Chuyện không có trong cáo trạng

Những tình tiết không có trong cáo trạng của một vụ án vừa được diễn ra tại Tòa án Nhân dân Quận 3 (TPHCM) cho thấy những bi kịch riêng của gia đình, phụ huynh ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển bình thường của con trẻ.

 Tranh minh họa

Tranh minh họa

Bị hại và bị cáo đều dưới 18 tuổi

Trước khi vào phiên xét xử diễn ra tại Tòa án Nhân dân Quận 3, tôi ngồi trò chuyện cùng cả gia đình bị hại và gia đình bị cáo. Bên bị hại, người đi cùng là mẹ và chị gái; bên bị cáo, người đi cùng là cha ruột.

Các phụ huynh trao đổi các câu nói thân tình với nhau, trong khi bị hại và bị cáo đều là các gương mặt non nớt, ngồi nhìn nhau bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Thậm chí bị cáo còn chỉ xin phép vắng mặt tại lớp học 1 buổi - bị cáo đang học lớp 11 tại một trường Trung học ở quận Phú Nhuận.

Theo nội dung vụ án, thiếu nữ Lê Thái B.M., sinh năm 2008, đã nói chuyện qua lại dẫn tới mâu thuẫn nhau nên bị nhóm "bạn xã hội" đều là nữ, dưới 18 tuổi, hẹn ra gần một chung cư tại Quận 3 rồi lột đồ, đánh đập dã man.

Clip được quay lại bởi chính 1 trong số những thành viên tham gia đánh M. Thành viên này sau đó đã đưa lên trang cá nhân khiến nhiều người theo dõi, bình luận. Mẹ của M. được hàng xóm xem clip xong thông báo, sau đó bà đưa con gái lên công an tố cáo.

Theo các cơ quan liên quan, người đánh đập M. trên clip và cũng là người đưa clip này lên mạng, bị truy tố ra tòa về tội "làm nhục người khác".

Sau các phần xét hỏi, tranh luận và nghị án, thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Theo quyết định của Tòa án Nhân dân Quận 3, vụ án được đưa ra xét xử công khai. Tuy nhiên, sau đó thư ký tòa thông báo vì vụ án có yếu tố trẻ vị thành niên nên đã xét xử kín. Đây là một vụ án khá đặc biệt bởi cả bị cáo và bị hại đều ở lứa tuổi dưới 18 khi vụ việc xảy ra.

Và Hội đồng xét xử đã áp dụng phiên tòa thân thiện để không ảnh hưởng tới tâm lý của các bên.

Điều gây chú ý là bị hại tới tòa với cái bụng lớn tròn căng. Thiếu nữ bị đánh khi mới gần 15 tuổi và mang bầu khi vừa qua tuổi 15 được vài tháng.

Cuộc sống riêng nhiều biến động

Bà Thái N.C, sinh năm 1978, quê tại Mỹ Tho, Tiền Giang, là mẹ ruột của Lê Thái B.M. Bà C. cho biết, M. là con gái thứ 3 của bà với người chồng đầu tiên. "Tôi lấy người chồng đầu tiên năm tôi vừa 19 tuổi.

Tốt nghiệp THPT, vì thi rớt Đại học nên tôi đành ở nhà lo việc nội trợ phụ ba mẹ. Có người quen của gia đình mai mối, nên tôi quen ba của tụi nhỏ. Anh quê Bến Tre nhưng vì tôi là con một nên anh sang Mỹ Tho ở cùng với ba mẹ tôi", bà C. kể chuyện.

Ba của bà C. là bộ đội về hưu, ông mang nhiều bệnh trong người, nhà lại chẳng có vườn tược gì để trồng trọt nên gia cảnh cũng khó khăn. Vợ chồng bà C. sinh lần lượt 3 con gái, đùm túm làm thuê làm mướn nuôi đàn con, sống bên ông bà ngoại.

Rồi ba mẹ bà C. lần lượt mất, dịp 49 ngày mất của mẹ, chiếc xe gắn máy duy nhất của cặp vợ chồng này để trước cửa nhà bị trộm lấy, bà C. từ đó mang nhiều sự buồn trong người. Họ không cãi vã, mâu thuẫn gì nhưng theo bà C. thì "chắc hết duyên hết nợ" nên vợ chồng cứ dần xa cách.

Khi bé Lê Thái B.M được hơn 1 tuổi, bà C. đóng cửa nhà cha mẹ, chồng bà về Bến Tre sinh sống, còn bà C. mang 3 con gái lên TPHCM thuê nhà trọ. Lên TPHCM sinh sống được khoảng 3 năm, bà C. gặp và sống chung với người đàn ông thuê nhà ở gần đó.

Họ sinh cô con gái út, hiện đang học lớp 3. Từ khi sinh con nhỏ, do kinh tế gia đình eo hẹp nên bà không thể đóng tiền cho bé M. tới trường nữa. Học hết lớp 7, M. nghỉ học ở nhà và bắt đầu "nhàn rỗi sinh nông nổi".

Sau khi bị đánh đập, lột đồ và bị đưa lên mạng, tinh thần và sức khỏe của M. giảm sút. M. về quê ba ở Bến Tre nhưng lại không được ở nhà của ba vì vợ mới và con riêng của ba cũng có việc phiền toái. M. đã tới nhà bà con ở nhờ.

Không có người lớn quản lý, M. đi chơi và cuối cùng mang bầu với một cậu thanh niên quen qua mạng, tới giờ cũng chẳng biết cậu đó sống ở đâu và tên thật là gì. Biết mình có bầu, M. càng sợ hãi, không dám nói với ai. Cuối cùng, bụng lớn rồi, cô bé mới dám điện thoại lên thành phố nói chuyện với mẹ.

"Thấy tâm lý con không ổn nên tôi cũng không dám rầy la. Có gì lại mất con thì sao. Nên tôi chỉ biết động viên con", bà C. tâm sự.

Lê Thái B.M từ Bến Tre lên TPHCM để tham dự phiên tòa và ở lại phòng trọ cùng mẹ, chị gái, con trai của chị gái, em gái và dượng. Thiếu nữ sẽ sinh con trước Tết này. Khi được hỏi vì M. còn nhỏ, chưa thể đứng tên làm giấy khai sinh cho con, thì bà tính sao, bà C. nói rằng, bà sẽ là người đi làm giấy khai sinh cho cháu!

Đinh Thu Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chuyen-khong-co-trong-cao-trang-20241023130159188.htm