Chuyện ít biết về người từng là đại ca giang hồ
Từng ăn cơm tù hơn 20 năm, giới giang hồ đều biết tiếng nhưng một ngày anh quyết định tu tâm đổi tánh để được về với gia đình. Bởi ở nhà, anh có người vợ kiên nhẫn đợi chờ anh từ khi cô 18 tuổi.
Chị Trần Thị Xuân Thu bán ốc trong một con hẻm phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM. Một bữa, chị đi chợ mua ốc về gần tới nhà thì bị một người đi ngược chiều đụng xe té ngã. Người này chẳng những không xin lỗi mà còn lớn tiếng xài xể nhằm giành phần thắng về mình. Nhiều người ở chung con hẻm nói: “Ông nội này không biết ổng gây với vợ “anh Hai” rồi”.
Ồn ào vài phút, “anh Hai” cũng bước ra. Mọi người ngó nhau lo lắng. Đó là một người đàn ông to con, có đôi chân mày rậm, ngó rất dữ tướng. “Anh Hai” giúp chị Thu dọn đồ lên xe, kêu vợ đi về. Rồi anh nói với người đã đụng xe vợ mình: “Ông không nên gây gổ với phụ nữ. Giờ ông đi về đi”. Người đàn ông vội vã lên xe bỏ đi. Mọi người thở phào nhẹ nhõm.
Từ thiếu gia trở thành đại ca giang hồ
“Anh Hai” chính là Lương Mã Phi, từng là đại ca cát cứ quận Gò Vấp nổi tiếng một thời, được dân giang hồ gọi là “anh Hai”. “Anh Hai” vào tù ra trại liên miên, có thâm niên hơn 20 năm ăn cơm trong tù với các tội danh: bảo kê nhà hàng, trộm cắp tài sản, tàng trữ ma túy, bắt cóc... Nay anh là một anh tài xe ôm hiền lành, về tới nhà là tất tả phụ vợ đi chợ, cơm nước, buôn bán nhưng vẻ ngoài của “anh Hai” vẫn rất bụi bặm, phong trần.
Lương Mã Phi được một phụ nữ giàu có nổi tiếng gốc Hoa nhận làm con nuôi ngay từ khi mới lọt lòng. Bà đặt cho con trai cái tên rất ấn tượng, với mong muốn con trai sẽ làm nên tên tuổi sự nghiệp, rạng rỡ gia đình. Anh kể lại, mẹ nuôi cưng chiều anh tới mức trong nhà ai làm anh phật ý bà sẽ đuổi ra ngoài. Anh muốn gì đều được mẹ mua cho. Do được nuông chiều thái quá, Phi ham chơi hơn ham học. Ở trong trường, Phi cầm đầu đám bạn quậy phá khiến thầy cô rất phiền lòng.
Năm Mã Phi học lớp 6, do quậy phá, đánh lộn, thầy hiệu trưởng buộc cậu học trò ngỗ ngược này nghỉ học một năm. Chỉ mấy ngày sau, Phi đột nhập vào nhà một đại úy Công an quận Gò Vấp để trộm cắp tài sản. Chẳng mấy khó khăn để công an tóm được Phi khi cậu đang bao đám đàn em nhí chè chén say sưa. Phi phải “nhập trại” giáo dưỡng 13 tháng.
Được về nhà vào năm 1983, chỉ mấy tháng sau Phi lại nhập trại vì đánh lộn. Một năm sau được ra trại rồi lại vô trại sau mấy tháng. Từ đó đến năm 1988, Phi ra vô trại như cơm bữa, đến mức cán bộ quản giáo nhẵn mặt, gặp Phi cứ lắc đầu thở dài.
Ra trại năm 1988, Phi gặp cô bạn hàng xóm đã vụt lớn thành một thiếu nữ xinh xắn. Phi tán đổ cô bạn gái hiền lành, rồi cả hai về ở với nhau mặc cho nhà vợ Phi kiên quyết phản đối.
