Chuyện làm ăn: Ðón đầu cơ hội

Khi nghe KCN Sơn Mỹ 1, KCN Sơn Mỹ 2 đã khởi động, chị Nguyễn Thị Hân ở thôn 3, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân gợi ý nghề nghiệp với đứa con trai năm nay đang học lớp 11. Chị dùng từ gợi ý, vì cả đời làm nông nên không biết ngành nghề gì khác, nhất là với những nghề sẽ phục vụ tại các KCN, tại cảng chuyên dùng Sơn Mỹ chưa hình thành trên tại quê nhà. Nhưng điều chị quan tâm nhất là nếu học nghề gì để làm việc có lương cao lại gần nhà thì tuyệt, vì không phải trả chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ khi ở xa nhà. Chị kể, thằng bé nghe mẹ nói thế cũng gật gù, lên internet tìm kiếm mấy ngành nghề phục vụ tại các KCN thời thượng, các khu đô thị thông minh, rồi logistics… và nó cũng đang định hình sẽ lựa chọn ngành nghề nào hợp với bản thân mà vẫn đáp ứng mong muốn của mẹ, dù chưa rõ ràng lắm.

Chuyện làm ăn

Vì vậy, dù không có chút đất nào nằm trong diện đền bù của 2 dự án trên nhưng chị Hân trông mong các khu công nghiệp này triển khai sớm còn hơn các hộ mất đất mong nhận tiền. Sự nóng lòng ấy, thực ra còn xuất phát từ tâm lý đã mong chờ quá lâu và nay, với những tín hiệu tích cực từ các chủ đầu tư thông qua xã trong việc đo đạc lại đất, triển khai đền bù, rà phá bom mìn... khiến vùng quê này xôn xao. Thực tế, bên cạnh KCN Sơn Mỹ 2 đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, KCN Sơn Mỹ 1 cũng sẽ hình thành qua 2 giai đoạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ trước và nay chủ đầu tư có cam kết về kế hoạch triển khai. Như giai đoạn 1 rộng hơn 615 ha, chủ đầu tư xác định sẽ khởi công dự án vào quý 3 năm nay. Từ quý 1/2021 đến quý 1/2023, sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý đất đai, pháp lý xây dựng, thi công xây dựng hạ tầng và nghiệm thu đưa vào hoạt động.

Chính sự rõ ràng trên khiến người dân ở Hàm Tân bắt đầu có hành động riêng trong điều kiện của mỗi gia đình. Biểu hiện rõ nhất là các hộ dân ít nhiều đã gợi ý, định hướng cho con, cháu thi vào những ngành nghề mà các doanh nghiệp hoạt động tại các KCN tuyển dụng để về làm việc gần nhà, lại có lương cao. Còn như các hộ dân ở xã Tân Đức và các xã lân cận, ngoài gợi ý, định hướng trên, còn nhắn gửi, kêu gọi con em làm ăn xa ở các nơi tính toán, sắp xếp về lại quê nhà làm việc. Dù vẫn biết sau đầu tư hạ tầng, chuyện thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN không phải ngày một ngày hai nhưng với vùng đất nông nghiệp thiếu nước ở Hàm Tân, đó đã là tín hiệu mở ra những cơ hội việc làm khác, tạo ra những hy vọng cho những ngày tháng tới.

Theo lãnh đạo UBND huyện Hàm Tân, đến thời điểm này, 3 KCN lớn trên địa bàn huyện đã có những tiến triển cho khởi công xây dựng. Nói về lao động cho các KCN này, hiện chưa có gì rõ ràng nhưng có thể hình dung, chỉ 1 khu đô thị - dịch vụ đi vào hoạt động thì cần 1 lượng lớn lao động có trình độ tay nghề lẫn phổ thông. Vì vậy, huyện xác định, khi các doanh nghiệp yêu cầu thì sẽ phối hợp với ngành chức năng của tỉnh để đáp ứng.

HẢo Chi

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/chuyen-lam-an-%C3%B0on-dau-co-hoi-136916.html