kết nội vùng - liên vùng vẫn rất yếu kém; Chất lượng nguồn nhân lực chậm được cải thiện; Chất lượng công tác hoạch định chính sách và pháp luật rất thấp…

Theo TS. Sang, nguyên nhân của các điểm nghẽn trên đến từ vấn đề thể chế. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, việc tháo gỡ các nút thắt và điểm nghẽn kể trên thông qua các giải pháp đột phá về thể chế là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đơn cử với vấn đề bình đẳng trên thực tế giữa các thành phần kinh tế. Tuy đã bình đẳng hơn, đã coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng vẫn xác định DNNN là chủ đạo giữ vị trí then chốt, DN tư nhân.

Vì vậy, cần có sự bình đẳng thực sự và xác định đúng vai trò của kinh tế tư nhân. Điều này không những sẽ giúp tránh được các rủi ro “đạo đức” từ chính bên trong Việt Nam, không làm nản lòng các nhà đầu tư nhờ môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, mà còn giúp giảm nguy cơ tăng tranh chấp, khiếu kiện trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu và đặc biệt là các cam kết khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới.

Trong khi đó, mối liên kết kinh doanh, liên kết nội vùng - liên vùng vẫn rất yếu kém do nhiều nguyên nhân. Trong đó, một trong những nguyên nhân là vai trò của Nhà nước còn yếu trong việc tạo ra liên kết, nhiều thiết chế liên kết kinh tế nội vùng, liên vùng chỉ mang tính hình thức, và còn chủ nghĩa thành tích theo địa giới hành chính (tỉnh). Để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng lại cơ chế tạo dựng liên kết, trong đó chú trọng tạo dựng các liên kết mang tính tự nhiên hơn hành chính. Bên cạnh đó cần nghiên cứu thành lập các cơ quan quản trị liên kết vùng cùng với các thay đổi tương ứng để đảm bảo hiệu quả.

Tạo lập các động lực phát triển mới

Các chuyên gia cho rằng, các điểm nghẽn, nút thắt của nền kinh tế được biểu hiện ra như vậy thực chất đang phản ánh các vấn đề sâu hơn về thể chế và tư duy của hệ thống. Về mặt khoa học, cách tiếp cận hệ thống là cần thiết để làm rõ những nguyên nhân sâu xa dẫn tới những điểm nghẽn trên, từ đó tìm ra các giải pháp phù hợp. Bởi theo nhiều chuyên gia, nếu chỉ nhìn ở bề nổi như vậy, sẽ thấy chỗ nào chúng ta cũng đang có điểm nghẽn.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, quan trọng là phải đổi mới tư duy để làm thật, tránh cảnh cứ “loay hoay” như hiện nay trong khi các động lực tăng trưởng đã suy giảm.

“Nền kinh tế thời đại 4.0 đòi hỏi Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở việc khắc phục các “điểm nghẽn” phát triển và tăng trưởng mà nền kinh tế đang lâm vào. Là nền kinh tế có độ mở cửa và hội nhập cao, Việt Nam phải tạo lập nền tảng cấu trúc mới và các động lực phát triển hiện đại tương thích với thời đại CMCN 4.0”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế bằng các FTA thế hệ mới hàm nghĩa việc tuân thủ các đòi hỏi về thể chế kinh tế, các chuẩn mực và quy định kỹ thuật của sản phẩm dịch vụ ở trình độ rất cao. Như vậy, hội nhập quốc tế không chỉ mang đến những cơ hội to lớn, mà còn tạo ra những áp lực phát triển chưa từng thấy. Cả cơ hội lẫn áp lực phát triển - nếu hóa giải được - đều trở thành động lực cải cách, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nền kinh tế vươn nhanh lên đẳng cấp phát triển mới.

“Việc chuyển hóa áp lực phát triển thành động lực cải cách phải được coi là một cách tiếp cận phát triển mới trong thời đại mở cửa - hội nhập quốc tế đang đặt ra cho Việt Nam”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam những giải pháp đột phá về thể chế trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng cần tập trung vào một số khía cạnh: Đột phá vào KHCN và đổi mới sáng tạo; Đột phá vào các động lực tăng trưởng (trong đó xác định rõ kinh tế tư nhân là động lực quan trọng); Đột phá vào các động lực để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu với giá trị gia tăng thu được cao hơn, đặc biệt trong ngành công nghiệp hỗ trợ;

Rà soát lại mối quan hệ giữa đô thị - nông thôn và giữa các ngành, nhất là cần xem lại các đô thị như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng đã thực sự là các đầu tàu tăng trưởng, thực sự là các trung tâm dẫn dắt đột phá vào những ngành công nghệ cao hay chưa; Hệ thống quản trị nhà nước sẽ phải thay đổi như thế nào để vừa đáp ứng được theo các cam kết và chuẩn quốc tế, vừa đảm bảo các mục tiêu và mô hình tăng trưởng của Việt Nam. “Đây là những vấn đề mà cả về lý luận cũng như các giải pháp cụ thể cần được mổ xẻ sâu sắc”, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn kết luận.

Hội nhập quốc tế không chỉ mang đến những cơ hội to lớn, mà còn tạo ra những áp lực phát triển chưa từng thấy. Cả cơ hội lẫn áp lực phát triển - nếu hóa giải được - đều trở thành động lực cải cách, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nền kinh tế vươn nhanh lên đẳng cấp phát triển mới. “Việc chuyển hóa áp lực phát triển thành động lực cải cách phải được coi là một cách tiếp cận phát triển mới trong thời đại mở cửa - hội nhập quốc tế đang đặt ra cho Việt Nam”.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chuyen-hoa-cac-ap-luc-thanh-dong-luc-cai-cach-89296.html