Thời điểm đó, Phi làm bảo kê nhà hàng. Khu vực “anh Hai” bảo kê, không có nhóm giang hồ nào dám vào giành chia phần. Tiền bảo kê thu được rất nhiều, “anh Hai” vung tiền cho đám đàn em ăn nhậu. Lúc đó, dưới tay Phi có khoảng 50 đàn em, mặc cho vợ con thấp thỏm lo âu.
Năm 1996, một tay anh chị ở quận 12 chặn đường đánh một đàn em của Phi. Người này đã bị nhóm Phi bắt và bị một trận đòn thừa chết thiếu sống. Sau đó ít lâu, Phi lại bị công an bắt vì tội bắt cóc. Anh bị kêu án tới 18 năm tù.
Đàn em của Phi vào thăm và gửi buồng giam một ít ma túy để… “anh Hai” liên hoan chia tay. Bị phát hiện, Phi lại “được” ngồi tù thêm bảy năm nữa. Chấp hành án được ít lâu, Phi tổ chức một nhóm sáu phạm nhân đào tường trốn trại. Một thời gian sau đó, một người trong nhóm được gia đình đưa đến công an đầu thú, biết không thể trốn mãi, Phi cũng quay về đầu thú. Vì “thành tích” này mà thời gian ăn cơm tù của Phi kéo dài thêm hai năm.
Nhờ vợ con mà tu tỉnh
Trong suốt thời gian Phi ở tù, chị Thu vẫn thường xuyên thăm nuôi, động viên chồng cố gắng cải tạo tốt để về với gia đình. Chị thường xuyên kể cho Phi nghe về hai đứa con rất ngoan, chăm học chăm làm, gia đình họ hàng đều yêu mến. “Anh Hai” nhớ lại: “Thời gian tôi nằm ở trại giam Xuyên Mộc, Đồng Nai, cán bộ quản giáo tên Luyến đã thay đổi tôi rất nhiều. Ảnh nói tôi có vợ đẹp, con ngoan, phải ráng tu tỉnh để về chăm sóc gia đình. Tôi đã bỏ mặc gia đình mình quá lâu rồi. Ngày nào ảnh cũng nói. Cuối cùng, tôi tỉnh ngộ. Tôi quyết định tu tâm trước. Tôi tập thiền ở trong tù”.
Đến năm 2010, “anh Hai” trở về nhà trước thời hạn hơn bốn năm do chấp hành kỷ luật tốt. Anh quyết tâm hoàn lương. Ngày anh ra tù, anh được vợ mua tặng một chiếc xe để chạy xe ôm. Bạn tù, đám đàn em cũ đến thăm, xin ở dưới trướng của “anh Hai” nhưng Phi từ chối. Anh nói: “Nếu bước vô giang hồ lần nữa, tôi phải bảo kê, bênh vực đàn em, cỡ nào cũng lại vô tù”.
Vợ của anh Phi là người vui hơn ai hết. Chị nói: “Ổng về nhà, thương vợ con hết mực. Chuyện gì cũng giành làm với tôi, chuyện cơm nước ổng cũng làm luôn, giỏi giang lắm”. Gương mặt anh Phi ngời lên niềm hạnh phúc khi nghe vợ khen mình. Anh nói: “Tôi làm khổ bả quá rồi, giờ ráng bù đắp cho bả”.
Hàng xóm hằng ngày thấy một “anh Hai” khỏe mạnh, vạm vỡ giúp vợ đi chợ, buôn bán, chạy xe ôm. Quá khứ đã ở phía sau lưng, giờ anh Phi rất yên ổn và hạnh phúc với cuộc sống bình dị như bao người dân lao động khác.
Mong anh em hoàn lương hòa nhập tốt như anh Phi
Từ khi trở về địa phương năm 2010 đến nay, anh Lương Mã Phi chấp hành pháp luật rất tốt, sống gương mẫu. Chúng tôi rất vui mừng vì anh đã hòa nhập tốt. Với những anh em hoàn lương, chúng tôi mong ai cũng có thể vượt qua chính mình để hòa nhập như anh Phi.
ÔngPHAN MINH SANG, Phó Trưởng Công an phường 17, quận Gò Vấp
Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/chuyen-it-biet-ve-nguoi-tung-la-dai-ca-giang-ho-749250.html