Theo các diễn đàn đồ cũ quốc tế, quạt tai voi được được sản xuất tại một nhà máy ở Dnepropetrovsk (Ukraine, Liên Xô cũ). Có mã hiệu là ВЭ-1 (VE-1), quạt tai voi có cấu tạo rất đơn giản, với ba cánh bằng cao su, vỏ và đế được đúc bằng gang.
Tên gọi “quạt tai voi” là do người Việt đặt ra, dựa trên những cánh quạt có hình dạng như tai con voi. Dù không có lồng bảo vệ nhưng quạt không gây ra nguy hiểm khi sử dụng vì cánh quạt được làm bằng chất liệu bằng cao su mềm.
Hai đặc điểm của quạt tai voi khiến người dùng nhớ mãi. Đó là quạt chạy khá ồn và “nồi đồng cối đá”. Quạt rất nặng vì lớp vỏ kim loại dày. Nhiều người dùng cho rằng, quạt tai voi đủ sức “sống sót” sau khi bị thả xuống đất từ tầng hai.
Động cơ của quạt cũng bền bỉ đúng chất Liên Xô. Có nhiều giai thoại được lưu truyền về những chiếc quạt còn cắm điện bị bỏ quên trong phòng hàng tháng, khi chủ nhân về nhà quạt vẫn chạy ro ro như thể vừa mới được dùng.
Vào thời bao cấp, quạt tai voi đến với người Việt qua hai con đường chủ yếu là xách tay từ Liên Xô hoặc phân phối nhà nước. Gia đình nào không có người công tác, học tập ở Liên Xô và cũng không được phân phối quạt chỉ có thể tìm mua ở “chợ đen”.
Là tài sản lớn giai đoạn bao cấp nên chiếc quạt Liên Xô này rất được coi trọng. Không chỉ dùng để quạt mát, chiếc quạt cục mịch này còn là vật dụng chứng minh đẳng cấp của chủ nhà. Khi khách đến chơi, có quạt tai voi thổi vù vù gia chủ tha hồ hãnh diện.
Kể từ sau giai đoạn đổi mới thị trường, quạt tai voi dần dần bị thay thế bằng các loại quạt do các đơn vị trong nước sản xuất cũng như nhập ngoại với mẫu mã đa dạng. Ngày nay, những chiếc quạt tai voi còn đẹp và hoạt động tốt trở thành món “đồ cổ” quý hiếm, được mua bán trao đổi với giá cao...
Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.
T.B (tổng hợp)